Bên bờ hạnh phúc

Năm 2011, chính phủ hạ chỉ tiêu tăng tín dụng xuống dưới 20%, tức thấp hơn 8% so với năm trước. Với chính sách tiền tệ thắt chặt như vậy, lãi suất ngân hàng từ đầu năm đến nay cao hơn nhiều so với năm trước; doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất khó vay vốn ngân hàng.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong tiếp cận vốn do lãi suất cho vay quá cao. Ảnh minh họa

Cho đến cuối quý 1 năm nay, dư nợ tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long đạt 13.100 tỷ đồng, chỉ tăng 1,1% so với đầu năm. Điều này cho thấy, nguồn vốn đầu tư từ ngân hàng ra các doanh nghiệp là rất hạn chế. Đáng lưu ý là tỷ lệ dư nợ cho vay trung, dài hạn chỉ chiếm 33% tổng dư nợ và chỉ tăng 0,2% so đầu năm.

Tháng 2/2011, chính phủ ban hành Nghị quyết 11 kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, song song với kiểm soát mức tăng tín dụng năm 2011 thấp nhất trong 5 năm trở lại đây, mục tiêu còn lại là tập trung tín dụng vào các lĩnh vực chính như sản xuất kinh doanh, khu vực nông thôn… Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn vẫn rất khó khăn trong tiếp cận vốn.

Nếu tiếp cận được vốn thì lãi suất hiện nay đang ở mức quá sức chịu đựng so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Ngân hàng Nhà nước qui định trần lãi suất huy động 14% / năm nhưng thả nổi trần lãi suất cho vay. Đó là lý do tại sao mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay từ 20 – 24% / năm. Lãi suất này làm cho hầu hết doanh nghiệp thực hiện "án binh bất động", co cụm sản xuất để bảo toàn hoạt động hơn là đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Đó cũng là lý do khiến cho số lượng đăng ký thành lập doanh nghiệp mới trong 3 tháng đầu năm 2011 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long suy giảm. Còn theo cơ quan thuế thì tổng số tiền nợ thuế trên địa bàn đã lên mức cao nhất từ trước đến nay.

Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn đối mặt với việc tăng giá xăng, giá điện, giá nhân công, đặc biệt là nguyên liệu đầu vào tăng chưa từng thấy và phổ biến ở mức từ 20 – 30%. Số liệu thống kê trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cho thấy, sau 3 tháng đầu năm, giá cả thị trường tăng 4,5% – cao hơn tốc độ tăng giá của cùng kỳ năm trước, nâng chỉ số giá tiêu dùng bình quân 3 tháng đầu năm nay tăng gần 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Đó là lý do lãi suất trần huy động 14%/ tháng chưa đủ sức hấp dẫn người gửi tiền. Nhiều ngân hàng tự thỏa thuận lãi suất huy động với khách hàng lên mức 17 – 18%/ năm. Do vậy, lãi suất đầu ra tăng trên 20% là một tất yếu.

Một thực tế là nguồn vốn thị trường đang khan hiếm do doanh nghiệp cần để đảo nợ. Nhiều doanh nghiệp được vay vốn hỗ trợ lãi suất và kích cầu từ năm 2009 hiện chưa trả được nên phải vay để đảo nợ. Tuy nhiên, lãi suất ưu đãi trước đây chỉ 8%/ năm thì nay tăng xấp xỉ 20%/ năm đã làm cho doanh nghiệp "tiến thoái lưỡng nan", thậm chí nguy cơ phá sản.

Khó khăn về vốn thời gian qua còn được các nhà kinh tế nhận định là do một lượng lớn ngoại tệ và vàng được tích trữ trong dân và trong doanh nghiệp vì lo ngại sự mất giá của đồng tiền. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chính sách kiềm chế được sự biến động bất thường của USD và kiểm soát được thị trường ngoại tệ thì cơ hội giảm lãi suất cho vay để phát triển tín dụng là rất lớn. Trong đó, tín dụng đầu tư cho sản xuất, xuất khẩu và nông nghiệp, nông thôn đang được các ngân hàng cơ cấu lại.

Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, việc kéo dài lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Do vậy, thời gian kiềm chế lạm phát càng được rút ngắn càng tốt, khi đó, lãi suất có thể sẽ hạ nhiệt. Ngân hàng Nhà nước hiện đang yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cơ cấu tín dụng để tập trung vốn phát triển sản xuất – kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ… Vì vậy, việc giảm lãi suất trong thời gian tới đối với các doanh nghiệp chỉ còn là thời gian.

Một trong những giải pháp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa là bảo lãnh tín dụng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Ngân hàng này có thể bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại với hạn mức tối đa 85% trên tổng mức vốn đầu tư dự án. Tuy nhiên, do là tín dụng ưu đãi nên có những yêu cầu bắt buộc mà không phải doanh nghiệp nhỏ và vừa nào cũng đủ khả năng thực hiện.

Theo thống kê, cả nước hiện có trên 500.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% số lượng doanh nghiệp hiện có. Tổng số vốn mà khu vực doanh nghiệp này đăng ký lên gần 2.313.857 tỷ đồng, tương đương 121 tỷ USD. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 40% GDP cả nước, tạo ra hơn một triệu việc làm mới mỗi năm và sử dụng trên 50% lao động xã hội.

Với vai trò đóng góp không thể phủ nhận của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thì việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về tín dụng sẽ giúp cho họ ổn định và duy trì khả năng sản xuất – kinh doanh. Để đạt được như vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành liên quan.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *