Bên bờ hạnh phúc

Sau một thời gian tăng giá rất mạnh, cao điểm lên đến từ 130.000 – 140.000 ngàn đồng/chục 12 trái, từ đầu năm 2012 đến nay, giá dừa khô ở ĐBSCL quay đầu lao dốc không phanh. Hiện ở Vĩnh Long giá dừa mua tại vườn chỉ ở mức từ 10.000 -12.000 đồng/chục 12 trái. Trong một thời gian ngắn mà thu nhập từ vườn dừa sụt giảm quá lớn, nhiều nông dân đã bắt đầu đặt vấn đề về sự phát triển bền vững của cây dừa trong tương lai.

Vậy nguyên nhân chính của hiện trạng này là gì?

Giá dừa hiện nay có phản ánh đúng với xu thế của thị trường tiêu thụ?

Nông dân trồng dừa và ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm từ dừa có thể rút ra được những vấn đề gì từ tình hình hiện tại?

Những diễn biến tại tỉnh Bến Tre, đầu mối tiêu thụ dừa ở ĐBSCL sẽ giúp chúng ta thấy được những vấn đề phía sau thị trường dừa hiện nay.

Có thể nói, dừa là loại cây trồng tạo ra nhiều sản phẩm tham gia thị trường xuất khẩu vào hàng bậc nhất ở ĐBSCL. Ngoài xuất thô nguyên trái, dừa còn được chế biến thành rất nhiều sản phẩm khác như cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa, than hoạt tính … Bên cạnh sự đa dạng về chủng loại sản phẩm thì thị trường xuất khẩu dừa cũng không ngừng được mở rộng trong vòng 10 năm qua. Thống kê đến năm 2010 đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ tiêu thụ sản phẩm từ dừa của Việt Nam. Riêng tại Bến Tre, địa phương chiếm khoảng 35% diện tích trồng dừa cả nước, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt 159 triệu đô la, chiếm tỷ trọng gần 44% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của tỉnh. Những thông tin trên cho thấy, giá dừa trong nước có liên quan chặt chẽ với những diễn biến của thị trường thế giới. Sự sụt giảm giá dừa lần này cũng không là ngoại lệ.

Ngoài xuất thô nguyên trái, dừa còn được chế biến thành rất nhiều sản phẩm khác như cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, nước cốt dừa đóng lon, dầu dừa, than hoạt tính

 

Sau lần rớt giá mạnh vào năm 2000-2001, giá các sản phẩm từ dừa bắt đầu được cải thiện và ổn định ở mức cao trong khoảng 10 năm sau đó. Điều này đã khuyến khích một số quốc gia gia tăng việc đầu tư nâng cao năng suất hoặc mở rộng diện tích. Thêm vào đó, trong năm 2011, điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, dịch hại được kiểm soát tốt, nên sản lượng dừa ở các nước như Indonesia, Philippine đã gia tăng từ 15-20%.

Ở nước ta cũng vậy. Cụ thể như tại tỉnh Bến Tre, ước tính sản lượng trong năm 2011 đạt khoảng 430 triệu trái, tăng khoảng 20% so với năm 2010.

Đáng tiếc là thời điểm này lại trùng với giai đoạn suy thoái, khủng hoảng kinh tế chính trị ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường tiêu thụ dừa chủ lực như Trung Đông, Châu Âu và Bắc Phi. Các quốc gia này đều có xu hướng giảm tiêu thụ trong khi sản lượng tăng lên nên đã làm giá các sản phẩm dừa bị rớt giá.

Theo tổng hợp từ Hiệp hội dừa Bến Tre, trong 6 tháng đầu năm 2012, giá dầu dừa trên thế giới chỉ bình quân ở mức 1.292 đô la/tấn, giảm tương đương 37% so cùng kỳ năm trước. Giá của cơm dừa nạo sấy, một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước trồng dừa, cũng sụt giảm rất mạnh. Mức giá xuất khẩu tại Indonexia, Malaysia, Sri Lanka, 03 quốc gia có thế mạnh về mặt hàng này, đã sụt giảm lần lượt là 38%, 28% và 45% so với năm 2011.

Tình hình tiêu thụ dừa trên thế giới có xu hướng giảm xuống trong khi năng suất, sản lượng dừa đều tăng làm cho giá dừa sụt giảm là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu theo dõi diễn biến của giá dừa trái nguyên liệu và giá bán sản phẩm cơm dừa nạo sấy tại Bến Tre so với thế giới, cụ thể là Philippines, thì cho thấy có nhiều vấn đề đang tồn tại trong khâu tiêu thụ các sản phẩm từ dừa của nước ta.

Số liệu thống kê của Sở công thương Bến Tre cho thấy, cao điểm của giá dừa trái trên thế giới vào tháng 6/2011 chỉ ở mức hơn 7000đồng/trái. Trong khi tại Bến Tre tại thời điểm tháng 10/2011 giá dừa lên mức gần 12.000 đồng/trái. Tuy vậy, giá các sản phẩm chế biến từ dừa, cụ thể là cơm dừa nạo sấy, lại có xu hướng ngược lại, nghĩa là giá luôn thấp hơn thị trường thế giới. Vào tháng 01/2012, trong khi giá xuất khẩu tại Philippines vào khoảng 2000 đô la/tấn thì giá xuất cơm dừa nạo sấy tại Bến Tre chỉ khoảng 1.650 đô la/tấn. Nguyên nhân được xác định là do đa số các doanh nghiệp tại Bến Tre xuất khẩu sản phẩm này qua trung gian, còn tại nước bạn thì xuất khẩu trực tiếp. Mặt khác, do họ là các doanh nghiệp lớn, thương hiệu nổi tiếng từ lâu nên bán được với giá cao hơn chúng ta.

Tình hình tiêu thụ dừa trên thế giới có xu hướng giảm xuống trong khi năng suất, sản lượng dừa đều tăng làm cho giá dừa sụt giảm là điều khó tránh khỏi

 

Từ những khó khăn trên, đa phần các doanh nghiệp tiêu thụ và chế biến tìm đến những thị trường tương đối dễ tính, nhu cầu số lượng lớn nhưng lại không phải chịu những áp lực về thương hiệu, chất lượng sản phẩm và đặc biệt là phương thức mua bán dễ dàng do không có rào cản kỹ thuật. Và Trung Quốc trở thành tiêu thụ thị trường tiêu thụ dừa và các sản phẩm từ dừa chủ yếu ở Bến Tre là vì họ hội đủ các tiêu chí này.

Chỉ riêng tính lượng dừa trái xuất thô thì các doanh nghiệp Trung Quốc đã chi phối tới 35% sản lượng của toàn vùng. Còn các sản phẩm chế biến khác thì họ cũng là khách hàng chính của các doanh nghiệp chế biến dừa tại Bến Tre. Và sự phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường này chính là nguyên nhân quan trọng đưa giá dừa rớt mạnh như hiện nay.

Ngoài những nguyên nhân trên thì ngành chức năng tỉnh Bến Tre cũng xác định dừa rớt giá mạnh như hiện nay còn do chính khâu phân phối, tiêu thụ dừa nội địa qua quá nhiều trung gian.

Điều dễ thấy nhất là giá mua dừa khô tại vườn của thương lái có sự chênh lệch rất xa giữa các địa phương, đặc biệt là khi dừa rớt giá mạnh. Tại Vĩnh Long ,lúc cao điểm nông dân vẫn bán được mức giá 140.000 đồng/chục 12 trái, tương đương với giá tại Bến Tre. Tuy nhiên, tại thời điểm tháng 6/2012, khi giá dừa trái mua tại Bến Tre ở mức trên dưới 20.000 /chục thì mức giá ở Vĩnh Long chỉ tương đương 50%. Giá dừa thấp lại qua nhiều trung gian nên nhà vườn đã khó càng thêm khó.

Mặt khác, do không có thông tin đầy đủ về thị trường nên khi giá dừa lên cao, nhiều thương lái, nhà vựa và cả doanh nghiệp chế biến bắt đầu tăng sản lượng thu mua. Thậm chí vào thời điểm những giá dừa lên đỉnh điểm nhiều doanh nghiệp còn tính chuyện nhập khẩu dừa nguyên liệu. Khi giá dừa có động thái giảm, tình hình tiêu thụ khó khăn thì những cơ sở này chỉ lo giải quyết phần nguyên liệu và sản phẩm tồn trữ, hạn chế thu mua dừa trái, từ đó lượng dừa dư thừa tăng đột biến, đẩy giá giảm đến mức nhiều nhà vườn không muốn bán dừa.

 

 Cả bà con nông dân trồng dừa và doanh nghiệp chế biến dừa đều có thể gặp khó khăn một khi giá dừa dao động ngoài tầm kiểm soát.

 

Vấn đề giá cả nông sản lên xuống theo thị trường là chuyện hết sức bình thường. Đây là quy luật tất yếu trong bối cảnh ngành dừa của nước ta ngày càng hội nhập sâu vào thị trường thế giới. Tuy vậy, qua đây cho thấy có nhiều nguyên nhân tác động làm cho giá dừa sụt giảm mạnh. Cả bà con nông dân trồng dừa và doanh nghiệp chế biến dừa đều có thể gặp khó khăn một khi giá dừa dao động ngoài tầm kiểm soát.

Từ thực trạng này đặt ra 2 vấn đề: Một là người trồng dừa cần phải có những sự lựa chọn như thế nào để đảm bảo thu nhập trong bối cảnh giá dừa còn nhiều bấp bênh? Doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ dừa cần phải có những định hướng phát triển như thế nào để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường như hiện nay?

Đây sẽ là nội dung chính sẽ được đề cập đến trong phóng sự tiếp sau với chủ đề “ Tìm hướng phát triển cho cây dừa”.

Trung Hiếu
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *