Bên bờ hạnh phúc

Khi đất nước còn chiến tranh, những người lính đi theo tiếng gọi của quê hương, đất nước, chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Và nhiều người trong số họ đã anh dũng hy sinh, hoặc gởi lại một phần thân thể trên những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Những người lính may mắn trở về khi đất nước hòa bình, thống nhất, nay vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất tốt đẹp của anh bộ đội cụ Hồ để phấn đấu không mệt mỏi vì cuộc sống tốt đẹp hơn cho gia đình và xã hội. 

 

 

Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về ông Nguyễn Văn Phong ở ấp Đập Sậy, xã Tân An Luông huyện Vũng Liêm tỉnh Vĩnh Long là hình ảnh đúng mực của một người nông dân hiền hòa, chất phác. Ông được xem là một trong những tấm gương điển hình cho phong trào cựu chiến binh vượt khó sản xuất giỏi của huyện.

19 tuổi tham gia cách mạng với vai trò giao liên, hoạt động bí mật trong lòng địch. Sau hơn 3 năm phục vụ cách mạng, khi đất nước đã hòa bình, ông giả từ quân ngũ về lại quê nhà.

Cuộc sống lúc đó hết sức khó khăn. Bởi ông mới lập gia đình riêng, lại chẳng có vốn liếng, hay đất đai để canh tác. Vậy là ông chẳng mong đợi vào sự đền đáp nào cả, mà chỉ muốn tự thân vận động, chí thú làm ăn để tự chăm lo cuộc sống cho gia đình mình. Để thực hiện tốt điều đó, ông đã tự nguyện tham gia vào hợp tác xã 3/2 để tăng gia sản xuất. Với  2 công ruộng được giao khoán, ông cùng vợ cần cù lao động, chính điều này đã giúp gia đình ông từng bước vượt qua được những khó khăn ban đầu.

 

 

Khi nền kinh tế nước nhà chuyển sang cơ chế mới, mô hình hợp tác xã giải thể, hai vợ chồng ông một lần nữa rơi vào cảnh trắng tay. Khó khăn lại chồng chất khó khăn,  vì vào thời điểm đó năm người con của ông điều đang ở tuổi ăn tuổi học. 

Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, không để con cái thất học và trở thành gánh nặng xã hội, ông Nguyễn Văn Phong đã mạnh dạn mua bảy công đất của bà con với hình thức trả góp trong vòng 10 năm để canh tác. Phát huy đức tính năng động, sáng tạo của anh bộ đội cụ Hồ, cùng sự siêng năng, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, trong vòng 7 năm hai vợ chồng ông Phong đã trả dứt khoản nợ mua ruộng.

Ông luôn tìm mọi cách để cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống bằng con đường lao động chân chính của mình. Với mô hình kết hợp vừa chăn nuôi, vừa tăng gia sản xuất từ 2 đến 3 vụ/ năm , và thực hiện chi tiêu tiết kiệm, ông đã dành dụm để mua thêm ruộng đất. Bình quân mỗi năm gia đình mua thêm từ 1 đến 2 công ruộng. Với bản chất kiên cường của người lính, nên ngay cả trong thời bình ông cũng là chiến sĩ. Nếu thời chiến ông tham gia chiến đấu để giải phóng dân tộc, thì thời bình ông lại tiếp tục chiến đấu chống giặc đói, giặc dốt, vượt qua nghèo khó để nuôi dạy con cái thành tài, góp phần xây dựng quê hương.

Từ đôi bàn tay trắng, trải qua nhiều nỗi thăng trầm, nhưng với nghị lực vượt khó, tinh thần cầu tiến, hăng say lao động, ông Nguyễn Văn Phong hiện là chủ sở hữu của 36 công ruộng. Nếu biết kêt hợp việc chăn nuôi  bò, với các nguồn huê lợi khác, thì cả năm thu nhập của gia đình ông có khi lên đến trên 200 triệu đồng.

Vượt qua cuộc sống nghèo khó, thiếu thốn, gia đình ông hiện đã có một cuộc sống sung túc, đầm ấm và hạnh phúc. Đời sống kinh tế được đánh giá là ổn định nhất trong số 203 hội viên cựu chiến binh tại xã Tân An Luông. Các con đều được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt. Đặc biệt hai người con trai lớn của ông đã trở thành giáo viên đang giảng dạy tại một trường học ở địa phương, góp phần xây dựng quê hương Vũng Liêm ngày càng thêm giàu đẹp. Với những thành tích đó, gia đình được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu của huyện Vũng Liêm.

Với sự phấn đấu đầy hiệu quả của mình, ông Nguyễn Văn Phong đã được người dân tín nhiệm bầu chọn làm ủy viên BCH hội cựu chiến binh cơ sở xã Tân An Luông, Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh ấp Đập Sậy, và là tổ trưởng tổ dân phòng. Phát huy vai trò của mình, Ông cũng thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn giữa các cựu chiến binh, để kịp thời động viên, giúp đỡ nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Bên cạnh đó ông còn là người đi đầu trong các cuộc vận động quyên góp từ thiện và tích cực tham gia các hoạt động của nhà nước, đạt thành tích xuất sắc trong phong trào cựu chiến binh đoàn kết giúp nhau vượt khó, làm kinh tế giỏi. Ngoài ra, ông còn được công nhận là nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi cấp tỉnh. 

Cùng với chính quyền địa phương chúng tôi tiếp tục đến thăm nhà ông Nguyễn Văn Hoành ở thị trấn Long Hồ, một anh thương binh tự thân lập nghiệp bằng nghề mua bán ve chai. Căn nhà khang trang và cuộc sống sung túc này là thành quả của hơn 30 năm lao động miệt mài.

Sớm giác ngộ cách mạng, 15 tuổi ông đã trở thành giao liên hoạt động bí mật tại cơ sở. Đất nước hoà bình, thống nhất, nhưng với niềm đam mê và ước mơ được cống hiến, ông lại tình nguyện lên đường tham gia cuộc chiến tranh giúp bạn Campuchia.

Những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội nơi chiến trường ác liệt khiến ông hai lần bị trúng đạn của kẻ thù. May mắn còn sống sót, nhưng tình trạng sức khỏe ngày càng suy giảm nghiêm trọng. Ông được đơn vị bố trí chuyển về công tác tại thị trấn Long Hồ, rồi chẳng bao lâu sau xuất ngũ. Rời chiến trường mang theo vết thương, cùng đôi bàn tay trắng. Cuộc sống gia đình khi ấy hết sức khó khăn, sau những lần đắn đo suy nghĩ, cuối cùng ông cùng vợ quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề mua bán ve chai. Cho đến tận bây giờ ông vẫn không thể nào quên được những ngày tháng cơ cực ấy.

Giai đoạn đầu, ông phải cùng vợ bỏ xứ bôn ba về Trà Ôn để buôn ve chai. Đã có lúc quá vất vả, tưởng chừng ông phải bỏ cuộc, nhưng với ý chí kiên cường của anh bộ đội cụ Hồ, cùng sự động viên và san sẻ của vợ, ông vẫn quyết tâm phấn đấu vượt khó thoát nghèo. Nhờ lòng kiên trì và nhạy bén trong việc mua bán, nên chẳng bao lâu sau ông đã dành dụm được chút ít vốn. Đó cũng là lúc ông quyết định quay về Long Hồ để mở vựa thu mua ve chai.

Hiện tại ông đã là chủ vựa ve chai lớn, mỗi ngày điều có ve chai vận chuyển cho thương lái ở thành phố Hồ Chí Minh.

Có những lúc cuộc sống không mấy vui vẻ, công việc làm ăn thua lỗ, nhưng nhờ ông đã quen rồi việc đối mặt với những khó khăn, thách thức, nên đã dìu dắt gia đình từng bước vượt qua sóng gió.

 Cống hiến hết mình khi đất nước cần, và khi hòa bình ông không chỉ chăm lo cho cuộc sống riêng của gia đình mình, mà vẫn sẳn sàng giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Ông tự nguyện cho người nghèo mượn vốn để buôn ve chai mặc dù khả năng hoàn trả vốn rất thấp. Thời gian qua cơ sở của ông đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người lao động với thu nhập bình quân từ 3- 4 triệu / tháng, góp phần không nhỏ vào việc ổn định cuộc sống của một bộ phận người nghèo tại địa phương.

Cuộc sống gia đình ông hiện rất ổn đinh và hạnh phúc,  con trai lớn đã lập gia đình, cô con gái út hiện đang học lớp 11 tại trường THPT Phạm Hùng, ông cũng vừa vui mừng chào đón đứa cháu nội đích tôn kháu khỉnh mới ra đời. 

Chiến tranh thì dũng cảm chiến đấu với cái chết. Đến khi hòa bình thì sẳng sàng đương đầu với nghèo khó để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đó chính là biểu hiện của nghị lực kiên cường, một phẩm chất tốt đẹp của người lính, của anh bộ đội Cụ Hồ.  

Trong năm qua, hội cựu chiến binh tỉnh Vĩnh Long phát động phong trào đoàn kết giúp nhau vượt khó thoát nghèo làm kinh tế giỏi bước đầu đã mang đến những kết quả khả quan. Đời sống của nhiều hội viên đã được cải thiện đáng kể, chất lượng cuộc sống được nâng cao. Đặc biệt với mô hình “Mái Ấm Đồng Đội” trao tặng nhà tình nghĩa giúp những hội viên hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có được chổ ở vững chắc, kiên cố để yên tâm tăng gia sản xuất.

Những người lính – những anh bộ đội Cụ Hồ không chỉ đoàn kết giúp đỡ nhau trên chiến trường mà giữa thời bình họ vẫn cùng nhau phấn đấu làm kinh tế giỏi,  để tiếp tục làm người có ích cho xã hội. 

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ, nhưng hình ảnh những người lính chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc vẫn sống mãi trong lòngtổquốcvà nhân dân.

Thời chiến, những người lính chiến đấu vì độc lập tự do đất nước. Thời bình họ cần cù lao động sản xuất vượt qua nghèo khó. Dù ở thời kỳ nào các anh vẫn luôn vững vàng tiến về phía trước. Những người lính chiến giữa thời bình vẫn luôn phát huy tốt lý tưởng cao đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ.

Ngọc Mến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *