Bên bờ hạnh phúc

Giữa mùa mưa, từ Hà Tiên, chúng tôi vượt biển ra đảo Phú Quốc, tìm đường đến khóm I – thị trấn Dương Đông để thăm anh Huỳnh Phước Huệ, một doanh nhân thành đạt, chủ nhân của Bảo tàng Cội nguồn. Ở đây, người ta gọi anh bằng nhiều tên khác nhau như Huệ bảo tàng, Huệ gỗ lũa, Huệ ngọc trai, vv… Đó là những cái tên ít nhiều gắn liền với ngành nghề hay các mặt hàng có liên quan đến công việc kinh doanh của anh.

Giữa câu chuyện với người xứ đảo này, anh hay nhắc : Dù có làm gì thì trước sau, tôi vẫn là con dân của Phú Quốc. Có lẽ chính tâm nguyện nầy đã khởi đầu cho việc anh làm Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Tây, nơi lưu giữ cội nguồn Phú Quốc đang trở nên nổi tiếng… 

"Dù có làm gì thì trước sau, tôi vẫn là con dân của Phú Quốc" – Có lẽ chính tâm nguyện này đã khởi đầu cho việc anh Huỳnh Phước Huệ làm Bảo tàng tư nhân đầu tiên ở miền Tây, nơi lưu giữ cội nguồn Phú Quốc đang trở nên nổi tiếng.

 

Anh Huỳnh Phước Huệ sinh năm 1973 tại thị trấn Dương Đông thuộc huyện đảo Phú Quốc – tỉnh Kiên Giang, trong một gia đình đã có ba đời sinh sống ở nơi đây. Năm 1992, 19 tuổi, anh rời Phú Quốc lên Sài Gòn học đại học, ngành quản trị kinh doanh. Sống giữa nơi phồn hoa đô hội, Huỳnh Phước Huệ vẫn không nguôi nỗi nhớ hòn đảo quê hương. Bốn năm ở Sài Gòn, nhớ đảo, anh ấp ủ ý tưởng tìm hiểu cho thấu đáo về xứ sở quê hương mình.

Anh vào các thư viện tìm hỏi mượn sách – báo – tài liệu về Phú Quốc. Cái nào xin được thì xin, không xin được thì anh mượn photocopy. Ngày ra trường, trong hành trang trở lại quê nhà của anh đã có khoảng 300 tài liệu quý hiếm viết về Phú Quốc bằng tiếng Việt – Anh – Pháp – Hán. Ngày nay, số tài liệu này vẫn được cất giữ cẩn thận trong một căn phòng của riêng anh , mà anh gọi là Phòng sách.

15 năm sau ngày Huỳnh Phước Huệ quay lại Phú Quốc và trở nên nổi tiếng với các bộ sưu tập của mình, mỗi khi cần tìm hiểu về Phú Quốc, từ trong đất liền, các nhà nghiên cứu lại vượt biển ra đảo tìm anh để nhờ cung cấp thông tin. Lần nào cũng vậy, Huỳnh Phước Huệ vui vẻ lên Phòng sách, lục lọi trong kho tàng của mình những tài liệu cần thiết và chia sẻ với mọi người. Từng biên soạn một cuốn sách có tên là “Tiềm năng Phú Quốc xưa và nay”, một loại sách cẩm nang dành cho hướng dẫn viên (HDV) du lịch, Huỳnh Phước Huệ hiểu rất rõ giá trị của thông tin cũng như điểm đến của những nguồn thông tin quý giá ấy.

Khi mới trở về Phú Quốc, Huỳnh Phước Huệ vào làm việc ở một số công ty du lịch như công ty Kim Hoa, công ty Hương Biển. Rất nhanh chóng, anh trở thành một HDV dạn dày. Công việc chính của anh là hướng dẫn khách du lịch tham quan quần đảo Phú Quốc. Những chuyến đi đi về về, hết lên rừng lại xuống biển như thế khiến cho tình yêu đối với những vẻ đẹp tuyệt vời của Phú Quốc vốn có trong anh càng thêm sâu sắc.

Anh bắt đầu mơ ước về một Phòng trưng bày các hiện vật có thể thể hiện và lưu giữ được những vẻ đẹp của vùng đất từng được vinh danh là Đảo Ngọc. Thoạt đầu, trong mắt anh , đó mới chỉ là vẻ đẹp của tự nhiên, như hình dáng kỳ lạ của các loại vỏ ốc ven biển, sắc màu đa dạng của các loại cát trên những hòn đảo hoang hay của đá ngoài ghềnh, gốc cây trong rừng, vv… Càng về sau, anh càng nhận ra rằng, một hiện vật sẽ có vẻ đẹp đích thực khi trong nó chứa đựng, bao hàm được cả những giá trị về lịch sử và văn hóa.

Không bao lâu sau, Huỳnh Phước Huệ trở thành một nhà sưu tập đúng nghĩa. Theo thời gian, các bộ sưu tập của anh dần trở nên phong phú, đa dạng và độc đáo. Mọi khía cạnh giá trị của hiện vật đều được anh tìm hiểu và nghiên cứu cặn kẽ.

Năm 2002, anh cho ra mắt Phòng trưng bày nghệ thuật mang tên Cội nguồn, tiền thân của bảo tàng Cội nguồn ngày nay. 7 năm sau đó, vào ngày 30/4/2009, bảo tàng Cội nguồn chính thức được thành lập.

Gỗ cây bời lời lang ben rất dẻo dai, người Phú Quốc dùng để đóng thùng nước mắm, có thể sử dụng bền tới hàng trăm năm.

 

 Trong số 5.000 hiện vật đang được trưng bày tại đây, có tới hơn 50% là cổ vật, trong đó, Hội đồng thẩm định cổ vật thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Kiên Giang đánh giá rằng có 1.120 cổ vật có giá trị cao, như các loại dụng cụ và rìu bằng đá, xương cá cúi – cá voi, nanh heo rừng, các loài sò – ốc và san hô. Đặc biệt nhất là rêu hóa thạch có tuổi hàng triệu năm.

Đây là bộ sưu tập các loại gỗ quý rừng Phú Quốc, bao gồm 57 hiện vật, trong đó có cây trai – một loại cây dường như chỉ có ở nơi đây – và cây sao đen. Hai loại cây này có gỗ rất cứng, người xưa dùng đóng tàu đi biển.

Gỗ cây bời lời lang ben rất dẻo dai, người Phú Quốc dùng để đóng thùng nước mắm, có thể sử dụng bền tới hàng trăm năm.

Cây trâm kiền kiền là loại cây có vỏ rất đặc biệt, dùng làm vách nhà có thể chịu đựng được qua mấy chục mùa mưa nắng, vân vân…

Từng có người cắc cớ hỏi Huỳnh Phước Huệ: Để có hiện vật trưng bày như thế này, anh chắc đã đốn mất 57 cây gỗ quý trên rừng? Anh Huệ chỉ cười hiền lành, giải thích: Khi xây dựng sân bay Phú Quốc, người ta đã phải đốn hạ nhiều cánh rừng. Đây chính là những gốc cây người ta vứt bỏ, anh lượm về và chế tác thành hiện vật…

Một trong số những bộ sưu tập quý giá và được anh Huệ ưa thích nhất là bộ dụng cụ và rìu đá với hơn 100 hiện vật. Anh Huệ kể lại: Đây là những chiếc rìu và vật dụng bằng đá có tuổi ước tính khoảng 2.500 năm, được những người nông dân sinh sống trong lưu vực sông Cửa Cạn tìm thấy trong quá trình khai phá đất rừng làm rẫy trồng tiêu. Mỗi hiện vật bé nhỏ và xinh xinh như thế này, đều được anh Huệ mua lại với một niềm vui lớn, như anh nói là niềm vui của con dân Phú Quốc…

Mỗi hiện vật bé nhỏ và xinh xinh như thế này, đều được anh Huệ mua lại với một niềm vui lớn, như anh nói là niềm vui của con dân Phú Quốc…

 

Lý giải nguyên nhân yêu thích đối với bộ sưu tập này, anh Huệ nói: Bởi đó là minh chứng cho biết hơn 2.500 năm trước, trên hòn đảo xa xôi và cách trở với đất liền như Phú Quốc đã có dấu chân của con người tìm đến sinh sống. Đó sẽ là một dữ liệu quý cho các công trình nghiên cứu khoa học về sau này.

Huỳnh Phước Huệ đưa chúng tôi đi tham quan công trình lớn của đời anh. Tại tầng ba, chúng tôi đã dừng lại trước gian trưng bày các hiện vật gốm sứ được ngư dân đảo Phú Quốc vớt lên từ một con tàu đắm ở ngoài khơi.

Bước đầu, người ta đã xác định được rằng đây là gốm Thái có niên đại vào khoảng thời gian từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII.

Chủ nhân của bảo tàng này đã trở thành một thuyết trình viên thực sự xuất sắc. Anh am hiểu kỹ lưỡng nguồn gốc, tính chất và giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của các hiện vật. Huỳnh Phước Huệ có một câu nói cửa miệng: Mỗi hiện vật đều có lịch sử, mỗi hiện vật đều có câu chuyện của nó.

Hiện vật gốm sứ được ngư dân đảo Phú Quốc vớt lên từ một con tàu đắm ở ngoài khơi

 

Xem những hiện vật gốm Thái thế kỷ XV này, thấy gốm còn rất thô, họa tiết trang trí là những đường hoa văn đơn giản, hoặc hình bông hoa, hình chim hình cá đơn sơ, người ta có thể hình dung được phần nào trình độ sống của cư dân vùng Đông Nam Á 500 năm trước.

Với mô hình nhà bếp của người dân đảo Phú Quốc xưa, toàn bộ công trình này, từ cột – kèo cho đến vách – mái đều được dựng bằng những vật liệu tự nhiên tìm thấy trên đảo Phú Quốc.

Vách nhà Phú Quốc xưa được làm bằng vỏ cây trâm kiền kiền. Loại vỏ này có đặc tính gặp nóng thì co lại mà gặp lạnh thì nở ra. Chính vì vậy, vào mùa nắng, vỏ cây kiền kiền co lại, tạo ra các lỗ hổng trên bức vách, giúp gió lùa vào làm mát không gian trong nhà. Đến mùa mưa, khi nước mưa thấm vào vỏ cây, vỏ cây sẽ tự động giãn nở, bít lại các lỗ hổng, giúp ngăn chặn gió lạnh và mưa tạt, giữ ấm cho căn nhà. Ở Cội nguồn, chúng tôi nhận ra rằng, con người xứ đảo đã mang tự nhiên vào cuộc sống một cách thật hài hòa.

Lắng nghe những câu chuyện của Huỳnh Phước Huệ, chúng tôi cảm nhận được điều anh đã nói: Mỗi hiện vật đều chứa đựng bên trong nó một câu chuyện, và người sưu tầm hiện vật như anh chính là người lưu giữ những câu chuyện vượt thời gian.

144 năm về trước, tức là vào năm 1878, cuộc khởi nghĩa của người anh hùng Nguyễn Trung Trực bị thất bại. Phú Quốc là điểm dừng chân cuối cùng của ông. Trong một trận quân Pháp truy đuổi, ghe lương của Nguyễn Trung Trực đã bị đánh chìm tại khu vực Ba Trại – Cửa Cạn. Sau ngày ông mất, người dân Phú Quốc lập miếu thờ ông. Không đủ lực để trục vớt chiếc thuyền, gia đình ông bà họ Lâm ở Cửa Cạn đã lặn xuống đáy biển, gỡ mấy mảnh gỗ nhỏ đem về thờ trong miếu.

Mất nhiều lần thuyết phục, Huỳnh Phước Huệ mới được ông bà Lâm đồng ý cho thỉnh lại những tấm ván này. Không chỉ là chứng tích lịch sử , chứa đựng bên trong chúng còn là những câu chuyện kể về tình yêu thiêng liêng của người dân đối với Tổ quốc, với quê hương . Đứng trước những kỷ vật vô giá này, cảm xúc về hai chữ con dân trong chúng tôi là điều có thật. Phú Quốc đã thật vinh dự vì có những con dân như vậy.

Sau khi xây dựng thành công Bảo tàng Cội nguồn, cùng với vợ là chị Phương Đài, anh Huỳnh Phước Huệ phát triển cơ sở của mình thành một hệ thống kinh doanh liên hoàn, bao gồm việc bán vé cho du khách vào tham quan Bảo tàng, bán đồ lưu niệm và trang sức bằng ngọc trai, cung cấp dịch vụ nhà nghỉ và các dịch vụ đi kèm, vân vân… Trong năm qua, chỉ tính riêng việc có 71.000 lượt khách đến tham quan Bảo tàng cũng đã mang lại cho anh chị một nguồn thu không nhỏ.

Trong một lần đến thăm Phú Quốc, dừng chân tại Cội nguồn, Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã nhận xét: Đây là một mô hình tuyệt vời. Các hoạt động trong Cội nguồn góp phần nuôi và thúc đẩy lẫn nhau.

Từ ngày Huỳnh Phước Huệ rời trường đại học và quay trở lại quê nhà, đến nay tính ra mới mười lăm năm. Trong việc dựng nghiệp của đời người, mười lăm năm là khoảng thời gian không ngắn cũng không dài, nhưngvới những gì Huỳnh Phước Huệ đạt được thì phải thừa nhận rằng đó là thành công. Trên bước đường lập nghiệp, Huỳnh Phước Huệ có thể đã gặp được nhiều thuận lợi và may mắn, nhưng có một điều chắc chắn, cốt lõi của thành công ấy phải là niềm đam mê và tình yêu mà anh đã dành cho việc lưu giữ các hiện vật hướng về cội nguồn Phú Quốc.

Lắng nghe những câu chuyện của Huỳnh Phước Huệ, chúng tôi cảm nhận được điều anh đã nói: Mỗi hiện vật đều chứa đựng bên trong nó một câu chuyện, và người sưu tầm hiện vật như anh chính là người lưu giữ những câu chuyện vượt thời gian.

 

Từ khi Bảo tàng Cội nguồn hãy còn là một phòng trưng bày nhỏ, Huỳnh Phước Huệ đã được lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chú ý và hết lòng ủng hộ, khuyến khích. Giáo sư Vũ Khiêu và nhà sử học Dương Trung Quốc từng đến thăm phòng trưng bày này và đánh giá rất cao giá trị của các loại cổ vật mà Huỳnh Phước Huệ sưu tầm được cũng như ý tưởng thành lập bảo tàng tư nhân của anh. Giáo sư Vũ Khiêu còn viết tặng anh hai câu thơ:

Chắt lọc tinh hoa kim cổ lại
Nêu cao nguồn cội nước non này.

Đối chiếu các số liệu thống kê, người ta biết rằng, có đến 90% lượng du khách đến Phú Quốc đã ghé thăm Bảo tàng Cội nguồn, trong số đó có khá nhiều chính khách, nhà khoa học và văn nghệ sĩ. Hầu hết đều bày tỏ sự cảm động và ngạc nhiên trước công trình này. Trong Sổ vàng lưu niệm của Bảo tàng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã viết: Tôi hết sức ngạc nhiên và vui mừng vì trên đảo này có một bảo tàng tư nhân mang tên Cội nguồn. Sau khi tham quan, tôi nghĩ rằng, người Việt Nam ta giỏi giang thật. Những ý tưởng qua từng gian trưng bày giúp tôi hiểu hơn về Phú Quốc. Nhà văn Lê Ngọc Minh cũng không tiếc lời để ngợi khen: Thật đáng khâm phục. Đây là công trình di sản nghệ thuật thứ hai mà tôi thấy do sự đam mê và tài năng của một nhà sưu tầm tư nhân có thể làm được. Đó là Phủ Thành Chương ở Hà Nội và Bảo tàng Cội nguồn ở Phú Quốc…

Một đời theo đuổi hoài bão, khát vọng và lao động hết mình để đạt tới thành công, Huỳnh Phước Huệ là tấm gương tiêu biểu về một tuổi trẻ dám nghĩ dám làm. Có một câu châm ngôn đã nói: Ngày nào bạn tìm được công việc mình yêu thích, ngày đó bạn không còn phải lao động để mưu sinh. Chúng tôi nghĩ, Huỳnh Phước Huệ thực sự là người hạnh phúc bởi anh đã tìm được cho mình một con đường đi như thế.

Với Đảo Ngọc Phú Quốc, anh là một con dân xứng đáng của quê hương.

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *