Bên bờ hạnh phúc

Quan điểm quần chúng “dĩ dân vi căn” (lấy dân làm gốc) được xem như tư tưởng chính thống trong trị nước an dân có từ ngàn xưa của ông cha ta. Tư tưởng, quan điểm của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu / Khó vạn lần dân liệu cũng xong” đã xác định vai trò quyết định của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của nước nhà. Chính vì vậy, công tác dân vận của Đảng ta đóng vai trò quyết định đối với sự thành bại của Cách mạng. Đó là lí do vì sao Bác Hồ luôn coi trọng công tác này.

“Việc dân vận rất quan trọng
Dân vận kém thì việc gì cũng kém
Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”

Tư tưởng, quan điểm của Bác về vai trò, vị trí của công tác vận động quần chúng cũng không nằm ngoài việc kế thừa truyền thống của tổ tiên và cũng là kinh nghiệm quý báu đúc kết từ thực tiễn sinh động từ ngàn xưa của nhiều thế hệ cha ông. Từ khi còn hoạt động trong vòng bí mật đến khi Đảng nắm chính quyền, trong kháng chiến cũng như trong thời bình xây dựng và phát triển hiện nay, công tác vận động quần chúng luôn là công tác quan trọng của Đảng và cả hệ thống chính trị các cấp. Trong kháng chiến chống thực dân và đế quốc, công tác dân vận là làm sao cho nhân dân nhận rõ được bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù cũng như đường lối kháng chiến của Đảng ta, nhằm nâng cao lòng căm thù giặc, tinh thần yêu nước và quyết tâm đánh thắng giặc. Cũng trong thời kỳ kháng chiến, nhờ công tác vận động quần chúng được thực hiện thành công mà Đảng và Mặt trận đã làm thất bại âm mưu của bọn thực dân, đế quốc và tay sai với âm mưu chia rẽ dân tộc ta. Đây là thắng lợi to lớn của Cách mạng, là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Hội nghị Công giáo toàn quốc (9-3-1955).

Công tác dân vận thời kháng chiến được thực hiện theo phương châm “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nhân dân và cán bộ vận động quần chúng nhân dân thuộc đối tượng nào thì cũng phải am hiểu nhiều về đối tượng đó. Cán bộ phụ vận thì thành thạo về nữ công, gia chánh, hoặc có chuyên môn về y tế, hộ sinh, đem quyền lợi đến cho chị em. Qua đó, đã thu hút, vận động chị em nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thuốc men. Cán bộ thanh vận thì tìm cách thâm nhập vào các trường học, thu hút giáo viên học sinh qua các phong trào văn nghệ, thể thao, để vận động giáo viên, học sinh chống đôn quân, bắt lính, thu hút thanh niên vào vùng giải phóng tham gia cách mạng. Cán bộ nông vận thì phụ giúp lao động, sản xuất, qua đó vận động nông dân bám đất, bám vườn v.v…

Không chỉ biết thực hiện tốt các công tác điều tra, nghiên cứu, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh, cán bộ dân vận còn phải có phong cách thật gần gũi, thân thiết, gương mẫu trong sinh hoạt, lối sống, thuyết phục được nhân dân bằng nhân cách và việc làm của mình, tạo được lòng tin và tình yêu thương gắn bó với nhân dân, “đi dân nhớ, ở dân thương”. Sau giải phóng, công tác vận động quần chúng cũng bước sang trang mới với nhiều thuận lợi, nhưng cũng có không ít những khó khăn phức tạp mới nảy sinh. Đối tượng vận động rộng hơn, yêu cầu cao hơn bao gồm nhiều mặt khác nhau trong đời sống xã hội. Công tác vận động quần chúng thời kỳ này là phải vận động nhân dân không ngừng nâng cao lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhận rõ trách nhiệm, quyền lợi của mỗi người đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhau thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Việc vận động quần chúng thời kỳ này không chỉ có nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác của mỗi người, mà còn có sự ràng buộc của pháp luật, sự tổ chức thực hiện phong trào của mặt trận, các đoàn thể và sự hỗ trợ của cơ quan chính quyền.

35 năm qua, công tác vận động quần chúng đã góp phần rất lớn vào việc tăng cường, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc, phổ biến và vận động thực hiện các chủ trương, chính sách, các chỉ tiêu đề ra; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, hoặc thực hiện tốt các vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích của nhân dân, góp phần giữ vững ổn định chính trị và quốc phòng – an ninh… Tất cả được thực hiện dựa theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cũng với quan điểm chủ đạo “lấy dân làm gốc”. Trong thời kỳ hội nhập, do tác động bởi nhiều mặt, công tác vận động quần chúng ở các nơi nảy sinh không ít nhược điểm như một số biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng, sự áp đặt, mệnh lệnh, thiếu dân chủ, xu hướng hành chính hóa trong hoạt động của Mặt trận và các tổ chức đoàn thể… từ đó làm hạn chế đáng kể kết quả của công tác vận động quần chúng. Việc phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua “dân vận khéo”, tuyên truyền nhân rộng các điển hình dân vận khéo ngoài mục tiêu kế thừa, phát huy truyền thống dân vận còn được xem như một trong những hoạt động nhằm làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, Đảng viên, cũng như nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị các cấp đối với công tác dân vận của Đảng. Qua hai năm hưởng ứng phong trào này, ở Vĩnh Long, các địa phương, đơn vị, đã năng động sáng tạo, xây dựng được nhiều mô hình điển hình dân vận khéo, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Đến nay, Vĩnh Long có hơn 1.900 tập thể, cá nhân đăng ký được công nhận là điển hình dân vận khéo có nội dung toàn diện : từ vận động nhân dân phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể vững mạnh; hơn 3.000 tập thể, cá nhân cán bộ công chức, Đảng viên, đoàn viên, hội viên đăng ký được công nhận là điển hình dân vận khéo với nội dung góp phần chuyển biến trên các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội tỉnh nhà. Trong đó, hơn 2260 tập thể cán bộ đảng viên điển hình dân vận khéo trên lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, vận động tốt quần chúng nhân dân thi đua học tập, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm, giúp đỡ người nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.

Mỗi một điển hình là đại diện cho sự nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo không mệt mỏi của mỗi tập thể, cá nhân, nhằm tìm cách thuyết phục, vận động quần chúng tham gia tốt phong trào hành động cách mạng của địa phương, như thuyết phục quần chúng nhân dân thực hiện cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư hoặc thu hút học nghề, giải quyết nông nhàn, tăng thêm thu nhập. Đến ấp Phú Thạnh B, xã Nhơn Phú, huyện Mang Thít trong những ngày gần đây, chúng tôi nhận thấy có sự thay đổi lớn về bộ mặt của ấp. Cơ sở hạ tầng đã được thay đổi nhiều, con đường đan nhỏ hẹp chiều ngang chưa đầy 1m, lâu ngày sụt lún gây khó khăn cho việc đi lại trước đây, giờ đã được mở rộng hơn gấp đôi, nâng cấp thành lộ nhựa thông thoáng. 4 chiếc cầu trọng yếu của ấp cũng đã được xây bê tông chắc chắn, giúp giao thông được an toàn, tiện lợi hơn. Chi phí xây dựng cầu đường này hơn 560 triệu đồng, chủ yếu là nhờ sự đóng góp của hơn 200 hộ dân sống tại địa phương.

Từng cán bộ đoàn thể có uy tín đã vào cuộc và kiên trì vận động, giải thích, để các hộ dân hiểu được ý nghĩa, cũng như tính thiết thực của việc đóng góp và đã đóng góp đầy đủ. Hộ có điều kiện cũng như hộ còn khó khăn đều nhiệt tình tham gia, tạo được diện mạo mới cho ấp Thạnh Phú B như hôm nay. Ngoài việc giải thích, thể hiện được những lợi ích thiết thực, phù hợp tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân, người làm công tác dân vận khéo luôn phải thân thiện, gần gũi và gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động mà mình vận động quần chúng tham gia hưởng ứng. Đó là một trong những điều kiện tiên quyết giúp công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả.

Anh Nguyễn Văn Cường – nông dân ấp 3, xã Trung Nghĩa, huyện Vũng Liêm – vận động được 11 hộ dân cùng tham gia mô hình đưa cây màu xuống ruộng, thành lập được tổ hợp tác trồng màu gồm 21 hộ nông dân, giúp giải quyết nông nhàn cho 52 lao động nông thôn, nâng cao đời sống các hộ thành viên: có thêm 4 hộ xây được nhà tường vững chắc, thêm 13 hộ mua được xe máy, có hộ mua được xe tải nhỏ, các hộ gia đình tích lũy được tiền cho con ăn học… Được như vậy là nhờ anh Nguyễn Văn Cường gần gũi, giải thích giúp các hộ hội viên hiểu rõ về hiệu quả kinh tế của việc chuyển dịch cơ cấu, nhận rõ được lợi ích khi tham gia tổ hợp tác, xây dựng nhiều hoạt động tương trợ thiết thực thu hút các thành viên, như giúp đỡ vốn, giống, kỹ thuật chăm sóc ban đầu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiêu thụ hàng hóa cho các thành viên… Anh Cường luôn học hỏi tốt kinh nghiệm trồng màu chuyên canh trên nền đất ruộng, và có sự nghiên cứu, trãi nghiệm thực tế nhiều năm trước khi vận động các hộ nông dân khác cùng thực hiện. Hiệu quả đạt được qua mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của anh Cường đã có sức thuyết phục mạnh mẽ, khiến nhiều hộ nông dân tin tưởng và làm theo.

Trước yêu cầu của công tác dân vận thời kỳ đổi mới, Mặt trận và các đoàn thể luôn mở rộng và đa dạng các hình thức tập hợp nhân dân vào tổ chức để giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đa phương hóa hình thức và phương thức vận động cho phù hợp với từng đối tượng vận động. Người làm công tác dân vận phối hợp với chính quyền tập trung hướng về cơ sở, đến từng hộ dân, gần gũi, thân thiện với người dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng người dân, dựa trên nguyên tắc : “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Từ đó, thuyết phục, vận động tốt người dân tham gia phong trào. Đây cũng là một trong những biện pháp cốt lõi để công tác vận động quần chúng hiện nay đạt được kết quả tốt.

Việc tập trung thực hiện “năm dân vận chính quyền” gắn với thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, cải cách tốt thủ tục hành chính thời gian qua cũng đã góp phần xây dựng tốt mối quan hệ giữa người cán bộ với nhân dân, thắt chặt mối quan hệ giữa Đảng và chính quyền với dân. Bởi, đã xây dựng được phong cách dân vận khéo ở người cán bộ công chức : “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, và có trách nhiệm với dân”… Việc tổ chức tốt phong trào thi đua dân vận khéo nhằm tuyên dương, nhân rộng những điển hình dân vận khéo đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động đối với công tác dân vận của Đảng. Các nội dung công tác dân vận ở cơ sở được chính quyền phối hợp với Mặt trận, đoàn thể tạo nên sự đồng bộ, thống nhất trong cả hệ thống chính trị, vận động tốt nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế – xã hội, chăm lo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Phong trào này đã góp phần phát huy tốt truyền thống dân vận 80 năm của Đảng ta, xây dựng tốt hình ảnh người cán bộ đảng viên gương mẫu, tận tụy, của dân, do dân và vì dân, theo quan điểm, tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Hoàng Thy
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *