Bên bờ hạnh phúc

Ngày xưa, cùng với cày bừa, vòng gặt, nọc cấy, cối giã gạo… Phan Trung Nghĩa nói với con gái là những thứ làm nên xương thịt hình hài của cha. Tất cả đã mất trong ngậm ngùi “quê hương nào cũng có sứ mạng cưu mang nuôi nấng những đứa con quê, nhưng mỗi đất nước, mỗi thời đại quê hương có cách nuôi nấng khác nhau”.

Tôi có một gã bạn cũ là nhà văn. gã sinh ra và lớn lên ở một cánh đồng xa xôi heo hút của tỉnh Bạc Liêu. Mười mấy tuổi gã đã thọc chân xuống sông quê rửa phèn rồi đi mải miết và bây giờ thì định cư tại Sài gòn để làm báo, viết văn.

Giờ đây văn chương của gã đã lừng danh trong thiên hạ, tiền bạc rủng rỉnh trong túi và tóc gã bạc thật nhiều. Và khi tóc bạc thì cái tình quê hương, cái tình tấm mẳn bỗng bùng lên mãnh liệt trong gã. Gã nghĩ về nó bằng niềm ray rứt khôn nguôi. Thế là từ Sài Gòn gã chạy về nhà tôi, nhờ ông anh ruột tôi đi săn lùng mua những nông cụ và các vật dụng gia đình của nông dân “thời trâu cày”, cái thời mà gã còn để chỏm dưới quê để gã làm một gian trưng bày nho nhỏ. Cái gian trưng bày ấy không phải để phục vụ công chúng mà là để phục vụ cho chính gã, để răn đe gã.
Một bữa về Bạc Liêu, gã nôn nóng hối tôi dẫn gã đến nơi tập kết những thứ gã nhờ ông anh tôi mua giùm. Đó là một mớ “hổ lốn”: cày, bừa, vòng gặt, nọc cấy, cối giã gạo… Gã đứng thần người ra rồi ứa nước mắt. Con gái tôi 18 tuổi, đang học đại học nó nhìn gã và nhìn đống đồ vật kia bằng ánh mắt ngơ ngác, vô hồn. Nó hỏi: “Mua thứ này về làm gì hở cha?” Tôi lặng lẽ xoay mặt đi chỗ khác, lòng dậy lên một nỗi buồn xa xăm, rồi nhủ thầm: Con ơi, không biết những thứ ấy là không tỏ tường cội rễ, không hiểu được công đức của ông bà cha mẹ và làng nước mình!

Gã về rồi, cứ hai – ba ngày tôi chạy ra điểm tập kết hàng của nó. Tôi run rẩy sờ lên cái gọng bừa cũ kỹ, cái nọc cấy còn nạm phèn vàng oánh… Đó là những vật vô tri mà biết nói. Nó nói với tôi rằng có một ngày mùa với âm thanh rộn ràng của tiếng “ví” “thá” của thợ cày và một điệu hò vạn cấy hoà với tiếng gà gáy buổi rạng đông: “Trên đồng cạn dưới đồng sâu/ Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa”. Thế là tôi ngồi thừ ra mà ứa nước mắt như gã, rồi nhớ đến quắt lòng quắt dạ, nhớ căn nhà lá nhỏ nằm ven cánh đồng, tại một làng quê nghèo lưa thưa mái lá, vào cái thời tôi còn thơ trẻ. Ở đó có đời mẹ cha tôi nghèo, anh em tôi hiu hút cơm vắt mắm đồng. Ở đó từ cửa nhà sau nhìn ra là một vạt đồng xa tới viền chân trời. Khi chiều tàn ai nấu cơm trong chái bếp, ai đốt rơm rạ ngoài đồng mà sương khói mơ hồ làm ảo ảnh cả làng tôi. Nhìn lâu cứ thấy xốn xang rồi một nỗi buồn vô cớ chợt đến. Mùa mưa thì vạt đồng lễnh lãng nước, tiếng con nhái bầu nức nở trong mưa chiều. Mùa hạn thì đồng khô cỏ cháy và khi chiều xuống mây tím đùn lên ở cuối chân trời, rồi sấm chớp nhì nhằng, trời gầm gừ, báo hiệu một mùa mưa nữa sắp về.

Thế là nông dân bước vào mùa vụ. Ở làng tôi nhà nào cũng có vài chục công đất, đó là một loại đất nhiễm phèn mặn lâu đời. Mùa mưa cỏ mọc lên lợp xanh cả cánh đồng. Hồi năm 1969 trở về trước dân làng tôi không làm đất mà có tập quán phát cỏ cấy lúa, con gái tôi nào biết được rằng cây phảng mỏng dính kia, cây cù nèo làm từ trảng ba cây méc nọ của bác nó vừa nhờ mua về chính là công cụ chủ yếu để phát cỏ cấy lúa thay cho cày bừa. Hồi đó bốn giờ sáng đã nghe tiếng xoong chảo khua rồi lửa bập bùng trong chái bếp nhà quê. Sau đó thì mùi mắm chưng lan ra trong gió, ấy là nhà nông nấu cơm ăn. Đây là một công việc vô cùng nặng nhọc, một thanh niên lực lưỡng chỉ có thể phát một ngày một công đất cho nên phải ăn cơm trước mới phát nổi. Năm giờ sáng đã nghe tiếng phảng đập xuống nước phành phạch dậy lên ngoài đồng xen lẫn với vài câu vọng cổ khàn đặc thuốc gò của ai đó. Phát cỏ rồi nửa tháng sau mới cào cỏ thành bờ giồng mà dùng nọc cấy lúa.

Đến năm 1969 trở về sau thì đất của làng tôi được giữ ngọt thành đất thuộc nên không còn phát cỏ mà chuyển sang dùng trâu để cày bừa, cấy lúa. Những nhà khá giả thì sắm trâu còn nhà nghèo thì phải đi ở đợ giữ trâu mướn. Hồi đó mấy anh em tôi lãnh ba con trâu của cô tôi về giữ. Tôi có trách nhiệm dẫn trâu ăn cỏ, còn hai ông anh ruột tôi thì dẫn trâu đi cày, bừa thuê. Tội nghiệp anh Ba tôi, bốn giờ sáng anh đã ra tắm trâu và dẫn trâu đi cày trong những đêm mưa mùa hạ lạnh như cắt và đầy muỗi mòng. 19 tuổi anh gởi lại sợi dây vàm buộc mũi trâu cho các em rồi đi kháng chiến đến năm 21 tuổi thì anh hy sinh, chưa biết mùi da thịt con gái.

Ảnh: Quang Hùng

 

Trong cái đống “hổ lốn” của gã có chiếc yếm trâu, nó được bện bằng dây choại của đất rừng U Minh và đã lên nước đen bóng. Tôi đưa nó lên mũi và bắt gặp cái mùi mồ hôi trâu khai nồng gợi cảm lạ thường. Đây là cái mùi đặc trưng của dân chăn trâu. Ai đã từng giữ trâu hẳn không bao giờ quên nó. Những năm tháng dài giữ trâu cởi trần, mồ hôi người lẫn mồ hôi trâu quện chặt vào da thịt tạo ra một thứ mùi đeo bám theo ta rất lâu. Nhắc mới nhớ chị Nhồng con bác chín Son ở làng tôi, chị giữ trâu hồi còn để chỏm, đến năm mười tám tuổi chị đi lấy chồng, bác Chín gái phải tắm gội cho chị cả ngày trời vẫn không hềt mùi mồ hôi trâu, để rồi chị Nhồng sang sông mang theo một nỗi mặc cảm. Giờ đây bắt gặp mùi mồ hôi trâu tôi chợt nhớ đến cái đời chăn trâu cực nhọc của mình. Đó là những năm tháng dài đội mưa dầm nắng, trải cả tuổi thơ trên cánh đồng làng. Niềm vui là những trò chơi truyền thống của cánh mục đồng, cứ tẻ nhạt dần theo ngày tháng và nó làm héo hon cả một tâm hồn.

Còn chiếc nọc cấy kia gợi cho tôi nhớ đến mùa cấy. Các nhà thơ dân gian lẫn những nhà thơ chuyên nghiệp đều cố tình thi vị hoá cái mùa cấy. Họ ví von rằng đó là ngày hội vang rộn tiếng hò trên đồng quê, vui đến nao lòng. Thực tế thì không phải thế, người ta hò để quên đời cực khổ đó thôi. Ngày xưa mùa cấy bắt đầu rất muộn, khoảng đến tháng 8 âm lịch. Đó là lúc mưa dầm nước lụt, nước ngập đến lưng quần, nông dân phải cấy các loại giống lúa mùa có thân cao như: nàng thơm, nàng tét, trắng lùn… Hồi đầu thì cấy nọc, sau đất thuộc dùng trâu cày thì cấy tay. Má và chị Hai tôi xưa vốn là thợ cấy. Họ cấy vạn dần đổi công với láng giềng. Nếu ruộng mình đã xong thì họ đi cấy mướn. Đúng năm giờ thì “bắt công” xong và đứng trên đầu công cấy. Họ cấy thoăn thoắt, cái âm thanh tay người rút khỏi mặt nước chong chóc vang đều. Họ như trầm mình dưới nước lụt mặc cho muỗi mòng đĩa vắt, mặc cho những cơn mưa thu giăng mờ mịt trên đồng. Cánh đàn ông thì “mông mạ” bằng trâu rồi gánh mạ vào cho họ cấy.

Thỉnh thoảng cũng hình thành hai phường hò đối đáp với nhau. Thường thì chị Hai và má tôi cấy mỗi người hai công đến tối mịt mới xong. Trên lưng họ là tấm lá chằm và chiếc nón lá tơi che mưa, nắng. Bữa cơm của thợ cấy ăn trên bờ giồng gồm mọt chén mắm chưng và một tô bí rợ hầm dừa. Chị Hai tôi lúc đó 17 tuổi, gót đỏ như son, da trắng hồng vậy mà đến cuối mùa cấy da chị sạm đen, bàn tay, bàn chân lở lói, rôm sảy nổi khắp người, có buổi chị Hai đi cấy không nổi nằm ở nhà nóng sốt, phải lấy mấy thứ lá cây đắp lên cho đỡ.

Hồi đó làm ruộng cực khổ như thế mà năng suất thấp, mười giạ một công đã là trúng. Có năm gió bấc về sớm làm cho lúa “chín háp” (hạt lúa không kết gạo được). Đứng nhìn thấy như một cánh đồng lau sậy đang dựng cờ tang. Tết nhất gần kề, gió xuân về hây hẩy, dăm con én chao liệng dệt nên một mùa xuân tẻ nhạt trên quê nghèo. Nhớ tới mâm cơm cúng ba ngày tết, cặp dưa hấu chưng bàn thờ, quần áo tết sắp nhỏ… má tôi thở dài thườn thượt rồi cắp thúng ra đồng, hướng đôi mắt đỏ hoe mà tìm trong đám cỏ năn những bông lúa còn sót lại. Những hạt lúa ấy cho vào cối giã ra một thứ gạo sứt đầu mẻ trán và ốm o, đem đi nấu cơm ăn ta cảm được ở đầu lưỡi có vị mặn của mồ hôi và nước mắt. Vậy mà kỳ diệu thay đó chính là hạt ngọc của quê nghèo nuôi tất thảy những đứa con quê.

Ba tôi thì nhìn cánh đồng rồi uất ức, ông quảy nón, xách vòng gặt đi qua xóm Ông Tấn gặt lúa mướn. Hết mùa gặt ông lại về xóm Thào Lạng đập lúa thuê suốt đêm, bởi vì gia cảnh đang thúc bách ông rất dữ. Tết đó ba tôi về, nhà có nồi thịt kho và tôi được một bộ đồ vải sọc mặc tết. Giờ đây ba, má tôi qua đời, cái nọc cấy, cây cặp đập lúa, cái ghế đập lúa, chiếc vòng gặt… của gia đình cũng mất đi từ lâu lắm, để bây giờ con tôi đứng nhìn những thứ ấy mà hỏi dùng để làm gì? Con ơi, đó là những thứ góp phần làm nên xương thịt hình hài của cha đó.

Con gái tôi lại tròn xoe đôi mắt mà nhìn cái cối xay bột. Trong mắt nó, đó là những vật vô tri, nhưng đối với tôi nó đánh thức những ký ức sâu thẳm. Đời má tôi nghèo tả tơi manh áo, bà không dành được cho con vàng bạc như người ta, chỉ có tình thương thì bà dành đủ. Hồi đó anh em tôi kẻ đi cày, giữ trâu xa, người đi gặt mướn… rất ít có dịp ăn cơm chung, bữa nào rảnh rỗi, tề tựu là má tôi dùng chiếc cối xay bột để xay gạo mà làm bánh lá. Đó là một thứ bánh được nặn bột mỏng dính trên lá dừa nước rồi đem hấp chín, sau đó cắt ra dĩa, cho gỏi dưa leo, nước mắm chua và nước cốt dừa vào. Chỉ đơn giản như vậy thôi mà anh em tôi ngồi ăn vã mồ hôi hột, cảm giác như mình ăn “nem công chả phụng”. Má tôi ngồi nhìn, mắt bà đỏ hoe, bà khóc vì đã thật lâu mới thấy các con bà sum họp và được ăn ngon một bữa. Giờ đây mỗi dịp được ngồi trên những bàn tiệc đầy cao lương mỹ vị là tôi cứ ngậm ngùi xốn xang thương cái bữa ăn ngày cũ, của một gia đình nông dân cũ, đã tan đàn rẽ nghé từ lâu lắm.

Hơn 30 năm tôi đi xa, mỗi lần về lại thấy quê mình đổi khác. Kẻ còn người mất, đồng ruộng thì ngổn ngang những bờ vuông nuôi tôm. Tôi cứ lần dò trong ký ức mà tìm thăm cánh đồng ngày bé. Đâu rồi những bầy trâu, những mùa hạn đồng khô cỏ cháy và khi chiều tàn ai đốt rơm rạ để sương khói mơ hồ làm ảo ảnh cả làng tôi. Đâu rồi người mẹ một đời áo vải? Rồi ba tôi, rồi chị Hai, anh Ba tôi… tất cả họ đều bay qua sông mà hoá thành cánh cò cánh vạc, để giờ đây tôi muốn ăn một dĩa bánh lá cũng không làm sao có được. Chỉ còn lại đây một quê hương máu thịt, một quê hương với biết bao ký ức gợi thương gợi nhớ.

Quê hương nào thì cũng có sứ mệnh cưu mang nuôi nấng những đứa con quê, nhưng mỗi đất nước, mỗi thời đại quê hương có cách nuôi nấng khác nhau. Có một bài toán của cuộc đời đơn giản như cộng, trừ, nhân, chia. Một đất nước nghèo, một làng quê nghèo, một bà mẹ nghèo làm ra hạt lúa để nuôi ta lớn khôn hẳn phải tốn nhiều mồ hôi, nước mắt hơn những đất nước, những người mẹ khá giả. Các nhà đạo đức gọi đó giá trị công đức. Còn tôi xin được gọi giản dị là một phép tính. Ai không làm được phép tính ấy thì thiếu đi cái nhân cách con người.

Phan Trung Nghĩa – Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *