Bên bờ hạnh phúc

 Đã tám mươi, tức là bước qua tuổi xưa nay hiếm từ lâu, nhưng ông vẫn mạnh khỏe, trí tuệ còn minh mẫn. Với người cao tuổi, đó thật sự là một điều tuyệt vời. 

Tuyệt vời hơn, ông vẫn đang làm việc , lãnh đạo một tổ chức xã hội có những thành tích rất xuất sắc. Ông là Ngô Ngọc Bỉnh – Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Vĩnh Long.

Ông  có tên thường dùng là Sáu Kỳ, sinh năm 1932, tại xã Long Vĩnh – huyện Trà Cú, nay là xã Long Khánh – huyện Duyên Hải – tỉnh Trà Vinh, trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1949, lúc mười bảy tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng.  Ông đã trải qua nhiều nhiệm vụ, giữ  cương vị lãnh đạo ở các tổ chức – đơn vị thuộc nhiều địa bàn khác nhau.

Tuy nhiên, sau 63 năm tham gia công tác, đến hôm nay, vào lúc đã có thể tổng kết sự nghiệp cách mạng đời mình, ông tự nhận thấy, lĩnh vực mà ông đạt được nhiều thành tích xuất sắc nhất chính là công tác dân vận.

Trong ký ức của ông còn sống mãi những kỷ niệm về thời kỳ làm Trưởng đoàn chuyên gia tại tỉnh Kông-pông-spư ở Campuchia. Gần bốn năm hoạt động trên đất bạn với trọng trách xây dựng mạng lưới giao thông nông thôn, xây dựng thực lực ở cơ sở, đã cho ông nhiều bài học kinh nghiệm dân vận quý giá.

Một trong những cống hiến to lớn nhất của ông cho Vĩnh Long là việc gầy dựng và góp phần chỉ đạo thắng lợi phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư và phong tràoXây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng theo Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Long.

 

Năm 1995, khi đang giữ chức vụ Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, ông được Tỉnh ủy giao trọng trách trực tiếp theo dõi và chỉ đạo việc thực hiện Chỉ thị 01. Trong suốt mười năm, từ năm 1995 đến năm 2005, ông gắn bó  với phong trào một cách tâm huyết.

Với ông, thắng lợi lớn nhất của phong trào này là xây dựng và phát triển được cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm và điện khí hóa nông thôn, trong đó, ông đặc biệt tâm đắc với việc làm thủy lợi gắn với bảo vệ ruộng – vườn, làm sạch môi trường và xây dựng giao thông. 

Trong phong trào ấy, nhiều câu nói của ông đã trở thành phương châm hành động ở cơ sở: 

Đường thông xe hai bánh/ điện sáng tới mọi nhà.

Đường trước nhà ai, nấy đắp/ cầu trước nhà ai, nấy xây. 

Đảng viên đi trước/ làng nước theo sau. 

Chỉ trong vòng mười năm, phong trào đã đạt được những thành tích vượt bậc. Bộ mặt nông thôn đổi mới là điều không ai có thể phủ nhận. 

Từ phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, ôngđược cán bộ và nhân dân thương mến đặt cho cái tên Ông Sáu không một – một kỷ niệm đẹp không bao giờ quên trong đời hoạt động cách mạng của ông.

Năm 2005, vào lúc đã 73 tuổi, ông chính thức được  nghỉ hưu. Nhưng một lần nữa, Tỉnh ủy Vĩnh Long lại yêu cầu ông hỗ trợ cho một công tác khác , là hoạt động nhân đạo. 

Được thành lập từ năm 2002, đến năm 2005, Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo Vĩnh Long vẫn còn được mệnh danh là Hội bốn không , do không có kinh phí hoạt động, không có trụ sở để làm việc, không cán bộ chuyên trách và không lãnh đạo cấp Trung ương. Sau khi ông về nhậm chức Chủ tịch, hoạt động Hội bắt đầu khởi sắc.

Hoạt động chính của Hội bao gồm việc thực hiện các chương trình mục tiêu xã hội, là mổ mắt, cấp xe lăn – xe lắc cho người khuyết tật, mổ tim, xây dựng bếp ăn miễn phí tại các trung tâm y tế và hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Đến nay, Vĩnh Long đã cơ bản xóa mù cho người nghèo, cấp – đổi xe lăn – xe lắc cho người khuyết tật, tức là đã hoàn thành hai  chương trình mục tiêu, nhờ vậy mà có điều kiện để phát triển thêm một chương trình mới là chương trình trị bệnh cho phụ nữ nghèo.

Trong toàn bộ hoạt động Hội, nổi bật lên hai lĩnh vực là xây dựng bếp ăn cho bệnh nhân nghèo tại các trung tâm y tế và mổ tim nhân đạo.

Vừa rồi, chúng tôi đã theo ông đến thăm bếp ăn từ thiện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Nhà bếp nhỏ, gọn, ít người làm nhưng rất ngăn nắp và sạch sẽ. Mỗi ngày, bếp ăn này cung cấp khoảng 170 suất ăn miễn phí, riêng cháo và nước sôi đáp ứng đủ cho mọi nhu cầu. Được biết, chỉ tính riêng trong năm 2011 và 4 tháng đầu năm 2012, chương trình bếp ăn miễn phí tại 7 trung tâm y tế huyện và thành phố Vĩnh Long đã chi hơn 12 tỷ đồng.

 

Có một điều đặc biệt là trước kia, bếp ăn từ thiện tại các trung tâm y tế thường do các tổ chức tôn giáo đứng ra điều hành và nấu thức ăn chay. Đến nay, dưới sự chỉ đạo của Hội, bếp ăn miễn phí đã được tổ chức cho

nhiều thành phần cùng tham gia, đồng thời chuyển sang chế độ nấu thức ăn mặn. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện có 17 tổ thay phiên nhau đăng ký trực bếp.

Cùng với ông, chúng tôi đã đến thăm gia đình chị Châu Minh Sách, một phụ nữ khuyết tật ở số 99/10 đường Nguyễn Thị Minh Khai – Phường I – thành phố Vĩnh Long. 

Những lần đi thực tế như thế này không chỉ giúp ông có điều kiện để tiếp cận, thăm hỏi đời sống, động viên tinh thần gia đình có hoàn cảnh khó khăn bằng tất cả tấm lòng, mà còn giúp ông kiểm tra được công việc ở cơ sở, rồi từ thực tế mà có suy nghĩ, phương hướng, quyết sách cho những vấn đề lớn lao hơn như xây dựng dự án, định hướng phong trào,  

Được biết, năm 2011 và 4 tháng đầu năm nay, chương trình hỗ trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi của tổ chức Hội đạt giá trị xấp xỉ 18 tỷ đồng. Tính chung 6 chương trình trong 16 tháng qua, hoạt động Hội đạt giá trị phúc lợi hơn 70 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất mà Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Vĩnh Long đạt được trong những năm qua chính là việc vận động mổ tim cho người nghèo. Là nhiệm kỳ đầu, Hội đề ra chỉ tiêu vận động hỗ trợ mổ 50 ca, nhưng kết quả đạt được là hơn 500 ca, vượt gấp mười lần chỉ tiêu đề ra. Một con số thật ấn tượng! 

Theo quy định lúc ban đầu, hỗ trợ mổ tim chỉ dành cho đối tượng là trẻ em dưới 18 tuổi. Đến nay, nhờ vận động được nguồn tài trợ dồi dào, đối tượng mổ tim đã được mở rộng cho người lớn, bắt đầu từ người trên 18 tuổi cho đến những người nằm trong độ tuổi từ 30 đến 60. 

Cũng nhờ nguồn tài trợ , Hội còn chia sớt kinh phí mổ tim cho bệnh nhân nghèo ở một số tỉnh ĐBSCL như Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau.

Nhân dịp ông đi thăm bệnh nhân mổ tim, chúng tôi theo ông ghé vào ngôi nhà số 17/13, trong một con hẻm nhỏ ở đường Mậu Thân thuộc Phường III – thành phố Vĩnh Long để thăm chị Nguyễn Thị Dung Chi. Là hộ nghèo, chị và mẹ sinh sống bằng nghề buôn bán lặt vặt ngay tại nhà, thu nhập không đủ sống, chủ yếu vẫn phải dựa vào sự trợ cấp từ những người thân trong gia đình. 

Năm 1997, chị Dung Chi phát bệnh tim nhưng không có tiền để mổ. Tháng ba năm ngoái, được Hội hỗ trợ 48 triệu đồng, chị đã được mổ tim.

Những chuyến đi thực tế cho thấy, trong xã hội vẫn còn khá nhiều hoàn cảnh khó nghèo, cơ nhỡ. Chỉ tính riêng người khuyết tật và trẻ mồ côi, ở Vĩnh Long hiện đã có khoảng 15.000 người.

Từ thuở bắt đầu tham gia cách mạng vào lúc mới mười tám đôi mươi, đến nay, đã vừa tròn tám mươi, nhìn lại thì thấy cuộc đời ông luôn gắn bó mật thiết với quần chúng và người lao động. Lặn lội dưới cơ sở, sát cánh với nhân dân, ông hiểu rõ cuộc sống, tâm tư, tình cảm và những mong muốn của họ, từ đó xây dựng những chương trình hành động vì người nghèo. Tâm sự về kinh nghiệm làm công tác Hội, ông nói: Người lãnh đạo Hội trước hết phải có tâm huyết, sau nữa phải biết tranh thủ lãnh đạo cấp trên để họ ủng hộ mình, đồng thời thuyết phục nhà tài trợ bằng kết quả thiết thực . Với công việc phải làm thành từng phong trào, từng dự án, có định hướng rõ ràng, cụ thể, chính xác. Được như thế chắc chắn sẽ thành công.

Một đời đi theo cách mạng, làm người cán bộ cách mạng, ông luôn khắc ghi lời Bác Hồ dạy: Người cán bộ cách mạng trước hết phải lo nỗi lo của dân, đau nỗi đau của dân. 

 

 Lo nỗi lo và đau nỗi đau của dân, ông đã sống một cuộc đời đẹp. Trong mắt chúng tôi, ông vẫn đang sống những ngày tháng đẹp.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *