Bên bờ hạnh phúc

         Trong những năm gần đây bệnh bạc lá xuất hiện gây hại trên ruộng lúa ngày càng phổ biến. Không chỉ ở Vĩnh Long mà ở khắp các tỉnh  ĐBSCL  đều ghi nhận có sự xuất hiện của bệnh này trên cây lúa.

          Ngày nay, hầu như ở tất cả các vụ lúa trong năm đều có bệnh bạc lá xuất hiện và gây hại cho cây lúa. Vì vậy nó đã trở thành một trong những đối tượng dịch hại nguy hiểm trên đồng ruộng.

 

         Theo các nhà chuyên môn thì tác nhân gây ra bệnh bạc lá lúa, hay còn gọi là cháy bìa lá là do vi khuẩn gây nên. Do hoạt động sản xuất lúa của bà con hiện nay hầu như diễn ra quanh năm, kết hợp với một số sai lầm trong kỹ thuật canh tác, mà đặc biệt là tập quán bón phân thừa đạm trong quá trình sản xuất lúa; kết hợp với một số giống lúa đang được canh tác ở ĐBSCL ít nhiều đều bị nhiễm loại bệnh này, và sự chủ quan, nhận diện sai bệnh của bà con nông dân, đã góp phần làm cho bệnh cháy bìa lá lúa có điều kiện tồn tại và ngày càng phát triển mạnh hơn.

          Bệnh bạc lá có khả năng gây hại cho cây lúa ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng, từ  giai  đoạn mạ đến trổ chín. Trong đó, mạnh nhất là ở giai đoạn sau khi cây lúa đẻ nhánh đến đòng trổ và chín. Chúng gây hại  ở tất cả các bộ phận của cây lúa như  lá, thân, bông lúa và cả trên hạt. Bệnh này phát triển mạnh ở những ruộng sâu, độ ngập nước cao; và trong điều kiện thời tiết có ẩm độ lớn, nhiệt độ ban đêm thấp, sáng sớm có nhiều sương mù. Bệnh bạc lá chiếm tỷ lệ cao trên ruộng lúa sẽ gây thiệt hại lớn cho cây lúa về năng suất. Nên bà con nông cần phải có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và hiệu quả, tránh để lây lan ra diện rộng.

          Khi cây  lúa bị nhiễm bệnh bạc lá, triệu chứng có thể nhận thấy trước tiên là trên bề mặt lá lúa có những vệt giống như những sọc thấm nước ở rìa lá, màu vàng đến màu trắng và có độ dài ngắn khác nhau. Vết bệnh có thể bắt đầu ở một hoặc ở cả 2 bên mép lá, và có thể ở bất kỳ điểm nào trên lá, Sau đó chúng sẽ lan ra toàn bộ phiến lá kéo dài theo gân chính. Nếu giống lúa có nhiễm bệnh này thì vết bệnh có thể lan tới tận bẹ lá. Thậm chí  cả trên bông và hạt .

        Bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn xâm nhập qua thủy khổng, lỗ khí ở đầu lá, mép lá hoặc qua các vết thương do xây xát trên lá, sẽ làm cho lá lúa không có khả năng quang hợp để tạo dinh dưỡng nuôi thân và hạt, nên lúa khi trổ bông thường bị  hạt lép lửng  nhiều . Khi cây lúa bị  bệnh này gây hại nặng thì lá sẽ bị  khô và chết, năng suất lúa sẽ bị  giảm nhiều, có thể mất trên 40%

           Để ngăn chặn sự  phát triển của bệnh bạc lá, điều cần làm trước tiên là bà con phải thăm đồng thường xuyên để theo dõi chặt chẽ tình hình phát triển của bệnh trên ruộng lúa;  nhằm có biện pháp xử lý kịp thời  và hữu hiệu ngay khi bệnh mới chớm xuất hiện. Vấn đề sử dụng thuốc hóa họclà một giải pháp không thể thiếu trong phòng ngừa bệnh bạc lá lúa. Tuy nhiên, cần lưu ý khi phun thuốc phòng trừ bệnh bạc lúa là cần phải thao tác đúng kỹ thuật, sao cho tất cả các bộ phận của cây lúa từ lá, thân đến bẹ lá và gốc lúa đều được tiếp xúc với thuốc thì mới đạt hiệu quả cao.

 

           Khi phòng ngừa bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn , bà con cần lưu ý là không để ruộng lúa bị nhiễm bệnh nhiều rồi mới xử lý thuốc, mà phải phun xịt ngay khi bệnh vừa chớm xuất hiện. Phun thuốc phòng ngừa bệnh bạc lá lúa nên phun thuốc đặc trị vi khuẩn và phun vào lúc vết bệnh còn nhỏ. Phải sử dụng lượng nước vừa đủ để phun ướt đều khắp mặt lá, và toàn thân cây lúa. Nói chung bà con cần tuân thủ nghiêm túc nguyên tắc “4 đúng” trong quá trình phun thuốc trừ bệnh bạc lá trên cây lúa.  

          Do có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển và gây hại của bệnh cháy bạc lá lúa, nên để đối phó với bệnh này đạt hiệu quả cao, ngoài việc sử dụng thuốc BVTV,  bà con nông dân còn cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp kỹ thuật khác, từ khâu chọn giống, đến kỹ thuật canh tác và bón phân chăm sóc. Trong đó hai yếu tố quan trọng cần lưu ý là phải gieo sạ với mật độ vừa phải  và bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm.

        Nói chung để quản lý tốt bệnh bạc lá, hay còn gọi là bệnh cháy bìa lá trên cây lúa, bà con nông dân cần áp dụng tổng hợp nhiều biện pháp, từ kỹ thuật canh tác như phải chọn giống tốt có chất lượng, gieo sạ với mật độ vừa phải, chăm sóc, bón phân cân đối, tránh bón thừa đạm …… đến việc nhận diện bệnh cho chính xác và có biện pháp xử lý kịp thời khi bệnh vừa mới chớm xuất hiện. Khi sử dụng thuốc BVTV phải tuân thủ nguyên tắc 4 đúng ./. 

         Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *