Bên bờ hạnh phúc

Vĩnh Long không có núi, không có rừng, không có biển , không có biên giới, nhưng lại có lợi thế đặc biệt cho sự phát triển. Đó là: Nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng và được tận hưởng nguồn tài nguyên nước ngọt quanh năm của 2 dòng sông lớn.

Ngay từ thuở mở cõi Phương Nam, các bậc tiền nhân đã chọn lấy vùng đất này đặt làm trị sở Dinh Long Hồ. Ngày nay, trên cái nôi ấy, lịch sử lại tạo điều kiện cho Vĩnh Long kết nối đồng bằng từ 2 chiếc cầu dây văng hiện đại. Với điều kiện “thiên thời, địa lợi” , trong 20 năm qua Vĩnh Long đã ra sức phấn đấu và tạo nên sự bức phá trên con đường xây dựng và  phát triển quê hương .

 

 

20 năm, không là bao so chiều dài lịch sử, nhưng đây là chặng đường khởi đầu của lộ trình hội nhập, một mốc thời gian vượt qua thử thách, làm nên hành trang quý giá đáng trân trọng trên chặng đường mới. 

Nhớ lại buổi đầu tái lập tỉnh ( 05-5-1992), Vĩnh Long đã hòa nhịp nhanh chóng cùng chủ trương đổi mới của Đảng. Thế nhưng, khát vọng và hành trình tiến bước của vùng đất phía Nam sông Tiền trước khi có cầu Mỹ Thuận , dường như bị chậm lại trên những chuyến phà bồng bềnh bơi qua dòng sông lớn.  Khi ấy Vĩnh Long vẫn là tỉnh thuần nông, cơ sở hạ tầng chưa phát triển , đô thị cũ kỹ chật chội…Trước khó khăn, lãnh đạo tỉnh  đã đưa ra nhiều quyết sách đúng đắn. 

Sau nhiều cố gắng thóat khỏi sự trói buộc của cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, tỉnh Vĩnh Long đã tiến bước khá vững vàng trên nền tảng nông nghiệp. “Đổi mới cơ cấu kinh tế”, “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”, bây giờ nghe thật nhẹ nhàng, nhưng trong buổi bình minh của đổi mới ,  những cụm từ ấy khá mới mẻ , không ít người còn do dự, ngán ngại khi vận dụng vào thực tiễn. 

Bên cạnh việc tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học, sự tập trung trí tuệ của tòan Đảng bộ, Vĩnh Long ngày ấy còn được sự quan tâm đặc biệt của Thủ Tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt. Sau khi hòan thành trọng trách đối với đất nước, Thủ Tướng thường về thăm quê hương và đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho sự phát triển của Vĩnh Long.  

 

Như được tiếp thêm xung lực, như được khai thông con đường đi lên công nghiệp, vào những năm cuối của thế kỷ 20, Vĩnh Long chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng: tăng tỷ trọng công nghiệp-xây dựng , thương mại- dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp- thủy sản. Giai đọan này được xem là “ Bước phát triển rất quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế của tỉnh nhà”. 

Vào những năm cuối của thế kỷ 20, một dự án tầm cỡ quốc tế xây dựng trên dòng Tiền Giang, đã đánh dấu sự đổi thay lớn về tương lai của một vùng đất.  Ngày ấy, người dân Vĩnh Long và cả đồng bằng khát khao, chờ đợi hình hài vươn xa và cao dần của đại công trình: cầu Mỹ Thuận…

Chiếc cầu dây văng hiện đại này, không chỉ là chủ đề cảm hứng sáng tạo của văn nghệ sĩ,đla sự ngưỡng mộ của nhiều thế hệ, mà đã thôi thúc ý tưởng đột phá phát triển của những nhà họach định kinh tế. Công trình mơ ước này, không những điểm tô diện mạo cho thành phố Vĩnh Long tương lai, mà còn mở ra cơ hội phát triển cho bờ Nam sông Tiền mai sau. 

Đón chào thế kỷ mới với cầu Mỹ Thuận , Vĩnh Long như được chắp cánh ước mơ, ôm lấy cơ hội phát triển. Nhiều công trình , nhiều dự án  đầu tư phát triển đã được Vĩnh Long mời gọi .

Từ một tỉnh thuần nông, Vĩnh Long đã tận dụng thời cơ, tiến bước khá nhanh vào chặng đầu của con đường đi lên công nghiệp. Những con em nông dân bao đời lam lũ ngoài đồng ruộng giờ đã trở thành công nhân lao động trong dây chuyền sản xuất hiện đại.

Khu Công nghiệp Hòa Phú dần tạo nên diện mạo mới. Tuyến công nghiệp Bắc Cổ Chiên cũng đã có nhiều sản phẩm đi xa. Công nghiệp đã góp phần đưa GDP của tỉnh tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Riêng giai đọan 2000- 2005, GDP tăng bình quân 8, 6%  năm , cao hơn mức tăng bình quân 5 năm của cả nước. 

 Đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đó là ẩn số của bài toán phát triển bền vững. Để có được đáp án đúng ấy, bên cạnh các giải pháp đầu tư cho 5 chương trình mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ VII, nhiệm kỳ 2001-2005 đã đề ra , trong giai đọan này Vĩnh Long tiếp tục kiên trì thực hiện Chỉ thị 01 của Tỉnh ủy về cuộc vận động tòan dân đòan kết xây dựng khu dân cư, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống văn hóa- xã hội, nhất là ở khu vực nông thôn.

 

 Không còn nữa cái cảnh người dân nông thôn lần dò qua cầu khỉ, cảnh đèn dầu mù mờ trong đêm cũng đã trở thành dĩ vãng , …khắp chốn làng quê Vĩnh Long ngày nay đã sáng bừng ánh điện. Nếu như khi mới tái lập tỉnh , chỉ hơn 50% hộ có điện sử dụng, thì nay trên 98% số hộ có điện sinh họat và phục vụ sản xuất.

 Nếu như 20 năm trước , hệ thống giao thông liên xã còn trắc trở , thì nay ô tô đã đến đều khắp trung tâm các xã và còn đi sâu vào xóm ấp.  Nhiều xã , ấp đạt chuẩn văn hóa, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Xóm làng tươi vui, cuộc sống ấm no , hạnh phúc  … 

Đồng thời với những thành tựu bước đầu về kinh tế, Vĩnh Long chú trọng đầu tư  an sinh xã hội . Mạng lưới y tế và hệ thống trường lớp đã xây dựng cơ bản đến tận cơ sở.  Chất lượng giáo dục ngày càng nâng lên. Do vậy, chỉ số phát triển con người ( HDI) của Vĩnh Long đạt khá cao : Đầu thế kỷ 21 , chỉ số HDI tỉnh Vĩnh Long ngang bằng với chỉ số trung bình của cả nước . So với các tỉnh trong vùng, Vĩnh Long xếp thứ hạng cao nhất về chỉ số phát triển con người.

20 năm , còn ghi nhận thành quả đáng mừng của kiến trúc đô thị. Từ một đô thị cũ kỹ chật chội, sau nhiều đợt chỉnh trang,Vĩnh Long đã dồn sức đưa TXVL vươn lên trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2009 . 

 Nhiều năm sau giải phóng, hướng nhìn từ trung tâm UBND tỉnh ra bờ sông vẫn bị giới hạn. Quyết định mở thông đường Lê Lai ra bờ sông Cổ Chiên là một quyết định đồng thuận về quy họach kiến trúc đô thị Vĩnh Long. Con đường mới đã mở ra hướng nhìn thông thoáng về dòng sông lớn . 

Từ một đô thị nhỏ, nằm ẩn mình bên cửa sông Long Hồ, ngày nay người dân Vĩnh Long có thể tự hào về Thành Phố Vĩnh Long thân yêu của mình . Hiện tại , tuy chưa có những cao ốc , chưa có những đại lộ thênh thang, nhưng thành phố mới đã duyên dáng soi bóng bên dòng Cổ Chiên thơ mộng. Đô thị và sông nước, con người và thiên nhiên đã hòa quyện, đã tạo nên diện mạo hữu tình và nhịp sống rộn vui lan tỏa trong không gian rộng mở giữa đồng bằng . 

Trong đề án mở rộng và phát triển TP Vĩnh Long đến năm 2020,  dòng Cổ Chiên được lấy làm trục chủ đạo để định hướng phát triển không gian thành phố theo mô hình dải nan quạt . Mai đây, Thành phố Vĩnh Long  sẽ sôi động với nhiều khu đô thị mới ,nhiều dãy nhà phố hiện đại và xinh đẹp . Đặc biệt, ven hệ thống bờ kè sông Cổ Chiên sẽ là một không gian du lịch mang đậm sắc thái đô thị miền sông nước.

 Nếu như Cầu Mỹ Thuận tạo cơ hội cho TXVL  vươn lên  thành phố ,  đến lượt cầu Cần Thơ tiếp tục tạo đà cho Thị Trấn Cái Vồn nỗ lực tiến lên Thị Xã Bình Minh . Hai đô thị bên hai dòng sông lớn, soi bóng hai công trình hiện đại , đã khắc họa nên bức tranh đẹp giữa đồng bằng và sẽ để lại dấu ấn khó quên trong lòng bạn bè gần xa.  

Cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ kết nối đồng bằng. Trong lịch sử phát triển vùng đất Phương Nam, chưa tỉnh nào có điều kiện thuận lợi như vậy.

Tuy nhiên, cơ hội chỉ là tiền đề , bài toán phát triển vẫn còn nhiều trăn trở . Kết nối giao thông mở ra lợi thế, nhưng cũng là thách thức cho Vĩnh Long trước chuyển động đi lên của cả đồng bằng.

Những vùng quy họach công nghiệp vẫn chưa phát triển tương xứng, nông nghiệp vẫn nhiều phụ thuộc, sức cạnh tranh của doanh nghiệp còn hạn chế,  đặc biệt là chất lượng nguồn nhân lực, sẽ là những vấn đề lớn trên con đđường phía trước. 

 Trên chặng đường mới, Vĩnh Long vẫn nằm cận kề trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế – xã hội của đồng bằng  .Tương lai gần, đường cao tốc sẽ mở đến Cần Thơ. Cùng với nhiều thương cảng lớn bên dòng sông Hậu , sân bay Cần Thơ và cả sân bay Phú Quốc sẽ được nâng cấp lên thành sân bay quốc tế. 

Các nhà nghiên cứu về lịch sử phát triển gần 300 năm của vùng đất Vĩnh Long đã nhận định rằng: Long Hồ dinh xưa đã có thời phát triển hưng thịnh . Ngày nay,Vĩnh Long vẫn giữ lợi thế là khu vực trung tâm của đồng bằng.  Cho nên, trên bước đường phát triển, Vĩnh Long cần mở rộng hợp tác và liên kết với các tỉnh trong vùng để khắc phục những mặt hạn chế về tự nhiên- xã hội. Đồng thời mở rộng không gian liên kết khu vực để vận dụng những ưu thế của các tỉnh trong vùng. 

 

Đã có một thời, cách nay 200 năm, vùng đất này phát triển bậc nhất ở châu thổ sông Mê Kông. Dinh Long Hồ- ngày ấy, đã có một thời là trung tâm của khu vực. Thế nhưng lịch sử thăng trầm và biến động đã đánh mất đi nhiều cơ hội để phát triển. Ngày nay, trong điều kiện hiện mới Vĩnh Long có nhiều cơ hội để xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, khẳng định vai trò và vị thế của mình trong khu vực. 

20 năm, không là bao so chiều dài lịch sử Vĩnh Long, một địa danh, một vùng đất anh hùng , nhưng đây là cột mốc thời gian đáng nhớ, với những hành trang quý giá thật đáng trân trọng …

Người Vĩnh Long, triệu trái tim hòa cùng nhịp đập, cùng thắp lên ngọn lửa niềm tin, cùng nhìn lại và bước tới , cùng chung tay góp sức xây dựng Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, ngày càng văn minh và hiện đại./.

Tư Duy         

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *