Bên bờ hạnh phúc

Tỉnh Vĩnh Long vừa tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh, trong niềm vui của nhân dân trước những bước phát triển cơ bản về kinh tế xã hội. Cũng trong 20 năm qua, cùng với những giải pháp tập trung cho tăng trưởng kinh tế, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long luôn xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, tăng cường an sinh xã hội là nhiệm vụ cơ bản, cấp bách và lâu dài. Với mục tiêu đó, tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc, cùng chung tay và đạt được nhiều thành tựu đáng kể, góp phần tạo sự chuyển biến cho diện mạo Vĩnh Long hôm nay. 

 Qua 20 năm, Vĩnh Long đã hoàn toàn xóa hộ thiếu đói, kéo giảm tỉ lệ hộ nghèo hiện nay xuống còn 7,91%, đứng hàng thứ 5 trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về thực hiện giảm nghèo.

 Người nghèo được ưu tiên dạy nghề và giải quyết việc làm ; được vay vốn ưu đãi để phát triển đời sống, được tặng nhà ở vững chắc.  Người nghèo được chăm sóc sức khỏe, quan tâm điều trị bệnh, được hỗ trợ học hành…Nhiều khó khăn trong đời sống người nghèo được sẻ chia, giúp đỡ.

                            

 Mỗi ca mổ tim thường có chi phí từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng, vượt quá khả năng của người nghèo. Thời gian qua, đã có hơn 38,6  tỉ  đồng được các tổ chức và cá nhân  đóng góp  để giúp 640 người nghèo được phẫu thuật tim , vượt qua cái chết và vui sống. Hơn 15,3 tỉ đồng cũng được đóng góp để hổ trợ phẫu thuật mắt miễn phí cho hơn 15 ngàn người mù nghèo… 

 Trong lĩnh vực giáo dục , đã có hơn 100 tỉ đồng được huy động và tự nguyện đóng góp để hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học…Sự đồng lòng, cùng chung tay góp sức của cộng đồng xã hội dành cho người nghèo trong tỉnh thời gian qua, hưởng ứng chủ trương Vì người nghèo, một chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân,  nên dân đồng thuận là điều tất yếu.

          

 

 Song song với việc huy động sự đóng góp của cộng đồng xã hội vào công tác chăm lo người bệnh nghèo, học sinh sinh viên nghèo hiếu học, Vĩnh Long tập trung thực hiện “chương trình quốc gia về việc làm – xóa đói giảm nghèo” và “thực hiện các chính sách giảm nghèo”. Từ giai đoạn còn tập trung cho “xóa đói” ở những năm đầu tái lập tỉnh, đã chuyển sang thực hiện giảm nghèo vào năm 2000… 

 Từ năm 1992 đến năm 2011, tỉnh đã tập trung giải quyết việc làm cho gần 450 ngàn lượt lao động. Trong đó, giai đoạn từ  năm 1996 đến năm 2000, bình quân mỗi năm tỉnh giải quyết việc làm cho 18 600 lượt lao động , tăng lên giải quyết việc làm bình quân 27.300 lượt lao động, từ năm 2006 đến năm 2010.

 

Hiệu quả là tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động ngày càng giảm, nhất là khu vực thành thị. Từ tỉ lệ thất nghiệp là 6,1% vào năm 1996, đến năm 2008 tỉ lệ này giảm xuống còn 3,7%. Năm 2009, do thay đổi tiêu chí, nên tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị thời điểm này được xác định là 5%. Và từ đó đến nay, bình quân mỗi năm tỉ lệ này giảm 0,12%.  

 Chương trình cho vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm những năm qua đã cho vay gần 2900 dự án, hỗ trợ việc làm, phát triển đời sống kinh tế gia đình cho hơn 76 ngàn lượt người dân có đời sống khó khăn. Các thủ tục không ngừng được cải tiến, giúp cho đồng vốn đến tay người dân nhanh và đạt hiệu quả.

 Từ thành quả đạt được trong giải quyết việc làm, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã tạo sự biến đổi cơ bản về cơ cấu phân công lao động xã hội, qua đó, phục vụ yêu cầu khai thác đúng hướng các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, và nâng dần đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

 Ban chỉ đạo giảm nghèo của tỉnh, phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể đã xây dựng kế hoạch với nhiều giải pháp, thực hiện tốt các chính sách, các dự án nhằm hỗ trợ trực tiếp đến người nghèo, hộ nghèo, xã khó khăn, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, văn hóa, giáo dục… Các dự án dạy nghề cho người nghèo, người cận nghèo, đề án nhà ở cho hộ nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề nông thôn, dự án giám sát, đánh giá chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo v.v…, đã góp phần  cải thiện và nâng cao đời sống các tầng lớp dân cư. 

 Tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, hỗ trợ nguồn lực cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tỉnh huy động mọi nguồn lực, lồng ghép với các chương trình của Trung ương để xây dựng hệ thống giao thông, các công trình thủy lợi, kênh mương, hệ thống chợ nông thôn, trạm y tế, trường học, nước sạch, nhà văn hóa xã phường… Đây là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội, thực hiện giảm nghèo ở các vùng khó khăn.

 Trà Ôn và Bình Minh là hai địa phương điển hình.  Năm 1992, Trà Ôn là một trong những huyện nghèo của tỉnh, hơn 10% hộ thuộc diện thiếu đói, có những giai đoạn số hộ thiếu đói lên đến hơn 28%… Với thực trạng này, huyện đã chú trọng thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là chương trình giảm nghèo.         

  Từ những nỗ lực qua 20 năm, Trà Ôn đã xóa đói thành công, và chuyển sang giai đoạn tập trung giảm nghèo bền vững. Chính sách an sinh xã hội đạt hiệu quả đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống nhân dân được cải thiện rõ nét.         

 Tương tự như Trà Ôn, Bình Minh cũng là một trong những địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống, tỉ lệ hộ nghèo khá cao . Nhờ sự quan tâm của các ngành dành cho công tác an sinh xã hội, – luôn là địa phương dẫn đầu tỉnh về công tác này, Bình Minh đã giảm nghèo hiệu quả, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội và tốc độ đô thị hóa, đang chuẩn bị trở thành thị xã.         

 Cả hệ thống chính trị và toàn xã hội vào cuộc thực hiện các mục tiêu an sinh xã hội . Các đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn Hội thanh niên, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, từ tỉnh đến cơ sở đều tham gia thực hiện xóa đói giảm nghèo, quan tâm sâu sát, nắm bắt kịp thời tình hình đời sống và có biện pháp phù hợp với từng đối tượng.    

  

 Đoàn, Hội thanh niên tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên phát huy vai trò xung kích trên mặt trận giảm nghèo, học hỏi, xây dựng các mô hình kinh tế chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả cao. Hội phụ nữ tập trung giải quyết nông nhàn cho hội viên bằng các loại hình lao động thủ công nhẹ nhàng phù hợp, đòi hỏi sự khéo léo. Hội nông dân tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp hội viên phát triển rộng khắp các mô hình kinh tế hiệu quả…

 Tất cả cùng tham gia, tạo nên một mặt trận đoàn kết thực hiện giảm nghèo, phát triển đời sống, đồng lòng chung sức tạo nên sức mạnh.

  Từ lúc tái lập tỉnh đến nay, Vĩnh Long đã qua 5 lần thay đổi chuẩn hộ nghèo. Nếu như năm 1994, tỉnh có 14% hộ thiếu đói, 13,8% hộ nghèo, thì đến cuối năm 2000, tỉnh không còn hộ thiếu đói, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 9,1%, năm 2005 giảm còn 3,5%.

Đầu giai đoạn 2006 – 2010, tỉnh có 12,87% hộ nghèo thì đến năm 2010 giảm còn 6%. Đầu năm 2011, tỉnh có 10,23% hộ nghèo theo tiêu chí mới thì cuối năm kéo giảm xuống còn 7,91%, và đứng thứ 5 trong 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long về công tác giảm nghèo.

Chủ trương đúng đắn, tạo sự đồng thuận, thu hút được nhiều tổ chức cá nhân trong ngoài nước cùng chung sức. Người nghèo được tiếp cận, hỗ trợ, các dịch vụ để vươn lên.

 Thành công lớn trong công tác an sinh xã hội của tỉnh phải nói đến cuộc vận động quỹ “Ngày vì người nghèo”. Khác với nhiều địa phương khác, Vĩnh Long tập trung nguồn quỹ vận động được để cất nhà cho hộ nghèo, và xác định đây chính là biện pháp căn cơ nhất giúp người dân nhanh chóng thoát nghèo.         

 Nhờ tinh thần trách nhiệm của các cấp các ngành, sự đóng góp của các tổ chức cá nhân, các nhà hảo tâm, đến nay, Vĩnh Long đã cất và trao tặng gần 28 500 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, nhà 167 cho người nghèo. Đây vừa là phương tiện giúp người nghèo yên tâm sinh sống, phát triển, vừa cũng là nguồn động viên tinh thần lớn lao giúp họ phấn đấu vươn lên…    

 Nhìn lại chặng đường 20 năm thực hiện công tác an sinh xã hội, kết quả không chỉ là những con số nhiều ấn tượng về kết quả giảm nghèo. Thắng lợi hơn hết là sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với chủ trương của Đảng về nâng cao đời sống người dân. Đây là hệ quả tất yếu, khi chủ trương, chính sách xuất phát vì quyền lợi của nhân dân, cũng là bài học về củng cố, phát huy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng và phát triển./

Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *