Bên bờ hạnh phúc

Bình Phước Xuân là một trong 3 xã thuộc cù lao Giêng của huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Vùng đất cù lao này chia con sông Tiền thành 2 nhánh, do vậy đất đai ở đây khá màu mỡ để phát triển kinh tế nông nghiệp đặc biệt là về trồng trọt.

 

Từ lâu, Bình Phước Xuân đã nổi tiếng là vùng đất trồng xoài khá hiệu quả. Hàng ngàn hộ nông dân nơi đây có cuộc sống khấm khá nhờ cây trồng này. Nơi đây, cũng đã xuất hiện không ít những nông dân có sự hiểu biết khá sâu về kỹ thuật trồng và xử lý xoài ra trái theo ý muốn, rồi có nhiều thương lái đến tận vườn thu mua, làm cho vùng này trở nên là vùng nguyên liệu xoài khá nhộn nhịp.

Tuy nhiên, điều khá lạ thường là khoảng 3 năm gần đây, những cây xoài giống cũ như xoài hòn, xoài cát chu đã biến đâu mất, mà chỉ thấy một vùng toàn là xoài Đài Loan xanh, xoài này thường dùng để ăn sống; khi còn nhỏ trái có màu xanh, lớn một chút có ửng đỏ trên phần cuống, đến lúc chín có màu vàng, nên người dân ở đây quen gọi là xoài 3 màu. Và hiện nay, cây trồng này đang trở thành mốt trồng xoài xứ Cù Lao Giêng này.

 

Gia đình ông Trần Văn Nê ở ấp Bình Trung, xã Bình Phước Xuân cũng vậy. Gia đình trước đây có 3 ha vườn xoài, nay cũng chuyển sang trồng toàn bộ là xoài 3 màu như ông vẫn hay gọi. Theo ông giải thích, trồng giống mới có hiệu quả kinh tế cao hơn những giống cũ.

Nông dân là vậy, thông thường thấy cây trồng nào, giống cây nào có hiệu quả kinh tế cao hơn, có nhiều ưu điểm hơn là bà con theo đuổi. Theo nhà vườn ở đây chiết tính một công xoài Đài Loan xanh có hiệu quả gấp 1,5 đến 2 lần khi trồng giống xoài cũ.

Chẳng hạn, với gia đình ông Trần Văn Nê, trước đây 3 ha xoài, mỗi năm thu từ 300 đến 400 triệu đồng nhưng ông vẫn chưa thấy hài lòng khi so sánh với giống xoài mới này. Chỉ khoảng 120 gốc với diện tích 3 công xoài này, chỉ sau 18 tháng ghép bo chuyển đổi, cây cho trái lần đâu, ông bán được trên 5 tấn, thu nhập 155 triệu đồng. Đó là chưa kể cây xoài hiện nay đã cho thu hoạch một năm 2 vụ, do đó lợi nhuận sẽ còn tăng hơn nhiều lần. Ông hy vọng, với 2.000 gốc xoài của gia đình, sang năm tới ông sẽ thu về gần 1 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng xoài ở xã Bình Phước Xuân đã được nông dân chuyển sang giống xoài Đài Loan xanh. Nếu tính cả diện tích cũ và diện tích trồng mới đã trên 320 ha, hàng năm cung ứng cho thị trường gần trên 10 ngàn tấn trái, tính ra sản lượng cũng khá nhiều.

Được biết, tại nhiều vùng khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có bà con trồng giống xoài này, cho sản lượng khá lớn. Hầu hết, hàng loại 1 được thương lái Trung Quốc tiêu thụ, do đó, về bình diện chung đây chưa phải là tín hiệu vui cho bà con. Ở Bình Phước Xuân, có thời điểm giá lên cao đến 35.000 đồng/kg, chính vì bà con nắm vào mức giá cao đó để tính hiệu quả kinh tế nên diện tích mới nhanh chóng tăng lên. Là người một trong những nông dân đi đầu trong việc chuyển đổi này, ông Trần Văn Nê cũng có suy nghĩ riêng của mình.

 

 

 

Về phía địa phương cũng cho biết, xoài là cây đặc sản ở xã này, tuy nhiên trồng giống xoài nào có lợi cho bà con thì nhà nước vẫn khuyến khích và sẽ tạo điệu kiện để phát triển. Những năm qua, song song với việc gia cố các bờ bao để thuận lợi cho bà con canh tác xoài, chính quyền và ngành chức năng địa phương còn thực hiện nhiều biện pháp khác liên quan đến thị trường tiêu thụ để giúp bà con an tâm sản xuất giống xoài mới này.

Việc nông dân chuyển đổi sang một giống cây trồng mới có nhiều ưu điểm hơn với hiệu quả kinh tế cao hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, nhiều bài học kinh nghiệm của những nông sản khác khi thị trường chỉ phụ thuộc vào Trung Quốc cho phép chúng ta nghĩ rằng, ngay lúc này, cần phải làm gì đó để tìm kiếm thị trường mới. Bằng hành động của mình, ông Trần Văn Nê cũng đang tích cực thực hiện sản xuất Xoài theo quy trình VietGap do Viện Nghiên cứu cây ăn quả hướng dẫn.

Và hy vọng, thời gian tới những điều băn khoăn lo lắng của ông Nê sẽ không còn nữa, giống xoài mới này sẽ dần dần là món hàng ưa chuộng của nhiều đối tượng khách hàng, đồng thời đây sẽ là cây trồng làm giàu cho quê hương An Giang.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *