Bên bờ hạnh phúc

Mặc dù chủ trương tăng vụ của Bộ nông nghiệp và PTNT thời gian qua đã giúp không ít cho bà con trồng lúa tỉnh Vĩnh Long gia tăng thu nhập trên cùng một diện tích đất canh tác, thế nhưng kéo theo đó thời gian cách li, giãn vụ ngày càng bị rút ngắn lại, đất đai thiếu đi thời gian nghỉ ngơi, phục hồi dinh dưỡng. Và trong số các vụ lúa trong năm thì Đông Xuân là vụ có  lợi hơn hẳn về mặt này, chính vì vậy trong khi các địa phương của tỉnh vẫn chưa thu hoạch dứt điểm lúa Thu Đông thì ở một số nơi, bà con nông dân đã tranh thủ xới đất ngâm lũ.

 

 Những ngày này, cứ đồng nào thu hoạch lúa Thu Đông dứt điểm đến đâu thì bà con cũng tranh thủ đưa nước vào, mướn máy xới đất đến đó. Bởi ai cũng quan niệm mỗi năm chỉ có một lần lũ về nên phải làm cho nhanh để đồng ruộng có điều kiện được hưởng nguồn lợi tự nhiên vô giá này.   

Ông Cù Văn Hùng, xã Hòa Bình – huyện Trà Ôn cho biết:“Làm xong vụ mình tranh thủ xới liền, đặng mình thả nước vô cho phù sa nó vô vậy đó, phù sa nó vô đặng mình sạ Đông Xuân lại cho nó trúng.”

 

Theo nhận định của ngành chuyên môn, việc sản xuất lúa 3 vụ hằng năm đã lấy đi độ màu mỡ phì nhiêu của đất mà phù sa bồi đắp, chất dinh dưỡng cung cấp cho cây những vụ tiếp sau phần lớn nhờ vào các hoạt chất từ phân hóa học bổ sung mà có, chính vì vậy nếu không được tái tạo hợp lý nguồn dinh dưỡng tự nhiên này thì năng suất lúa ngày càng bị giảm sút là điều khó tránh khỏi.

Mặt khác, hiện nay khi những công trình thủy lợi được khép kín ngày càng rộng khắp thì các mầm bệnh lưu tồn trong đất cũng như các độc tố từ thuốc BVTV không có điều kiện đào thải. Vậy nên bên cạnh việc quan tâm chuẩn bị nguồn giống, áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến thì việc xới đất ngâm lũ lại càng trở nên cần thiết.

 

 

Theo Kỹ sư Thái Thành Triều, Trưởng phòng kỹ thuật Chi cục BVTV Vĩnh Long: “Sau khi chúng ta thu hoạch lúa Thu Đông xong đề nghị bà con tiến hành cày xới ngay, trong khi cày xới thì thời gian cách li giữa hai vụ ít nhất cũng phải 3 tuần lễ, chúng ta vừa ngâm được lũ để lấy phù sa, cái thứ hai nữa cũng tiêu diệt được một số mầm bệnh lưu tồn ở vụ trước, chẳng hạn như nấm bệnh, hay là côn trùng gây hại còn trú ẩn ở gốc rạ của vụ trước và đặc biệt hơn nữa khi chúng ta ngâm lũ như vậy thì nó sẽ tích lũy được một số lượng phù sa nằm ở trong đất. Thay vì so với vụ Hè Thu cũng như Thu Đông thì thời gian cách li giữa hai vụ đôi lúc có nhiều địa phương thì thời gian quá cập rập, do đó chúng ta sử dụng rất nhiều lượng phân hóa học, nó tốn kém cho bà con nông dân, nhưng mà đây là vụ Đông Xuân chính, có điều kiện nước lũ về”.

Ngâm lũ tuy chỉ là hình thức canh tác đơn thuần thế nhưng mang lại cho đồng ruộng nguồn dinh dưỡng phong phú, không những giúp tăng năng suất lúa mà còn giảm bớt chi phí sản xuất cho bà con.

Có điều là trong khi mùa lũ ở ĐBSCL thường kéo dài khoảng 5 tháng thì thời gian ngâm lũ của các cánh đồng ở tỉnh ta tối đa cũng chỉ khoảng 30 ngày là đã chuẩn bị gieo sạ lại vụ Đông Xuân.Vì vậy, sau khi tiến hành ngâm lũ thì bà con cũng phải vệ sinh đồng ruộng thật kỹ, nhất là những cánh đồng gò nước lũ chưa có điều kiện diệt hết cỏ dại, chú ý khâu chan bằng mặt ruộng và đồng thời thu gom một số đối tượng như ốc bươu vàng, xác bã thực vật còn tồn đọng để tránh tình trạng ngộ độc hữu cơ sau này./.

Bích Chi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *