Bên bờ hạnh phúc

 Nằm trên dải đất cù lao Dài giữa sông Tiền, xã Thanh Bình-huyện Vũng Liêm là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế vườn và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Tuy nhiên, do hệ thống giao thông bộ chậm phát triển, các công trình thủy lợi chưa được kiên cố nên đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Được chọn là một trong 22 xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Vĩnh Long, xã Thanh Bình đã có rất nhiều nỗ lực để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Ưu tiên hàng đầu của xã là đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi – 02 lĩnh vực còn rất yếu kém của địa phương khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới.

Do khối lượng công việc thực hiện còn rất lớn, nên hiện xã Thanh Bình vẫn chưa đạt được tiêu chí về thủy lợi và giao thông. Tuy vậy, sau một thời gian triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống đê bao và đường giao thông nông thôn ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần làm thay đổi diện mạo ở một xã cù lao. Toàn bộ hơn 12 ngàn ha đất nông nghiệp, trong đó có hơn 90% là vườn cây ăn trái, đã được khép kín. Trên địa bàn xã hiện có một tuyến lộ liên xã với chiều dài trên 4km, đảm bảo xe 04 bánh lưu thông đến trung tâm xã. Tổng cộng 39 đường liên ấp, liên xóm với tổng chiều dài khoảng 75 km đảm bảo xe 02 bánh lưu thông cả 02 mùa mưa nắng.

Một trong những điểm nổi bật khi thi công các công trình thủy lợi và giao thông ở Thanh Bình là được sự ủng hộ rất nhiệt tình của người dân. Đặc biệt là phong trào hiến đất xây dựng các công trình theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Thực hiện tiêu chí về thủy lợi ở xã nông thôn mới, các tuyến đê bao được nâng cấp với quy mô lớn hơn. Việc làm này sẽ nâng cao được vai trò phòng chống lũ, bảo vệ sản xuất và đời sống cho bà con nông dân. Tuy nhiên, các công trình này cũng làm mất đi phần đất nhiều hơn. Để đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình, ngay từ khi bắt đầu triển khai các cấp chính quyền xã đã tích cực vận động bà con nông dân, tuyên truyền để người dân hiểu được những ý nghĩa lâu dài mà công trình mang lại.

 Do đặc thù của xã cù lao là thường xuyên phải đối phó với những khó khăn trong mùa mưa lũ, từ lâu người dân ở Thanh Bình đã có truyền thống đoàn kết, tự xây dựng các tuyến đê bao bảo vệ sản xuất. Nay lại được nhà nước đầu tư với quy mô lớn hơn nên tất cả người dân đều sẵn lòng đóng góp một phần đất đai – tài sản vốn được xem là quý nhất của họ.

Như công trình đê bao liên xã Thanh Bình – Qưới Thiện mới được đưa vào sử dụng trong mùa lũ năm nay. Đây là công trình đê bao lớn trên cù lao Dài được nhà nước đầu tư theo tiêu chuẩn vừa bảo vệ sản xuất, vừa đảm bảo dân sinh, kết hợp giao thông nông thôn. Công trình đi qua địa bàn ấp Thanh Tân có tổng chiều dài hơn 1,3 km. Mỗi hộ dân nơi có công trình đi qua mất từ vài trăm đến cả ngàn m2 đất trồng bưởi, sầu riêng đang trong giai đoạn cho trái. Tuy vậy, tất cả đều nhất trí bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công kịp thời. Vì họ biết hi sinh chuyện nhỏ để có được những lợi ích cho bản thân và cộng đồng khi tuyến đê này được đưa vào sử dụng.

 

Không chỉ có các công trình thủy lợi mà quá trình thi công các tuyến đường giao thông nông thôn ở Thanh Bình còn nhận được sự đóng góp rất tích cực của người dân.

Trường hợp thi công tuyến lộ liên ấp Thái Bình – Thanh Khuê là một ví dụ. Đây là công trình nhận được sự đồng tình ủng hộ của 100% người dân nơi có tuyến đường đi qua. Chỉ sau một cuộc họp dân duy nhất là khâu giải phóng mặt bằng, giải tỏa các công trình kiến trúc để bàn giao cho đơn vị thi công được hoàn tất.

Có thể nói, chính nhờ sự tích cực tham gia đóng góp của người dân mà tiến độ thi công các công trình thủy lợi, giao thông ở Thanh Bình đảm bảo theo kế hoạch đề ra. Các công trình này còn giúp cho chính quyền địa phương rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong quá trình vận động nhân dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Trong 22 xã điểm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, thì Thanh Bình là địa phương có xuất phát điểm rất thấp. Do đó, để đạt được tiến độ thực hiện các tiêu chí từ nay đến năm 2015 sẽ còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi cần nhiều nổ lực hơn nữa. Riêng 02 tiêu chí về thủy lợi và giao thông thì khối lượng công việc cần hoàn thành còn rất nặng nề. Bên cạnh tiếp tục phát huy tinh thần tích cực của người dân, Thanh Bình còn rất cần có thêm nguồn kinh phí để đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết câu hạ tầng theo lộ trình xây dựng nông thôn mới đặt ra.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *