Bên bờ hạnh phúc

Chính phủ đã chỉ đạo mua lúa tạm trữ ở vụ Hè Thu năm nay và hỗ trợ 100% lãi suất cho doanh nghiệp mua lúa gạo tạm trữ trong 2 tháng (từ ngày 15-7 đến 15-9-2010) và chỉ đạo này đã có tác động đáng kể đến thị trường lúa gạo ở ĐBSCL. Nhiều doanh nghiệp đã và đang xúc tiến các kế hoạch thu mua lúa gạo, nhờ đó mà giá lúa và gạo nguyên liệu xuất khẩu tăng nhẹ trở lại, sau một thời gian giảm xuống ở mức thấp. Đến thời điểm này, giá nhiều loại lúa đã vọt lên mức trên 4.000 đồng/kg. Thế nhưng, phần lớn nông dân không còn lúa để bán, bởi nguyên do lúa tồn đọng trong dân trước đó, khi giá nhích lên 3.500 – 3.600 đồng/kg thì bà con đã tung ra bán hết, vì lo sợ giá lúa sẽ giảm trở lại. Đây là cái vòng”lẩn quẩn” mà người trồng lúa luôn mắc phải và bị thua thiệt.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, tương đương với 2 triệu tấn lúa của vụ Hè Thu 2010, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã đẩy mạnh mua lúa trong dân. Theo thông báo của Hiệp hội này, trong tháng 8, hội đã thực hiện mua tạm trữ ở ĐBSCL được trên 400 ngàn tấn gạo vụ Hè Thu. Nhờ đẩy mạnh mua lúa tạm trữ mà giá lúa ở ĐBSCL đã tăng dần. Hiện giá lúa đã tăng từ 1.000 – 1.300 đồng/kg so với hồi tháng trước và đạt mức giá 4500 – 5000 đồng/kg, lúa thơm trên 6.000 đồng/kg, lúa chất lượng thấp như IR 50404 đã phơi sấy khô cũng đạt mức giá 3.800 – 4.000 đồng/kg.

Ảnh minh họa

Chị Huỳnh Kim Lên ở ấp Tân Đông, xã Tân Quới Trung, huyện Vũng Liêm cho biết, hơn nửa tháng nay, thương lái đã tìm mua lúa khá nhiều và giá lúa Hè Thu đã tăng so với trước đó. Gia đình vừa bán 3 tấn lúa với giá trên 5.000 đồng/kg và theo chị, với giá này người trồng lúa rất phấn khởi vì đã có lời. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hoạt động ký kết xuất khẩu gạo vẫn duy trì ở mức cao. Tính đến cuối tháng 8/2010, các doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu hơn 6,2 triệu tấn gạo. Đây được coi là tính hiệu lạc quan, bởi nhu cầu gạo của thế giới tăng lên thì nông dân không còn lo rơi vào cảnh ế ẩm rớt giá khi được mùa. Thời điểm này giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 40 – 45 USD mỗi tấn so với đầu tháng 7, cụ thể gạo 5 % tấm đạt mức 395 USD/ tấn và gạo 25% tấm đạt 360 USD/tấn.

Bộ Công thương cho biết, giá gạo và số lượng gạo xuất khẩu hiện nay tăng cao, một phần là do Trung Quốc ồ ạt mua gạo của Việt Nam qua con đường tiểu ngạch, đây cũng là điều dễ hiểu do tác động của qui luật cung cầu. Tuy nhiên, cốt lõi là vẫn là ký kết hợp đồng xuất khẩu gạo chính ngạch. Ngoài thị trường gạo truyền thống, nước ta đã mở rộng thêm thị trường mới. Qua thống kê, đến thời điểm hiện thời, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 4 triệu tấn gạo trên tổng số 6,2 triệu tấn gạo đã ký hợp đồng, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giao hơn 2 triệu tấn gạo cho đối tác là không khó, bởi hiện tại số lượng gạo trong kho của các doanh nghiệp còn khá nhiều và theo dự báo sẽ có thêm gần 1 triệu tấn gạo vụ Thu Đông cung ứng cho thị trường.

Tuy giá lúa Hè Thu tăng cao nhưng phần lớn nông dân vẫn không được hưởng lợi, phần lớn lúa hàng hóa đã được bán với mức giá thấp ở vào thời điểm tháng 6, tháng 7 trước đó. Do vậy, để hài hòa lợi ích của nông dân và doanh nghiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần công khai thông tin kịp thời, chính xác nhu cầu thị trường. Thông thường, khi giá lúa gạo tăng cao thì nông dân hết lúa để bán, vì thế chỉ có doanh nghiệp là hưởng lợi. Mặc khác, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng như các tổng công ty cần phải nắm rõ diễn biến thị trường lúa gạo thế giới, phân tích đúng để tham mưu với Chính phủ có những biện pháp hữu hiệu và kịp thời, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến nông dân.

Thị trường tiêu thụ lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL đang thuận lợi, giá lúa ở mức cao nhưng người trồng lúa vẫn không an tâm. Lâu nay, lúa gạo tuy được coi là thế mạnh chủ lực nhưng vấn đề tiêu thụ luôn ở thế bị động. Thực tế là việc thu mua lúa gạo tạm trữ trong tháng 8 vừa qua của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã làm thị trường lúa gạo hè thu ở vùng này chuyển biến sôi động song đây chỉ là tác động tích cực đến tâm lý, giảm bớt lượng lúa tồn đọng trong dân, chứ chưa tạo đột phá giá cả. Sự phối hợp giữa nhà quản lý, doanh nghiệp với nông dân còn chưa chặt chẽ, việc hợp tác từ sản xuất đến tiêu thụ luôn gặp trục trặc và mục tiêu để người trồng lúa có lãi từ 30% trở lên dường như chỉ là mơ ước. Sản xuất lúa còn tự phát, hệ lụy là nông dân rơi vào cảnh “trồng cao – bán thấp”. Đến mùa thu hoạch lúa, thương lái tự điều chỉnh giá cả, họ mua giá nào thì nông dân bán giá đó. Làm sao tính toán giá thành hợp lý, sắp xếp lại kênh tiêu thụ, đảm bảo đầu ra cho hạt lúa ngay từ đầu vụ để nông dân bớt lo lắng và có lãi là bài toán cần sớm giải quyết, để có một định hướng đúng đắn về việc tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *