Bên bờ hạnh phúc

 Trữ vàng như một tài sản giá trị là thói quen lâu đời của người dân Việt Nam. Vài năm trở lại đây, vàng lại trở thành một kênh đầu tư sinh lợi và vàng miếng được xem là phương tiện giao dịch chuẩn trên thị trường vàng. Những bất ổn về giá vàng đã khiến cho thị trường này trở nên phức tạp. Với hàng loạt các chế tài về quản lý vàng miếng được ban hành liệu có phải là liều thuốc hữu hiệu để đưa vàng trở về giá trị thực của nó? Và người dân sẽ an tâm hơn với tâm lý giữ vàng như một cách tích góp an toàn?

Trước đây, mua vàng nhẫn bằng đơn vị tính một chỉ, hay thậm chí một vài phân được cho là các tốt nhất để mỗi người có thể bảo toàn món tiền tích góp được. Để phục vụ khách hàng thì các tiệm vàng cũng đưa ra các chính sách ưu đãi như đổi vàng không mất tiền công. 

 Với mức thu nhập trung bình đủ sống hàng ngày thì đa phần người dân không có cơ hội để mua vàng, hoặc nếu có thì chỉ là một cách tích góp rất nhỏ nhoi. Vậy ai mới chính  là đối tượng trữ vàng và góp phần làm cho nguyên nhân giá vàng liên tục bị đẩy giá?

 

Với sự phát triển của thị trường, vàng nhẫn dần nhường sân cho vàng miếng trong các giao dịch mua bán lẫn việc tích góp tài sản của người dân. Kể từ năm 2000, vàng nhẫn gần như không còn chỗ đứng trong nhóm vàng đầu tư. Tuy nhiên, cũng từ đây, vàng miếng bắt đầu được dùng như một kênh đầu tư sinh lợi hay dùng như một hình thức thanh toán thay tiền. Hậu quả của sự phát triển này chính là việc vàng bị giới đầu cơ thao túng, đẩy giá lên cao, xa rời giá trị thực.

 Trên thực tế, sự sôi động quá mức của thị trường vàng trong thời gian vừa qua, ngoài tác động của giá vàng thế giới còn do nguyên nhân chính là khâu quản lý chưa chặt chẽ. Không chỉ có doanh nghiệp mà ngay cả các cửa hàng nhỏ cũng có thể kinh doanh vàng và hiện cả nước đã có trên 12000 cửa hàng kinh doanh mặt hàng này.Đặc biệt, không có nước nào trên thế giới lại mua bán vàng miếng dễ dàng như ở Việt Nam.

Vàng liên tục bị đẩy giá theo chiều hướng biến động tăng cao, biên độ dao động được tính theo cấp độ từng giờ và mỗi năm tăng trung bình đến 24%. Trước thực trạng này, đầu năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định số 24 , tiếp theo là thông tư số 16 và số 14 của Ngân hàng nhà nước về việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng và quy định tổ chức tín dụng phải chấm dứt huy động lẫn cho vay vốn bằng vàng. Nhằm góp phần bình ổn thị trường vàng, chặn đứng những nguy cơ đầu tư sinh lợi làm xáo trộn thị trường. 

Song song đó là việc chuyển đổi thành thương hiệu vàng miếng quốc gia SJC. Trong quá trình chuyển đổi cũng tạo nên tâm lý xáo trộn cho người dân khi sở hữu các thương hiệu vàng miếng khác. Khó khăn đặt ra là khi giao dịch, các thương hiệu vàng miếng khác luôn bán ra thấp hơn nhiều so với vàng SJC, nhiều thương hiệu còn được thu mua chỉ ngang với giá nguyên liệu nhưng người sở hữu buột phải bán do tâm lý và chưa tiếp cận đầy đủ thông tin. Riêng thương hiệu vàng miếng SJC khi giao dịch cũng gặp nhiều khó khăn do nguyên tắc trừ cấn mà ngay chính doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng không thể giải thích nguyên nhân cho chủ sở hữu. 

Ngay sau hàng loạt các biện pháp, chế tài quản lý kinh doanh vàng được thực thi, thị trường vàng miếng trong những ngày gần đây khá trầm lắng. Người dân trở nên ít quan tâm hơn đến sự lên xuống của giá vàng. Các giao dịch, trao đổi mua bán vàng miếng cũng thưa thớt . Có thể xem đây là những tín hiệu khá tích cực của nghị định 24 về quản lý thị trường vàng  sau sáu tháng thực hiện.

 

Với thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, người dân sẽ quay về thói quen tích trữ vàng nhẫn. Vì vậy mà thời gian gần đây, nhiều thương hiệu vàng lớn như SJC, PNJ cũng đã bắt đầu đưa ra vàng nhẫn bốn số 9 loại 1 chỉ, 2 chỉ và 5 chỉ. Ở góc độ thị trường có thể xem đây như là một sản phẩm phục vụ cho cộng đồng người dùng của một thương hiệu. Và nhu cầu mua bán một miếng vàng không thuộc “ nhãn hiệu độc quyền nhà nước” dễ dàng chuyển đổi sang dạng vàng trang sức song không mất đi thuộc tính của loại hàng hóa đặc biệt – tiền tệ. Cách làm này khiến cho vàng nhẫn trở thành sản phẩm thích nghi với hoàn cảnh thị trường. 

Tuy nhiên, sau nhiều biến động khó lường của giá vàng, lẫn sự phức tạp của thị trường vàng trong thời gian vừa qua, người dân cũng cảm thấy e ngại hơn khi tích trữ bằng loại hàng hóa đặc biệt này. Bởi dù sao, giao dịch vàng nhẫn vẫn còn mang tính cục bộ trong khi hệ thống ngân hàng đã chấm dứt việc huy động vốn, cho vay vốn bằng vàng. 

Vàng là kim loại quý vốn là một loại trang sức phục vụ nhu cầu làm đẹp cho mọi người. Sau thời gian phát triển nó đã vượt xa ý nghĩa của một phương tiện tích góp để trở thành một kênh đầu tư sinh lợi. Song với sự phát triển trái chiều của thị trường thì việc Ngân hàng nhà nước đưa ra các biện pháp quản lý nhằm bình ổn thị trường vàng, hạn chế tình trạng đầu cơ, đưa vàng trở về giá trị thực là một việc làm tất yếu. Hay như lời của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình là “ tiến tới một thị trường vàng được chuẩn hóa về chất lượng vàng miếng, chuẩn hóa trong giao dịch vàng miếng và chuẩn hóa hệ thống bán lẻ vàng”.

 Quan trọng là khi thị trường vàng bình ổn, guồng quay nền kinh tế nhịp nhàng thì vàng sẽ không còn là thói quen tích góp duy nhất trong cuộc sống hàng ngày và hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong việc huy động lượng tiền vốn trong dân.

Kim Phụng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *