Bên bờ hạnh phúc

Năm 2012, ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Long đạt mức tăng trưởng hơn 15% so với năm trước. Trong bối cảnh sản xuất và thị trường có nhiều khó khăn thì khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại bứt phá với mức tăng trưởng gần 22%. Trái ngược điều đó là giá trị sản xuất  khu vực doanh nghiệp kinh tế  nhà nước lại giảm gần 22%. Sự đảo chiều này cho thấy khả năng thích ứng của khối doanh nghiệp FDI tốt hơn so với các doanh nghiệp trong nước khi tình hình kinh tế khó khăn.

Giá trị ngành công nghiệp các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long năm 2012 ước đạt gần 158 ngàn tỉ đồng, tăng 15% so năm 2011. Riêng tỉnh Vĩnh Long, giá trị sản xuất công nghiệp năm nay đạt hơn 4.700 tỷ đồng, tăng hơn 15% so với năm trước, và tương đương mức trung bình các tỉnh trong vùng. Đáng chú ý đây là năm đầu tiên khu vực kinh tế nhà nước của tỉnh có mức tăng trưởng âm gần 22%. Trong khi khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, gọi tắt là FDI lại tăng gần 22%.

 

Có thể nhận thấy, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, bắt đầu từ năm 2008, nhiều doanh nghiệp trong nước co cụm sản xuất hoặc giải thể, thì các doanh nghiệp FDI lại mở rộng sản xuất. Trong khi mặt hàng thức ăn gia súc trong nước có sự cạnh tranh khốc liệt, nhiều doanh nghiệp trong nước thua thiệt đã rút dần khỏi thị trường, thì đây lại là lĩnh vực nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư có hiệu quả. Tại Khu công nghiệp Hòa Phú, các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi có vốn trong nước hiện đều đã đổi chủ cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Chỉ sau 1 năm chuyển nhượng từ một nhà máy có vốn đầu tư trong nước, Tập đoàn De Heus – Hà Lan khai trương nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản tại khu công nghiệp Hòa Phú. Từ chỗ công suất chỉ 100 tấn/ ngày, nay công ty đang khẩn trương mở rộng nhà máy nâng công suất lên 500 tấn/ ngày, từ năm 2013 theo kế hoạch. Đây cũng là nhà máy thứ ba của tập đoàn này tại Việt Nam, sau hai nhà máy ở Bình Dương và Hải Phòng.

Nhiều doanh nghiệp FDI khác tại các khu công nghiệp Hòa Phú, Cổ Chiên đều có sự tăng trưởng tốt trong sản xuất kinh doanh. Bất chấp thị trường nội địa có sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt, thị trường xuất khẩu suy giảm do suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đứng vững.

Trong khi đó, cơn bão lãi suất tín dụng trong nước tăng cao, sự tăng giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào đã làm cho doanh nghiệp trong nước suy yếu. Trong năm 2012 này, số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long tăng lên hơn 100 doanh nghiệp. Còn ngành thuế tỉnh Vĩnh Long cho biết nợ thuế đến cuối năm 2012 là 290 tỷ đồng. Riêng số lượng doanh nghiệp bỏ trốn không liên lạc được còn chiếm số lượng gấp nhiều lần doanh nghiệp phá sản. 

 Chi phí tài chính, mà chủ yếu là lãi suất ngân hàng cao đã làm cho các doanh nghiệp trong nước suy kiệt, đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước hoặc có vốn nhà nước chi phối. Trong năm qua, Nhà máy phân bón Cửu Long thuộc Cty CP phân bón miền Nam, doanh nghiệp có 65% vốn nhà nước chi phối đã phải chật vật xoay sở để hoàn thành kế hoạch sản xuất của năm. Dù Nhà máy thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu lại sản xuất cho phù hợp với sự biến chuyển nhanh chóng của thị trường, như: cắt giảm chi phí, đầu tư thiết bị cho ra sản phẩm mới và nâng tỷ trọng xuất khẩu lên 20%. Nhưng do chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm cùng loại xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nên sản lượng tiêu thụ phân bón NPK năm nay chỉ bằng 80% so với cùng kỳ năm trước. Kế hoạch sản xuất cũng được công ty điều chỉnh từ tháng 9 theo hướng giảm sản lượng, hạn chế tồn kho để duy trì lợi nhuận, ổn định thu nhập cho người lao động.

 

 

Không chỉ riêng doanh nghiệp nhà nước TW, mà doanh nghiệp nhà nước địa phương cũng điều chỉnh giảm sản lượng so với năm 2011. Với ngành nghề kinh doanh đặc thù là cấp nước máy phục vụ sinh hoạt và sản xuất thương mại, không chịu áp lực cạnh tranh, nhưng năm 2012, Công ty TNHH MTV cấp nước Vĩnh Long cũng điều chỉnh giảm kế hoạch 100 ngàn lít. Nguyên nhân là do tỷ trọng nước dùng cho sản xuất thương mại và công nghiệp trên địa bàn tỉnh năm nay chỉ còn 14% thay vì 16% như năm trước. Để tăng doanh thu bù đắp sản lượng sụt giảm, công ty nâng sản lượng nhà máy nước uống đóng chai tăng thêm 10%. Nhờ vậy, doanh thu của doanh nghiệp năm nay vượt kế hoạch 10%. Tuy nhiên, sản lượng sản xuất vẫn tăng thấp hơn nhiều so với bình quân các năm.         

Có thể thấy thời gian qua, Chính phủ cũng có nhiều chính sách tài chính, tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song, thực tế số doanh nghiệp đủ điều kiện để tiếp cận chính sách này không nhiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với lợi thế về vốn, trình độ quản trị và kinh nghiệm thị trường đã có những bước phát triển vượt bậc. Ngoài ra, một số chính sách của nhà nước ưu đãi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng đã tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. Do vậy, thời gian tới cần có một sự điều chỉnh về chính sách để tạo nên một sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *