Bên bờ hạnh phúc

 Tính đến hết năm 2010, nước ta có khoảng 540.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa ( DNNVV ) chiếm khoảng 97%. Đây là khu vực kinh tế đóng vai trò quan trọng trong tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, đóng góp vào ngân sách, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế suy thoái, DNNVV cả nước nói chung , Vĩnh Long nói riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV là vấn đề cấp thiết hiện nay.

 

 

Từng là một trong những doanh nghiệp sản xuất nước mắm nổi tiếng tại huyện Bình Minh với truyền thống nghề cha truyền con nối trên 30 năm, nhưng đến nay doanh nghiệp này lại phải nỗ lực đa dạng hóa ngành nghề sang làm chao, nước tương và sirô …, bởi  từ năm 2008 đến nay , kinh tế có nhiều khó khăn, muốn tồn tại thì buộc doanh nghiệp phải tự tìm ra phương cách để cứu mình. Ngoài cái khó do sụt giảm thị trường đến 40% thì theo doanh nghiệp, với mức lãi suất ngân hàng từ 15% đến 18% như hiện tại thì dù hàng có bán ra liên tục nhưng thu lại lợi nhuận rất thấp, thậm chí là huề vốn. Vì vậy, việc sản xuất chủ yếu vì muốn duy trì nghề và tạo công ăn việc làm cho công nhân. 

Khó khăn của doanh nghiệp Vĩnh Phát cũng chính là khó khăn chung của giới doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay. Những khó khăn của thị trường đang tạo ra một đợt sàng lọc gay gắt đối với giới doanh nghiệp. Chỉ riêng quý 1 năm nay, cả nước đã có 22.000 DNNVV giải thể, 9700 DNNVV ngưng hoạt động. Riêng tại Vĩnh Long, trong số gần 3200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, hiện chỉ còn khoảng 1800 doanh nghiệp còn hoạt động. Trong 9 tháng đầu năm nay, trong tỉnh  đã có 52 doanh nghiệp giải thể, 35 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh. Còn số doanh nghiệp đăng ký mới tuy có tăng so năm 2011 nhưng số vốn đầu tư lại giảm đến hơn 56 tỷ đồng. 

Thực tế hàng năm, khu vực DNNVV tạo ra khoảng 60% GDP, thu hút hơn 90% việc làm cho ngươì lao động. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái ,DNNVV hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn nội tại vốn đã tồn tại nhiều năm trước đó: đó là vấn đề quy mô nguồn vốn, khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ sản xuất, quản lý lạc hậu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc …, làm giảm đáng kể sức cạnh tranh trên thị trường. 

Đối với các DNNVV, vấn đề nguồn vốn là yếu tố mang tính chất quyết định để thúc đẩy doanh nghiệp tạo nên bước chuyển mình trong giai đoạn lội ngược dòng trong thời điểm khó khăn hiện nay. Với nhiều động thái hạ trần lãi suất cho vay trong thời gian vừa qua đã phần nào hạ nhiệt sự đói vốn của các doanh nghiệp. Như đối với doanh nghiệp nhựa Hồng Hải Đăng, hiện tại đầu ra đang ổn định, tiềm năng phát triển thị trường là rất lớn nhưng lại gặp cái khó là tất cả nguyên liệu đầu vào từ nhựa  cho đến điện , xăng dầu…. đều tăng cao, trong khi giá bán buộc phải giữ ổn định để đảm bảo tính cạnh tranh. . Thêm vào đó, mức lãi suất cho vay dù có giảm nhưng vẫn còn khá cao so với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nên chủ doanh nghiệp ngán ngại tiếp cận để đầu tư mới.

 

 

Trên thực tế, lực lượng DNNVV là lực lượng đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế nhằm giải quyết việc làm và nâng cao mức sống cho người lao động. Chỉ tính riêng tại Vĩnh Long , lực lượng này đã giải quyết việc làm cho trên 30.000 lao động. Vì vậy, để vực dậy hoạt động cho khối doanh nghiệp này, xem ra, không chỉ còn nằm trong phạm vi nỗ lực tự thân của từng doanh nghiệp. 

Tại Vĩnh Long, tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo các ngân hàng thương mại chủ động phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện các giải pháp xử lý, thu hồi nợ xấu. Tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng nhà nước về việc kéo giảm lãi suất cho vay và ưu tiên hỗ trợ vốn vay cho DNNVV, đến nay toàn tỉnh chỉ còn 15,3% dư nợ tại các ngân hàng thương mại có mức lãi suất trên 15%. Còn mức lãi suất cho vay tối đa 11% dành cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm và cá tra cũng đ cĩ dư nợ tăng lên . 

Hệ thống ngân hàng thương mại cũng đã cơ cấu lại nợ cho 1779 khách hàng với tổng dư nợ là hơn 3.900 tỷ đồng, trong đó có 1770 khách hàng được giữ nguyên nhóm nợ với tổng dư nợ là 3.891 tỷ đồng. Cho đến cuối tháng 9, dư nợ cho vay DNNVV là hơn 4100 tỷ đồng . Tuy nhiên con số này chủ yếu  là dư nợ ngắn hạn, còn trung dài hạn đã giảm hơn 400 tỷ đồng so năm 2011 mà nguyên nhân chính là do tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn nên doanh nghiệp còn ngán ngại đầu tư mới. 

Tiếp sức cùng doanh nghiệp vượt khó, Chính Phủ cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm miễn, giảm và giãn thuế cho các DNNVV. Cục thuế tỉnh Vĩnh Long sẽ gia hạn thuế giá trị gia tăng từ các doanh nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp  có thêm nguồn vốn sản xuất kinh doanh. 

Đặc điểm chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNVV là kế thừa và phát triển từ  kinh tê hộ gia đình. Đây cũng chính là yếu tố khiến cho các DNNVV khó ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình suy thoái như hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải có định hướng, tạo cơ hội để các DNNVV nâng cao năng lực quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, đổi mới công nghệ sản xuất. 

Theo kế hoạch phát triển DNNVV giai đoạn 2011 – 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định mục tiêu đưa số DNNVV thành lập mới trong giai đoạn này dự kiến đạt 350.000 doanh nghiệp, và đến thời điểm 31/12/2015, cả nước dự kiến sẽ có 600.000 doanh nghiệp hoạt động. Phấn đấu tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của khu vực DNNVV chiếm 25 % tổng kim ngạch xuất khẩu toàn quốc, đầu tư của khu vực  doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 35 % tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Khu vực này sẽ đóng góp khoảng 40% GDP, 30% tổng thu ngân sách Nhà nước, tạo thêm khoảng 3,5 đến 4 triệu chỗ làm việc mới. Đây sẽ là những cơ sở hết sức cần thiết trong nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV trong thời điểm khó khăn hiện nay. 

Thực tế này cho thấy, đây là thành phần kinh tế đang được tập trung đầu tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Nâng cao năng lực quản lý, khơi thông nguồn vốn đầu tư, tạo mối liên kết tốt giữ cộng đồng DNNVV, đẩy mạnh xúc tiến thương mại…, sẽ là những vấn đề mấu chốt được tập trung giải quyết nhằm tạo thêm thế và lực mới để thành phần kinh tế này phát triển bền vững.

Kim Phụng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *