Bên bờ hạnh phúc

Xã Mỹ Thuận nằm ở phía bờ Bắc sông Hậu, trước thuộc huyện Bình Minh, nay thuộc huyện Bình Tân tỉnh Vĩnh Long. Ba mươi tám năm sau ngày hòa bình, miền quê từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, giờ đã  nhiều thay đổi.

 Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, nơi đây từng là căn cứ của nhiều cơ quan, đơn vị của Tỉnh và địa phương. Qua chiến tranh, hàng ngàn người con của Mỹ Thuận đã ngã xuống cho cuộc sống thanh bình no ấm hôm nay. Những cái tên được tạc vào bia đá , như một bằng chứng sinh động về tinh thần quyết tử vì Tổ quốc quyết sinh. Phía sau sự hy sinh của các anh, các chị ,là những bà mẹ phải khóc thầm lặng lẽ vì tiễn con đi mãi không về. 

Xã Mỹ Thuận có 14 mẹ được phong tặng danh hiệu cao quí: Mẹ VNAH. Hiện tại 12 mẹ đã qua đời. Một trong hai mẹ còn sống là mẹ Nguyễn Thị Hoa. Cuộc đời mẹ đã góp phần tô điểm cho huyền thoại MẸ VNAH thêm lung linh ngời sáng. 

Mẹ Nguyễn Thị Hoa hiện đang sinh sống cùng người con trai út là anh Hoa Văn Tươi, ở ấp Kinh mới. Đời mẹ đã trải qua 87 mùa xuân, vui thì ít mà nhiều đau khổ nhọc nhằn .

Mẹ Hoa sinh ra trong một gia đình bần nông. Gia đình mẹ nghèo, vì không nuôi nổi con nên phải nhờ sự đùm bọc san sẻ của người cô. Lớn lên, mẹ lấy chồng là ông Hoa Văn Chơi, người cùng làng. Chồng mẹ cũng nghèo khó chẳng khác gì đời mẹ. Vợ chồng mẹ tần tảo nhọc nhằn để lo cho 5 người con lần lượt chào đời. Chẳng may, năm mẹ 40 tuổi, chồng mẹ bị bệnh qua đời, khi con đang tuổi ăn tuổi lớn. Lúc đó, đứa lớn cũng mới 14-15, còn anh út ngày xưa cũng chỉ vừa thôi bú. Từ đó , mẹ lặn lội thân cò vất vả ngày đêm nuôi lớn đàn con thơ dại. 

Những lúc con cháu đông vui, mẹ tạm quên đi nỗi đau mất mát, khi ở một mình lại không nguôi thương nhớ các con. Nỗi buồn vẫn hiện rõ trên gương mặt đã hằn sâu dấu ấn thời gian.

Làm thân góa bụa nuôi con, đời mẹ đã lắm nhọc nhằn. Miền Nam kháng chiến , vừa thay chồng gánh vác kinh tế gia đình, chăm sóc dạy dỗ con cái, mẹ vừa đảm đương nhiệm vụ hậu phương. Con khôn lớn trưởng thành, Tổ Quốc gọi, mẹ lau nước mắt tiễn các con ra trận.

Các con ra đi xa vòng tay mẹ, bao thương nhớ lo âu cứ nặng trĩu trong lòng. Mẹ tự trách mình sao không cận kề sớm hôm chăm sóc. Trước làn tên mũi đạn, ai che chở cho con. 

Rồi tin dữ cứ lần lượt báo về. Hết đứa nầy rồi đứa khác cứ bỏ mẹ mà đi. Ba trong số 4 người con trai của mẹ đã vĩnh viễn gởi lại tuổi thanh xuân trong lòng đất quê nhà. Năm 1972, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, mẹ hai lần nhận tin báo tử. Nỗi đau chồng chất nỗi đau. Các con của mẹ hy sinh khi tuổi đời mới 18, đôi mươi. Có đứa chưa tròn 16 .

Chuyện mẹ ra tận đồn địch xin xác con về …, như một vết thương lòng không bao giờ liền sẹo.

Giờ đây, nỗi đau của mẹ  chỉ vơi bớt phần nào bên đàn cháu chắc. Thỉnh thoảng, mẹ vẫn kể chuyện buồn vui về các con của mình cho các cháu nghe. Dù cho năm tháng đi qua, ký ức về các con chưa bao giờ phai nhạt trong lòng mẹ. 

Các cháu lớn lên, rồi sẽ hiểu vì sao trước đây biết bao chiến sĩ sẵn sàng hiến dâng cuộc đời vì sự tồn vong của dân tộc, hiểu được nỗi đau của người mẹ mất con, hiểu được vì sao đã ngần ấy thời gian trôi qua mà nước mắt của bà  vẫn không ngừng tuôn chảy khi nhớ về những núm ruột của mình.

Người con lớn của mẹ là anh Hoa Văn Loa, sinh năm 1951. Anh thứ ba là Hoa Văn Lắng, sinh năm 1954. Riêng anh Hoa Văn Dũng- người con thứ tư trong gia đình, sinh năm 1956 thì chẳng kịp để lại gì cho mẹ trước lúc hy sinh. 

Nước mắt khóc con , cùng di chứng đòn roi của địch, giờ đây một mắt mẹ đã mù. Năm anh Dũng khoảng 14, 15, tuổi, hai mẹ con cùng bị địch bắt bỏ tù vì biết gia đình mẹ có con theo cách mạng. Chúng dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, rồi tra tấn đánh đập vẫn không làm  hai mẹ con lung lay ý chí.

Sau khi ra tù, anh Dũng đã quyết chí theo cách mạng. Trong một trận đánh đồn, anh đã anh dũng hy sinh. Năm ấy anh mới tròn 16 tuổi. 

Mẹ Hoa, cũng như những bà mẹ Việt Nam anh hùng, tưởng chừng yếu đuối mong manh, nhưng trong lòng nghị lực phi thường.  Nuốt nước mắt tiễn con đi, mấy lần khóc thầm lặng lẽ , vừa chịu đựng đòn roi của địch, vừa phải tỉnh táo trước âm mưu thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù; mẹ vẫn một lòng thủy chung son sắt với cách mạng. Không chỉ hiến dâng cho Tổ Quốc những đứa con, mẹ còn nuôi dấu chở che đoàn quân cách mạng.

Sau ngày hòa bình, để tìm quên nỗi buồn mất con, mẹ lấy lao động làm niềm vui. Mẹ dạy con phải biết vươn lên từ trong nghèo khó. Vốn xuất thân từ cảnh đói khổ bần hàn, và hơn nửa cuộc đời đi qua chiến tranh, mẹ hiểu giá trị của cuộc sống bình yên, no ấm. Đồng ruộng nhà mẹ lại xanh tốt mượt mà. Mẹ không ngồi chờ hưởng các chế độ chính sách, mà tự mình chèo chống vươn lên, như chính năm xưa mẹ đã thay chồng gánh vác gia đình, chăm lo cho con cái.     

Quê hương Mỹ Thuận hôm nay đang thay da đổi thịt từng ngày. Đã qua rồi cảnh đói cơm thiếu áo. Sự hy sinh của hàng trăm anh hùng liệt sĩ trên mãnh đất nầy đã không trở thành vô nghĩa. Sức sống mới đã về trên khắp làng quê thôn xóm. Lúa khoai mượt đồng hứa hẹn những vụ mùa bội thu. Tưởng là là bình thường thôi, nhưng đã có biết bao xương máu đã thắm đỏ trên mảnh đất nầy, cho màu xanh tươi thắm hôm nay.

Cuộc đời mẹ ,hy sinh vất vả, cho thế hệ cháu con trọn hưởng niềm vui yên ấm. Mỗi mùa xuân đi qua, các cháu ngày càng khôn lớn, còn mẹ lại ngày một héo gầy. Đôi mắt ngày càng mờ vì nước mắt , nhưng mẹ là người không để nỗi đau gặm nhắm dần mòn. Mẹ vượt lên nghịch cảnh, nuôi dạy cháu con và sống có ích cho xã hội.

Giờ đây, với con cháu,mẹ là tấm gương sáng ngời về lòng chung thủy, giàu đức hy sinh, chịu thương chịu khó, những đức tính cao quí của người phụ nữ Việt Nam. Mẹ là mẹ anh hùng.         

Các con của mẹ đã không còn, nhưng mẹ luôn được bù đắp bởi sự ngưỡng mộ, sự trân trọng sự chăm sóc của rất nhiều những đứa con khác dành cho mẹ. Ngoài đơn vị phụng dưỡng là Trung tâm viễn thông huyện Bình Minh, Mẹ luôn cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm chăm sóc của lớp con cháu là cán bộ ở địa phương, là những đồng đội năm xưa của các con của mẹ.

Đối với họ, mẹ là niềm tự hào của cháu con. Được phụng dưỡng, chăm sóc mẹ không chỉ là trách nhiệm m

à là tấm lòng của những đứa con, là sự ngưỡng mộ, sự tri ân của thế hệ con cháu dành cho lớp người đã góp phần làm nên sự hồi sinh của dân tộc.

 Hiện tại hài cốt các con mẹ đã được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ huyện. Đó là niềm an ủi lớn của mẹ, khi mẹ biết rằng còn rất nhiều  linh hồn liệt sĩ vẫn còn phiêu lãng đâu đó trên quê hương. Còn có những bà mẹ cả cuộc đời vẫn mòn mỏi tìm kiếm hài cốt con mình trong vô vọng. 

Hiện tại mẹ còn hai người con. Người con gái lấy chồng xa, còn anh Út sống chung với mẹ. Anh mới 50 nhưng cháu nội cũng đã 12, 13 tuổi. Mẹ còn mình anh là con trai nên sớm lo chuyện cưới vợ sinh con, để tuổi già mẹ đỡ phần cô quạnh. Cuộc đời của mẹ cũng được bù đắp phần nào.

Mùa xuân sắp về , mừng mẹ thêm tuổi mới..

Xin cảm ơn các mẹ, những người mẹ Việt Nam anh hùng. Cuộc đời của các mẹ là những câu chuyện bi tráng mà thế hệ hôm nay phải luôn trân trọng , tự hào.

Tuyết Mai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *