Bên bờ hạnh phúc

 Trong nửa đầu tháng 9, một số ngân hàng thương mại cổ phần bắt đầu vào đợt tăng lãi suất huy động kỳ hạn trên 12 tháng. Còn đến nay, hầu hết các ngân hàng đều đã  điều chỉnh lãi suất huy động kỳ hạn dài theo hướng tăng lên hoặc đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm thu hút tiền gửi. Trong xu hướng lãi suất cho vay đang giảm dần thì việc tăng ngược lãi suất đầu vào được xem là một diễn biến lạ trên thị trường tín dụng hiện nay.

 

Ngay sau khi xảy ra sự cố nhân sự cấp cao của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu bị khởi tố, chính ngân hàng này mở đầu cho việc tăng lãi suất. Theo đó, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng được hưởng lãi suất 13%/ năm áp dụng từ ngày 11/ 9. Còn kỳ hạn 12 tháng là 12,5%/ năm. Nhờ vậy, lượng tiền gửi vào ngân hàng này có sự tăng trưởng đáng kể. Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu, chi nhánh Vĩnh Long, số tiền huy động đến cuối tháng 9 đã tăng hơn 18% so với đầu năm, bao gồm cả VND, ngoại tệ và vàng. Việc một ngân hàng thương mại cổ phần có qui mô vốn lớn như ACB nâng biểu lãi suất huy động VND cùng chương trình khuyến mãi đã kéo theo nhiều ngân hàng thương mại khác vào cuộc.

Ngay tiếp sau Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng có sự điều chỉnh tăng lãi suất đầu vào cho các kỳ hạn dài. Tại Ngân hàng thương mại cổ phần kỹ thương VN, tức Techcombank, từ ngày 27/ 9 , ngân hàng này cũng nâng kỳ hạn 12 tháng lên 12,5%. Tuy nhiên, các kỳ hạn dài hơn như: 13 tháng, 15 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng lãi suất chỉ còn 11%/ năm. Riêng chương trình rút thăm trúng thưởng kéo dài thêm giai đoạn 2 đến ngày 15/ 10. Các hình thức khuyến mãi này áp dụng cho cả khách hàng gửi tiền VND và ngoại tệ đã có tác động trực tiếp đến các khách hàng.

Để giữ chân khách hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước cũng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất hoặc có những chính sách khuyến mãi. Tuy nhiên, lãi suất huy động vốn đầu vào nhóm ngân hàng thương mại nhà nước cao nhất cũng chỉ 11,5%/ năm. Như tại NH đầu tư và phát triển, tuy lãi suất cao nhất cho kỳ hạn 12 tháng chỉ 11,4%/ năm. Bù lại, từ ngày 17/ 9, ngân hàng này mở đợt khuyến mại huy động tiền gửi kéo dài 2 tháng, bao gồm 688 ngàn giải với tổng giá trị hơn 32 tỷ đồng. Ngoài chương trình chung cho cả hệ thống, từng chi nhánh còn có chương trình riêng bốc thăm trúng thưởng xe máy hoặc thẻ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng. Chỉ trong 2 tuần đầu tiên, chi nhánh Ngân hàng đầu tư và phát triển Vĩnh Long đã tăng trưởng huy động hơn 65 tỷ đồng từ khu vực khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, sau vài ba tuần đẩy lãi suất kỳ hạn dài lên cao, có ngân hàng bắt đầu kéo giảm lãi suất huy động xuống. Như tại chi nhánh NH nông nghiệp và PTNT Vĩnh Long từ 20/ 9 lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tăng lên 12%. Đến ngày 04/ 10 giảm còn 11,5%/ năm. Tăng lãi suất thời gian qua như là xu hướng tất yếu nhằm duy trì lượng tiền gửi ổn định tại ngân hàng nầy, trong thời điểm các ngân hàng thương mại khác tăng lãi suất, chứ không phải do vấn đề thanh khoản. Ngược lại, chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Vĩnh Long có tỷ lệ tăng trưởng tiền gửi lên đến 20% , trong khi tăng trưởng dư nợ cho vay chỉ tăng 5%, lần đầu tiên tổng vốn huy động tại hệ thống chi nhánh ngân hàng này cao hơn dư nợ. Điều này cho thấy tình trạng thừa vốn tại ngân hàng cho dù trong những tháng qua mức lãi suất cho vay ngắn hạn liên tục được kéo giảm. Lãi suất cho vay một số ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu giảm xuống còn từ 10 – 11%. Nhiều khách hàng thuộc lĩnh vực ưu đãi lãi suất như: nuôi cá tra, chăn nuôi gia cầm đã bắt đầu vay vốn giá thấp để sản xuất.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại chỉ được huy động các kỳ hạn dưới 12 tháng với lãi suất cao nhất là 9%/ năm. Các kỳ hạn dài hơn, từ 12 tháng trở lên, không bị áp trần, thay vào đó là ngân hàng và khách hàng được thỏa thuận lãi suất. Do vậy, trong cuộc đua lãi suất cao chỉ tập trung ở hai kỳ hạn là 12 và 13 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ. Còn các kỳ hạn dài hơn, các NH vẫn niêm yết ở dưới 12%/năm. Đây được xem là hiện tượng lạ của thị trường tín dụng. Bởi lẽ trong nhiều năm qua, từ năm 2005 – 2011, tăng trưởng tín dụng liên tục bùng nổ và vượt xa tốc độ tăng trưởng huy động. Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tình trạng tín dụng tiếp tục tăng như những năm qua sẽ làm cho hệ thống ngân hàng bị dồn đẩy vào rủi ro, làm mất cân đối vốn và kỳ hạn. Do vậy, với tỷ lệ vốn huy động tăng cao hơn cho vay như 9 tháng đầu năm 2012, thật sự là điều cần thiết cho các ngân hàng cân đối thanh khoản ở mức an toàn.

Báo cáo của Ngân hàng nhà nước tại phiên họp thường kỳ chính phủ trong tháng 9 cho biết số dư tiền gửi tại các ngân hàng thương mại trong cả nước tới cuối tháng 9 tăng hơn 11% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ đạt trên 2%. Còn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đến cuối tháng 9 tăng trưởng huy động lên đến gần 14% trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ hơn 4%. Đáng chú ý là huy động từ dân cư tăng gần 22% và tổ chức kinh tế tăng chỉ hơn 7%. Tuy nhiên, sau khi liên tiếp những vụ việc tiêu cực tại một số ngân hàng, không ít người gửi tiền đã chuyển từ tiết kiệm VND sang đầu tư vào những lĩnh vực khác như vàng. Đó là một trong nhiều lý do khiến giá vàng trong những ngày đầu tháng 10 vượt qua mức 48 triệu đồng mỗi lượng, cao nhất từ trước đến nay và chênh lệch 3 triệu đồng/ lượng so với giá vàng thế giới.

 

Trong khi đó, các dự án bất động sản tại các thành phố lớn sau thời gian đóng băng đã bắt đầu giảm giá để cắt lỗ. Giá nhà đất xuống thấp hơn trước cũng khiến cho nhiều người có nhu cầu thật sự về nhà ở rút tiền tiết kiệm sang mua nhà đất. Riêng tại Vĩnh Long, dù không phải là tỉnh có nhiều dự án bất động sản nhưng thời gian qua không ít dự án bị đình trệ, không giao dịch được khiến cho một lượng tiền lớn vay từ ngân hàng trở thành nợ quá hạn. Và khi nợ quá hạn cao thì ngân hàng phải trích lập quỹ dự phòng rủi ro cao nên thiếu thanh khoản và phải tăng huy động. Một bộ phận dân cư có nhu cầu nhà ở thật sự cũng đã rút tiết kiệm sang mua nhà.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao và là tháng thứ 2 tăng liên tiếp cho thấy thị trường còn nhiều bất ổn. Nhiều người lo ngại liệu lạm phát có quay trở lại. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, từ nay đến cuối năm còn đối diện với nhiều thách thức khi mà sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường chậm, số lượng hàng tồn kho tăng cao, nợ xấu nhiều, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp suy yếu. Điều này càng khiến các NH thương mại không dám đẩy mạnh cho vay, đặc biệt là trung và dài hạn. Phần lớn tín dụng tăng trưởng trong 9 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn tăng trưởng ì ạch.

Khi nguồn vốn huy động của NH nhiều hơn cho vay cũng có nghĩa là người dân và doanh nghiệp chưa thấy nhiều cơ hội từ kinh doanh. Thực tế cho thấy trong thời gian qua, ngoài tác động từ sự suy giảm của thị trường, giữa doanh nghiệp và ngân hàng mất lòng tin lẫn nhau. Đó là do chính sách lãi suất thay đổi liên tục, bao gồm cả các dự án đầu tư trung và dài hạn khiến cho các dự định kinh doanh của doanh nghiệp bị xáo trộn.

Khi dòng vốn chưa được uốn nắn chảy vào sản xuất kinh doanh thì chắc chắn số tiền mà các ngân hàng huy động được lại tìm đến các kênh đầu tư khác để sinh lời. Như vậy doanh nghiệp khó khăn vẫn hoàn khó khăn, nền kinh tế khó tăng trưởng, mà hệ thống lại các rủi ro nhiều hơn với những khoản đầu tư tài chính này. Việc Ngân hàng nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được tự thỏa thuận với khách hàng lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1 năm trở lên hiện nay còn tạo ra kẽ hở để các ngân hàng thương mại qui mô nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản lách luật để tăng lãi suất. Và khi mức lãi suất đầu vào lên cao ở kỳ hạn trên 12 tháng thì lãi suất đầu ra trong năm 2013 chắc chắn cũng khó có sự sụt giảm mạnh. Và khi đó, nền kinh tế lại phải gồng mình gánh chịu lãi suất cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ sản xuất trong nước và tiềm ẩn nguy cơ tái lạm phát như đã từng xảy ra./.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *