Bên bờ hạnh phúc

Đồng bằng sông Cửu Long là vùng kinh tế xuất siêu của Việt Nam, thế mạnh là lúa gạo, trái cây và thủy sản. Song, thực tế thu hút nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài còn chiếm tỷ trọng nhỏ so với bình quân của cả nước. Làm gì để cải thiện khả năng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là vấn đề đang được các tỉnh ĐBSCL quan tâm.

 

ĐBSCL với dân số trên 17 triệu người, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2001 – 2010 đạt 11,5%. Hai năm gần đây, tốc độ tăng trưởng có chậm lại với tỷ lệ tăng trưởng lần lượt là 11,3% và 9%. Đây là một vùng kinh tế thuần nông với cơ cấu kinh tế khu vực nông nghiệp chiếm đến 40% và cơ cấu lao động trong nông nghiệp chiếm đến 52%. Là vùng trọng điểm nông nghiệp và thủy sản, chiếm 33% giá trị sản xuất của cả nước nên mỗi năm ĐBSCL xuất siêu khá lớn. Như năm 2012, toàn vùng xuất khẩu ước khoảng 9 tỷ 600 triệu đôla Mỹ, chủ yếu là gạo và thủy sản , còn nhập khẩu chỉ 5 tỷ 600 triệu đôla Mỹ.

Cơ sở hạ tầng kém phát triển được các chuyên gia kinh tế cho là nguyên nhân khiến cho thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ĐBSCL còn hạn chế. Một cuộc hội thảo do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Cần Thơ tổ chức gần đây chỉ ra rằng đây là khu vực có nhiều doanh nghiệp tư nhân năng động. Ngay từ năm 1988, khi Luật đầu tư nước ngoài có hiệu lực, ĐBSCL đã có những dự án FDI đầu tiên trong lĩnh vực chế biến nông sản. Tuy nhiên, sau 25 năm, số dự án FDI và số vốn đầu tư vào vùng này còn rất thấp. Đến cuối năm 2012, trong số gần 43 ngàn doanh nghiệp của khu vực thì chỉ có 516 doanh nghiệp FDI, chiếm tỷ lệ chỉ 1,2%. Còn so với cả nước, đến năm 2012 tổng dự án FDI cả ước là 1.100 thì ĐBSCL chỉ có 83 dự án.

Thu hút vốn đầu tư FDI thể hiện rõ xu hướng tập trung tại các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Tiền Giang và Long An, nơi được cho là có nhiều thuận lợi về hạ tầng nhờ tiếp giáp trung tâm kinh tế lớn nhất nước là TP. Hồ Chí Minh. Theo Cục Đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong nửa đầu năm 2013, ĐBSCL đã có thêm hơn 269 triệu đôla Mỹ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, gọi tắt là FDI. Trong số này có 24 dự án đầu tư mới, vốn đăng ký hơn 172 triệu đôla Mỹ và 14 dự án tăng vốn, hơn 97 triệu đôla Mỹ. Riêng hai tỉnh Vĩnh Long và Sóc Trăng chưa thu hút được dự án FDI mới nào. Đặc biệt, Tiền Giang là tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL, thu hút thêm 103 triệu đôla Mỹ vốn FDI trong nửa đầu năm, nâng tổng số dự án FDI của tỉnh này lên 78 dự án , với tổng vốn đăng ký 1 tỷ 200 triệu đôla Mỹ.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, cả vùng ĐBSCL đã thu hút hơn 11 tỷ đôla Mỹ vốn FDI. Có 3 tỉnh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trên 1 tỷ đôla Mỹ là Long An, Kiên Giang và Tiền Giang. Trong đó Long An là địa phương dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thu hút vốn FDI, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 3 tỷ rưỡi đôla Mỹ; Kiên Giang 3 tỷ 135 triệu đôla Mỹ và Tiền Giang 1 tỷ 180 triệu đôla Mỹ.

Riêng Cần Thơ, sau 10 năm trở thành thành phố trực thuộc, được xác định là thành phố trung tâm của vùng nhưng mới có 57 dự án FDI với số vốn đăng ký chỉ đạt gần 880 triệu đôla Mỹ. Do vậy, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm nay Cần Thơ thành lập bộ phận một cửa liên thông hỗ trợ các dự án ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất ngay tại trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch.

Thu hút vốn FDI vào ĐBSCL hiện chỉ mới chiếm tỷ lệ hơn 7% so với cả nước. Điều này hoàn toàn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng. Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế cho là do cơ sở hạ tầng của khu vực chưa đồng bộ, lao động có tay nghề không đủ đáp ứng, môi trường đầu tư chậm được cải thiện. Cho dù trong những năm gần đây, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của các địa phương khu vực ĐBSCL liên tục được cải thiện và nằm trong nhóm rất tốt và tốt.

Hệ quả là khu vực ĐBSCL là vùng có tỷ lệ lao động rời quê hương đi làm ăn xa cao nhất cả nước. Những địa phương có sản lượng lúa, thủy sản lớn lại có tỷ lệ hộ nghèo cao, đây là một nghịch lý. Để nâng cao thu nhập cho người nông dân và phát huy lợi thế của vùng, các địa phương trong vùng cần phải tái cấu trúc lại sản xuất, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn cho hạ tầng giao thông, đào tạo nguồn nhân lực để tạo tiền đề thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, xuất khẩu các mặt hàng là thế mạnh của vùng.

Công tác xúc tiến đầu tư của ĐBSCL cũng cần có sự thay đổi, tập trung vào những ngành nghề và các quốc gia cụ thể. Nhật Bản là quốc gia mà các chuyên gia kinh tế cho rằng cần xúc tiến trọng điểm khi mà nước này đang có làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Trong năm 2012, cả nước thu hút vốn FDI đạt 8 tỉ 600 triệu đô la Mỹ thì có đến 4 tỉ 400 triệu đô la Mỹ do các doanh nghiệp của Nhật đầu tư, chiếm 51% vốn FDI vào Việt Nam trong năm này. Dòng vốn FDI của Nhật Bản vẫn tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm 2013. Trong  7 tháng đầu năm 2013, các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu về vốn đầu tư vào Việt Nam khi chiếm đến 34% tổng vốn FDI.

 

Về lâu dài, cải thiện hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ, luôn là yếu tố tiên quyết để thu hút FDI vào ĐBSCL. Thực tế cho thấy thời gian qua, khi đưa đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương vào khai thác, thời gian di chuyển từ TP.HCM về ĐBSCL đã được rút ngắn đáng kể. Long An và Tiền Giang là hai tỉnh trực tiếp hưởng lợi từ đường cao tốc này, thể hiện qua kết quả thu hút vốn đầu tư vào địa phương. Do vậy, thời gian tới cần sớm triển khai xây dựng đường cao tốc từ Trung Lương – Cần Thơ. Thêm vào đó là dự án cao tốc Cần Thơ – An Giang, các cầu Cao Lãnh, Vàm Cống nếu hoàn thành sẽ tạo nên một hệ thống giao thông đường bộ thuận lợi. Bởi theo các chuyên gia, giao thông đường bộ ĐBSCL được kết nối tốt sẽ có tác dụng phát triển các khu công nghiệp ở những vùng xa trung tâm đô thị.

Khi thông điệp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài được chuyển tải rõ ràng, ĐBSCL không chỉ khai thác những giá trị đang có như: nông nghiệp, thủy sản, lao động mà còn hướng đến chiều sâu hơn, như: nguồn nhân lực khoa học, công nghệ. Ngoài ra, công tác xúc tiến đầu tư cần tạo dựng một ĐBSCL với hình ảnh mới của sự năng động, tích cực và những cam kết về môi trường đầu tư thuận lợi khi doanh nghiệp đến làm ăn ở vùng đất không chỉ là tiềm năng mà đang trong xu hướng phát triển.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *