Bên bờ hạnh phúc

Từ giữa tháng 6 đến nay, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do giá vật nuôi như heo và gà giảm 30 – 40% so với những tháng đầu năm 2012. Sức mua giảm đến một nửa khiến người chăn nuôi thua lỗ, khó khăn trong việc đầu tư vốn để tái sản xuất. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn còn nghi ngờ về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và mua hàng với giá cao do chịu nhiều tầng nấc trung gian trong khâu lưu thông. Biện pháp quản lý thị trường như thế nào cho thật sự hiệu quả là câu hỏi không dễ có lời đáp.

 

 

Đây là một trong số hàng chục trang trại nuôi gà công nghiệp gia công cho một Công ty chăn nuôi nước ngoài trên địa bàn huyện Mang Thít. Với 9 trại gà, mỗi trại 15 ngàn con thì sản lượng của riêng trang trại này đã là 675 ngàn con mỗi năm. Cũng giống như nhiều trang trại khác, trang trại gà này nuôi gia công cho một tập đoàn chăn nuôi của Malaysia. Trước đây, từ 38 ngày tuổi thì gà được xuất chuồng. Còn như hiện nay, đàn gà này đã 48 ngày tuổi, trọng lượng xấp xỉ 3 kg/ con mà phía công ty nước ngoài hợp đồng gia công vẫn chưa xuất chuồng. Người nuôi gà vì thế phải tốn thêm chi phí điện, nước, nhân công trong khi giá nuôi gia công cũng chỉ 6 ngàn đồng/ con. Đây cũng là mức giá chưa từng được điều chỉnh tăng lần nào kể từ 5 năm qua.

Chưa bao giờ giá gà công nghiệp rớt sâu và nhanh như hiện nay. Từ chỗ 37 ngàn đồng/ kg hồi đầu năm nay chỉ còn 17 – 18 ngàn đồng/ kg. Trong khi đó giá thành mỗi kg gà đã gần 30 ngàn đồng. Với mức giá gà sụt giảm này đã khiến cho người nuôi rơi vào cảnh khó khăn do chi phí cao.

Đặc thù các trang trại gà qui mô lớn ở Vĩnh Long là được chuyển đổi từ các trại sản xuất gốm mỹ nghệ vốn đã đình trệ vài ba năm qua.  Người nuôi đã đầu tư bình quân 1 tỷ rưỡi đồng cho mỗi trại gà 2 ngàn mét vuông. Trước đây, mỗi năm nuôi được 5 chu kỳ gà thì hiện nay thị trường sụt giảm nên chỉ còn 4 chu kỳ. Nếu tính bình quân mỗi trại lãi 30 triệu đồng một chu kỳ, thì một năm số tiền lãi là 120 triệu đồng. Và so với đồng vốn đầu tư thì phải hơn 10 năm sau mới hết khấu hao và có lợi nhuận. Do diễn biến giá gà sụt giảm bất ngờ nên người chăn nuôi vẫn chưa có giải pháp nào khác.

Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi thì nguyên nhân giá gà xuống thấp là do nhu cầu về thực phẩm giảm rất mạnh từ đầu  năm đến nay. Thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc gặp trở ngại từ đầu năm do nước này tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch.  

Theo những người trong nghề, giá gia cầm giảm mạnh trong thời gian qua là do cung vượt cầu. Hiện các công ty chăn nuôi nước ngoài như: CP, Emivest, Japfa mở rộng gia công sản xuất, tăng nhanh lượng đàn. Không những gà công nghiệp giảm giá, các loại gà thả vườn, gà ta từ chỗ 80 – 85 ngàn đồng/ kg nay chỉ còn 45 – 50 ngàn đồng/ kg. Giá rớt nhưng thương lái cũng thu mua cầm chừng. Nếu trước đây một chuồng gà 2 ngàn con thương lái bắt 3 ngày là xong thì nay mỗi ngày lái chỉ mua cầm chừng 100 con/ ngày. Sản lượng gia cầm giết mổ tại các lò cũng sụt giảm đáng kể. Nếu như trước đây, bình quân mỗi đêm cơ sở giết mổ gia cầm này mổ xấp xỉ 4 ngàn con gà thì vài ba tháng gần đây chỉ còn khoảng 2 ngàn  con/ đêm. 

 

 

Ở chợ Vĩnh Long, để bán được hàng, tiểu thương bán gà theo từng món. Gà làm sẵn nguyên con trước đây 45 ngàn đồng nay chỉ 32 ngàn đồng/ kg; đùi gà góc tư là 35 ngàn đồng/ kg; đùi gà củ tỏi 45 ngàn đồng; các loại cánh thịt, cánh lỏi có giá từ 60 – 80 ngàn đồng/ kg tùy loại. Giá gà thả vườn làm sẵn khoảng 100 ngàn đồng/ kg, trong khi gà thả vườn còn sống bán ở chợ được ưa chuộng hơn cũng giảm từ 95 ngàn đồng xuống còn 80 ngàn đồng/ kg.  Gà vịt sống hầu như bán lén lút , do ngành chức năng không cho phép vì khó quản lý được dịch bệnh.

Giá trứng gà cũng giảm mạnh. Hiện mỗi trứng gà chỉ còn khoảng 1.200 đồng, giảm đến 400 đồng/ trứng so với đầu năm. Giá trứng vịt cũng giảm 2 ngàn đồng trứng, còn 1.600 đồng, cho dù nguồn cung trứng vịt không dồi dào do người nuôi giảm sản lượng vì chăn nuôi không hiệu quả.

 

 

Đối với con heo, người chăn nuôi cũng rơi vào cảnh khó khăn không kém. Đầu năm nay, khi thông tin về một số trang trại nuôi heo ở Đồng Nai sử dụng hóa chất cấm dùng tạo nạc đã làm cho giá heo cả nước sụt giảm. Với giá bán mỗi tạ heo có lúc chạm đáy 3,8 triệu đồng, người nuôi đã mất khoảng 1,4 triệu đồng con so với hồi đầu năm. Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết người nuôi heo đang bị lỗ từ 7 ngàn đồng/ kg và người nuôi gà lỗ hơn 10 ngàn đồng/ kg. Ước tính mỗi tháng tổng thiệt hại mà người chăn nuôi trong cả nước gánh chịu lên đến 2 ngàn  tỷ đồng.

Bước sang đầu tháng 8 này, giá heo hơi đã tăng trở lại và đạt khoảng 4 triệu đồng/ tạ. Có trang trại heo hiện có đàn heo xấp xỉ 1 ngàn con, trong đó heo thịt 800 con. Nhiều chuồng đã đến kỳ thu hoạch. Tuy nhiên, dự kiến trang trại sẽ kéo dài thời gian nuôi từ 3 tháng rưỡi lên 4 tháng để chờ giá tốt hơn.

Nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài đến tháng 9, tức tháng 7 âm lịch và mức thiệt hại sẽ còn tăng hơn do nhiều người tiêu dùng chuyển sang thực phẩm chay. Còn nhớ, hồi đầu năm, giá heo hơi từng đạt mức 5,2 triệu – 5,4 triệu đồng/ tạ. Đến cuối tháng 7 vừa qua, giá heo hơi giảm xuống chạm đáy chỉ còn 3,8 triệu đồng/ tạ. Trong khi giá thành nuôi một tạ heo hiện nay trên địa bàn tỉnh xấp xỉ 4 triệu đồng. Như vậy, mỗi tạ heo hơi người nuôi lỗ ít nhất 200 ngàn đồng. Người nuôi heo thì đang cố gắng kéo dài thời gian để mong được giá tốt hơn.

Trong khi đó, sức tiêu thụ thịt heo tại các chợ giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Ở chợ Vĩnh Long, nhiều tiểu thương không còn cầm cự nổi đã bỏ sạp. Các hộ còn lại thì bán cầm chừng. Nhiều tiểu thương cho biết người tiêu dùng đã chuyển dần sang dùng thịt bò thay vì thịt heo như trước đây.

Như vậy, người tiêu dùng ngày càng có ý thức hơn về chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. việc mất niềm tin của người tiêu dùng đã đặt ra nhiều vấn đề trong quản lý nhà nước. Đó là ngành chăn nuôi cần có qui hoạch bảo đảm cân đối cung cầu; qui trình chăn nuôi cần phải được kiểm soát; khâu phân phối lưu thông xuất nhập thịt heo, gà cũng cần được kiểm soát sao cho bảo vệ ngành chăn muôi trong nước phát triển.

Trong khi ngành chăn nuôi trong nước đang lao đao thì trong nửa đầu năm nay, Tổng cục Hải quan cho biết các doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu hơn 41.300 tấn thịt heo, gà. Giá heo gà đồng loạt giảm khiến nhiều người chăn nuôi bỏ nghề. Giá heo con giống trước đây bình quân 1 triệu 200 ngàn đồng/ con 20 kg thì nay giảm chỉ còn từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/ con. 

Riêng giá gà con giống sụt giảm mạnh nhất. Nếu như trước đây 1 con gà con lên đến hơn 10 ngàn đồng thì nay chỉ còn 4 ngàn đồng/ con, mà cũng không mấy người mua. Việc sản lượng đàn nuôi sụt giảm dự báo khả năng sẽ  ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong thời điểm cuối năm nay.

Một đặc điểm khác có thể nhận ra là giá heo gà tại các trang trại giảm nhanh và giảm sâu nhưng giá các loại thịt bán đến tay người tiêu dùng hiện nay giảm với tỷ lệ không tương ứng. Từ đó khiến cho người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu và ngành chăn nuôi lại tiếp tụt tuột dốc. Khâu phân phối trong nội bộ ngành chăn nuôi hiện gặp nhiều vấn đề. Trong đó, có sự chi phối lớn và làm chủ về giá của các công ty chăn nuôi gia công nước ngoài. Còn các chủ trang trại do nuôi gia công nên chỉ bán sản phẩm qua các công ty này hoặc qua thương lái và phải chịu nhiều tầng nấc trung gian trước khi đến tay người tiêu dùng. Do vậy, người nuôi  bị thiệt do thua lỗ, nhưng người tiêu dùng lại phải mua hàng với giá cao, chỉ tầng lớp trung gian là hưởng lợi.

Cần một lời giải cho bài toán tiêu thụ vật nuôi có hiệu quả, trong đó quan trọng là sự tăng cường giám sát quản lý của ngành chức năng.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *