Bên bờ hạnh phúc

Những tháng đầu năm 2012, giá dừa sụt giảm mạnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân trồng dừa cũng như ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa. Sức tiêu thụ trên thế giới sụt giảm, những bất cập trong chuỗi sản xuất – cung ứng dừa, sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường tiêu thụ được xác định là những nguyên nhân chính làm giá dừa trái rớt mạnh nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

 

Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, sự biến động về giá cả là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ thực trạng của ngành dừa nước ta cho thấy, để phát triển tiềm năng của cây dừa phải có những giải pháp mang tính lâu dài. Nông dân trồng dừa và ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa cần phải có những giải pháp ổn định chuyên canh và nng cao gi trị chế biến sản phẩm từ dừa nếu muốn phát huy tiềm năng của loại cây trồng có nhiều giá trị này.   

Vườn dừa xen ca cao của của ông Bùi Văn Hoàng ở xã Hữu Định huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre, vào lúc giá dừa lên cao điểm, mỗi tháng gia đình ông thu nhập trên 10 triệu đồng từ 150 gốc dừa hơn 20 năm tuổi. Tuy vậy, từ đầu năm 2012 đến nay, con số này chỉ còn chừng 02 triệu đồng. Khó khăn là không tránh khỏi. Nhưng không như đa phần những hộ chuyên canh dừa khác, nguồn thu từ cây ca cao đã phần nào giúp gia đình ông ổn định được cuộc sống. 

Từ những năm 2003-2004, hưởng ứng phong trào trồng ca cao xen trong vườn dừa do tỉnh Bến Tre vận động, ông đã mạnh dạn trồng xen hơn 600 gốc ca cao vào vườn dừa của mình. Trong năm 2012 này, dù giá ca cao cũng bị giảm theo thị trường nhưng vẫn đảm bảo mức thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng/tháng. Một con số rất có ý nghĩa trong bối cảnh giá trị từ cây dừa sụt giảm mạnh. Ngoài ra, từ khi trồng xen thêm cây ca cao thì năng suất vườn dừa cũng được cải thiện đáng kể.

Từ mô hình trồng xen ca cao trong vườn dừa của ông Bùi Văn Hoàng cho thấy, thực hiện xen canh sẽ cho thu nhập cao và ổn định hơn so với chỉ độc canh cây dừa. Ngoài cây ca cao thì những loại cây trồng, vật nuôi khác như cây có múi, bòn bon, nuôi tôm càng xanh, cũng có nhiều ưu điểm khi được xen trong vườn dừa. Tùy vào điều diện thực tế mà nhà vườn có thể lựa chọn mô hình thích hợp. Nếu khai tốt, các mô hình nuôi trồng xen này sẽ là yếu tố đảm bảo đời sống cho người trồng dừa trong bối cảnh giá cả còn nhiều bấp bênh như hiện nay.

Do hiệu quả kinh tế mang lại khá cao trong những năm trước đó nên diện tích trồng dừa có xu hướng tăng lên. Không riêng gì tại tỉnh Bến Tre mà nhiều địa phương khác như Tiền Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh cũng đã xuất hiện nhiều vườn chuyên canh dừa. Theo các nhà chuyên môn, chất lượng dừa chế biến công nghiệp ở vùng nước lợ sẽ tốt hơn so với dừa trồng trong vùng nước ngọt. Do đó, ở vùng nước ngọt bà con nông dân nên trồng những giống dừa uống nước để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa. Do giá bán và năng suất ổn định hơn nên chỉ có các giống dừa uống nước mới đảm bảo được thu nhập cho những nông hộ ít đất canh tác. Hiện nước ta đã tuyển chọn, lai tạo ra được nhiều giống dừa uống nước có năng suất cao, chất lượng ngon, lại cho trái sớm. Nếu phát triển theo hướng này thì giá trị vườn dừa sẽ không thua kém các loại trái cây khác.

Trong quá trình chế biến, hầu như tất cả các sản phẩm từ trái dừa đều được tận dụng. Đây là lợi thế mà không phải loại nông sản nào có được. Nếu như trước kia, sản phẩm bán ra thị trường chủ yếu là dừa trái, thì khoảng 10 năm trở lại đây, các cơ sở sản xuất, chế biến xuất khẩu sản phẩm từ dừa đã phát triển rất mạnh ở Bến Tre. Hiện tại đây có khoảng 70 doanh nghiệp và hơn 1.400  cơ sở, sản xuất chế biến các sản phẩm từ trái dừa, giải quyết tương đương 50 ngàn lao động xung quanh các ngành nghề này. Do đó, cây dừa không chỉ mang lại lợi ích kinh tế  trực tiếp cho người trồng mà còn mang nhiều ý nghĩa xã hội khác.

Tuy đã có những bước phát triển, nhưng nhìn chung ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ dừa ở nước ta còn nhiều hạn chế so với mặt bằng chung của khu vực. Công nghệ chế biến và chủng loại sản phẩm làm ra chủ yếu là do đối tác đặt hàng, bản thân các doanh nghiệp chưa chủ động phát triển theo lợi thế riêng. Và cũng phải nhìn nhận rằng, thời gian qua nước ta chỉ tập trung chú trọng vào hướng nâng cao năng suất, chất lượng dừa trái, chưa có những công trình mang tính chiến lược để đa dạng sản phẩm cho ngành công nghiệp từ cây dừa. Do đó, khi gặp sự cố về thị trường thị thiệt hại của ngành dừa nước ta sẽ nặng nề hơn các nước trong khu vực.

Trên phương diện thị trường, sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường tiêu thụ dẫn đến bị họ thao túng giá cả chính là nguyên nhân làm cho giá dừa của nước ta sụt giảm mạnh hơn các nước trong khu vực. Do đó, khắc phục được tình trạng này chính là yếu tố quan trọng để trái dừa nước ta tránh được tình trạng rớt giánhư những tháng qua.

Vì diện tích ít và phát triển sau, nên để mở rộng thị trường tiêu thụ là chuyện không dễ dàng đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Mặt khác, sau một thời gian dài bị cạnh tranh nguồn nguyên liệu dừa trái, những rủi ro từ thị trường tiểu ngạch, nên đa phần các doanh nghiệp không mạnh dạn mở rộng đầu tư. Thực tế này làm cho các cơ sở chế biến của nước ta khó có thể đáp ứng được những yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và các ràng buộc khác mà thị trường chính ngạch bắt buộc phải có.

 

 

Khó khăn chung là vậy. Nhưng tại Bến Tre cũng đã có một số đơn vị mạnh dạn đầu tư hệ thống trang thiết bị, chủ động tìm kiếm và thâm nhập vào các thị trường mới như Trung Đông, Châu Âu, Bắc Phi, Hoa Kỳ.

Công ty TNHH một thành viên chế biến dừa Lương Qưới ở Khu công nghiệp An Hiệp – huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre là một ví dụ điển hình. Đây là một doanh nghiệp xuất khẩu có uy tín trong lĩnh vực chế biến sản phẩm từ dừa của Bến Tre. Sản phẩm chủ lực là cơm dừa nạo sấy xuất sang các nước Trung Đông, Hoa kỳ, Châu Au. Để xâm nhập được các thị trường này, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy chuẩn thế giới. Hiện doanh nghiệp đang đầu tư thêm nhà xưởng, nâng cấp thiết bị, công nghệ để sản xuất thêm sản phẩm nước cốt dừa và nước dừa giải khát đóng lon. Không chỉ chú trọng đến thị trường xuất khẩu, các thị trường trong nước mà trước nay hầu như bỏ ngõ cũng đang được doanh nghiệp hướng đến. Những thành công của các doanh nghiệp này là cơ sở mở ra nhiều triển vọng cho ngành công nghiệp chế biến dừa trong thời gian tới.

Dừa là một loại cây trồng có thể chịu đựng trong những điều kiện thời tiết, thủy văn khắt nghiệt. Đặc biệt là đối với những vùng đất ven biển, bị nhiễm phèn, mặn như ở ĐBSCL thì cây dừa thể hiện ưu thế tuyệt đối so với các loại cây trồng khác. Đây cũng được xem là cây trồng của những vùng đất có nguy cơ chịu tác động của quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, quan tâm và bảo vệ lợi ích cho người trồng dừa, ngành công nghiệp chế biến dừa là vấn đề cần phải được quan tâm theo chiều sâu.

 

Thực tế sản xuất đã cho thấy, những mô hình nuôi, trồng xen canh trong vườn dừa sẽ là giải pháp căn cơ giúp nhà vườn đảm bảo được cuộc sống. Tùy theo từng điều kiện thực tế mà có thể lựa chọn xu hướng đầu tư cho vườn dừa. Trong một sớm một chiều, thị trường dừa và ngành công nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa của nước ta khó lòng khắc phục được sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như hiện nay. Do đó, bên cạnh đầu tư để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất thì rất cần có những chiến lược để phát triển ngành công nghiệp chế biến dừa còn  non kém của nước ta. Cây dừa chỉ phát huy hết giá trị một khi xây dựng được một chuỗi giá trị gia tăng từ ngành công nghiệp chế biến. Nếu chỉ tập trung xuất thô và tiểu ngạch như hiện nay, xem ra tình cảnh như những tháng đầu năm 2012 sẽ còn tiếp diễn mà chưa  có hồi kết./

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *