Bên bờ hạnh phúc

Chiều mưa phố Huế một mình
Biết đâu là chỗ ân tình đến chơi?

Tôi thích câu này của nhà thơ Đồng Đức Bốn, một buổi chiều mưa gió, lang thang một mình, buồn, vì nhiều nhẽ nhưng buồn nhất là vòng vèo mãi, nghĩ mãi chẳng biết đến nhà ai. Ai mà chẳng đã từng có lúc như thế. Đây là câu chuyện ở trong thơ, còn ở ngoài đời thì khác, Đồng Đức Bốn vẫn may, may là vì cuối cùng anh cũng nghĩ ra được một chốn ân tình để đến chơi, đó là nhà Thiệp, Nguyễn Huy Thiệp.

Lúc đó khoảng năm 1992, nhà thơ Bốn đến chơi với nhà văn Thiệp và ở lại đó hai tháng. Nguyễn Huy Thiệp phong Đồng Đức Bốn là nhà thơ lục bát "gin", đúng là bạn, là ân tình cho nên sau này trong một bài viết về Bốn, Nguyễn Huy Thiệp vẫn nói: "Bốn ở nhà tôi trong một thời gian ngắn (thế mà vẫn là ngắn)". Năm đó, Thiệp đã nổi tiếng, đã xây nhà nhưng nhà to thì to, phòng khách rộng thì rộng, tiếp khách thoải mái chứ khách đến chơi mà ở lại luôn hai tháng thì đúng là "ân tình" mới chịu nổi. Nguyễn Huy Thiệp kể: "Dưới chân tượng Phật trong vườn nhà tôi khi ấy, tôi và Đồng Đức Bốn đã từng nhiều lần nói chuyện với nhau thâu đêm.

Kết thúc những ngày tươi đẹp đó, trước khi trở về với mẹ ta thôi/lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ, Đồng Đức Bốn ra tập thơ lục bát Chăn trâu, đốt lửa với lời giới thiệu của Nguyễn Huy Thiệp.

Nhà thơ Đồng Đức Bốn mất đã bốn năm, căn nhà ngang mái ngói trong vườn nhà Nguyễn Huy Thiệp mà Đồng Đức Bốn ở khi đó cũng đã bị phá đi rồi.

Những vẻ đẹp giản dị và mong manh cứ lặng lẽ mất dần mỗi ngày.

Hôm nọ, chuyện vui với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tôi bảo "Nhà anh là một chỗ ân tình đến chơi" thì đã đành nhưng em mới phát hiện ra một chỗ ân tình gấp 200 lần nhà anh". Đó là nhà của nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn phim tài liệu Đào Trọng Khánh. Anh Đào Trọng Khánh nhà ở phố Chùa Hàng, Hải Phòng. Anh có một câu thơ như một bức ký hoạ Hải Phòng, rất ra cái thần của Hải Phòng mà cũng rất ra Đào Trọng Khánh.

Thành phố ăn nằm với biển
Đẻ ra một lũ cần lao

Hẹn hò dăm lần bảy lượt mà tôi vẫn chưa đi được Hải Phòng để đến thăm anh Đào Trọng Khánh, tôi tò mò muốn xem ngôi nhà của anh ngang dọc thế nào mà lại có thể tiếp đãi một người bạn đến chơi rồi ở lại bốn năm mới chịu về, ân tình đến thế kể cũng là cùng.

Người bạn ấy, người khách ấy, một người trong "lũ cần lao" ấy đã đến ở nhà của người cần lao Đào Trọng Khánh bốn năm chính là nhà thơ Thi Hoàng. Ở cái "chỗ ân tình" ấy, cái nhà khách "ân tình ấy" mà ông hoàng thi ca đã viết được một câu cực hay về cái sự chán: Có một buổi chiều không biết cất vào đâu. Thi Hoàng cất mình những bốn năm ở nhà Đào Trọng Khánh chứng tỏ Đào Trọng Khánh và cái đất của ông, nhà của ông thuộc loại mến khách lắm. Chán như thế thì đẹp quá, tôi cũng thèm có được một buổi chiều của Thi Hoàng.

Nhà số lẻ phố trò chơi bỏ ngỏ

Đó là nhà của nhà thơ Lê Đạt, phố Lãn Ông, Hà Nội. Căn nhà chừng mười mét vuông, vừa là chỗ nghỉ, ăn, làm việc và phần chính là cửa hàng (bán khăn mặt). Thi sĩ Lê Đạt là người vui vẻ, nhiều bạn bè, nhiều người mến mộ, khách khứa hẹn hò ông đều chỉ ra quán càphê Quỳnh ở phố Bát Đàn. Ở nhà thì quá chật, coi quán càphê là nơi tiếp khách cũng tiện. Tôi rất nhiều lần gặp bác Lê Đạt tiếp các nhà thơ trẻ, nhà báo trẻ ở đó. Có lần tôi bảo: "Cháu thích thơ ngắn như thơ Haiku vì cháu thích phong cách tối giản, bác hay làm thơ "Hai kâu" vì…" Bác Lê Đạt bảo: "Vì nhà tớ chật hẹp thế thì làm trường ca sao được".

Nhà thơ Lê Đạt chuyển đến một ngôi nhà mới, rộng rãi, có phòng khách riêng được vài năm thì mất. Quán cà phê Quỳnh của vợ chồng nghệ sĩ nhân dân Như Quỳnh và nhà nhiếp ảnh Hữu Bảo, một cái quán hiếm hoi có gu Hà Nội cũng không còn nữa (vĩnh viễn không còn nữa).

Căn phòng trong dãy nhà ngang của nhà Nguyễn Huy Thiệp mà nhà thơ Đồng Đức Bốn đã ở hai tháng.

Những vẻ đẹp mong manh và giản dị lại lặng lẽ mất dần mỗi ngày.

Bữa nọ, tình cờ gặp nhà thơ Thi Hoàng, ông hẹn khi nào rảnh đi Hải Phòng thì ghé chơi nhà ông, nhà mới, khang trang, có phòng khách rộng, bày nhiều đồ xưa Lý, Trần, Lê… Đã lâu không được đọc bài thơ mới nào của ông, chả biết dạo này ông còn làm thơ nữa không? Còn chán không?

Nói chuyện nhà cửa, chuyện khách khứa mà quên nói tới ngôi nhà của Lê Nuôi ở Hội An thì là một thiếu sót lớn. Ngay từ lúc mua đất, vẽ kiểu, Lê Nuôi đã chủ tâm làm một ngôi nhà chỉ để mời khách đến ở cho vui. Ngoài một phòng nhỏ của mình, Lê Nuôi làm năm phòng tiện nghi đầy đủ cho khách. Bạn bè của anh, chủ yếu là văn nghệ sĩ khắp nước, Nam ra, Bắc vào đều thích ở đó. Có lẽ Lê Nuôi cũng nằm trong top của những người thích khách nhất nước.

Một lần có chút việc làm ăn ở Hội An, tôi tạt vào nhà Lê Nuôi định xin tá túc vài đêm, thật đen đủi, đến cửa thấy Lê Nuôi treo một cái biển ở hàng rào, mấy chữ viết nguệch ngoạc bằng phấn trên gỗ ép: hết phòng! Do nhu cầu ngày càng tăng, nhiều bạn bè muốn đến ở nhà Nuôi mà Lê Nuôi thì cũng muốn tiếp đón nhiều khách hơn nữa nên năm ngoái Lê Nuôi đã mua thêm mấy chục thước vuông của đôi vợ chồng già hàng xóm và gọi thợ đến xây thêm mười phòng nữa. Hiếu bạn, hiếu khách, thèm được có khách để tiếp đến tầm cỡ như Lê Nuôi thì đúng là hy hữu.

Một cô bạn biết chuyện, thắc mắc hỏi tôi Lê Nuôi làm nghề gì? Tôi bảo: Nuôi làm nghề tiếp khách. Cô này là dân kinh doanh, có bằng MBA ở Mỹ về, tính hay thích cộng trừ nhân chia, nghe tôi nói, cô ta lắc đầu quầy quậy, xua tay như múa cải lương, kiên quyết không tin. Nhưng khi đến nhà Lê Nuôi ở một tuần về mới tâm phục khẩu phục. Lê Nuôi thực ra là người mắc bệnh nghiện khách, chỉ muốn nhà mình là nhà khách, tất cả đều miễn phí. Cô ấy kể lại: trong sân nhà Lê Nuôi có bốn cái Honda cũ, tám mũ bảo hiểm để bạn bè đèo nhau lượn lờ phố cổ Hội An cho tiện, đỡ phải đi thuê. Ôtô của Nuôi luôn sẵn sàng, chính anh ấy ôm vôlăng phóng lên phi trường Đà Nẵng đón khách. Trước cửa nhà Nuôi là sông Hoài, anh neo sẵn hai cái thuyền để khách tự chèo… Tóm lại không chê vào đâu được. Chờ cô bạn xả hết cơn ngợi ca, tôi bèn bàn góp: "Đấy, thấy chưa, anh đã bảo mà, Lê Nuôi làm nghề tiếp khách nhưng muốn có khách, muốn hiếu khách, thích khách, muốn tiếp khách cũng phải có nghề cô em ạ".

Theo Lê Thiết Cương – SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *