Bên bờ hạnh phúc

           Mùa thu năm 1945 – một mùa thu lịch sử, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do, dân tộc Việt Nam vùng lên quật khởi giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa – Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

          Cách mạng tháng 8 năm 1945 – thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đường lối đấu tranh của Đảng thống nhất với ý nguyện của nhân dân. Bao nhiêu năm trôi qua , vẫn vẹn nguyên ký ức những ngày mùa thu lịch sử .

 

          67 năm đã qua , nhiều người cũ nay đã không còn. Người hy sinh trong kháng chiến, người ra đi vì bệnh tật, tuổi cao. Những người còn lại cũng đã cuối đời. 

          Vị cựu bí thư Tỉnh ủy này là một trong những người có mặt trong đoàn người biểu tình, tham gia giành chính quyền ngày ấy. Khi đó, ông là chàng thanh niên 16 tuổi – một trong những thanh niên cứu quốc của xã Lục Sĩ Thành quận Trà On, có nhiệm vụ làm các khẩu hiệu, băng rôn phục vụ cho việc biểu tình. Ông nhớ như in những ngày chuẩn bị khởi nghĩa, người người bỏ cả việc đồng áng để tập dợt, chuẩn bị các hoạt động giành chính quyền…

 

          Bao năm đã trôi qua nhưng trong ký ức ông Hồ Minh Mẫn vẫn còn vang vọng các bài hát của lực lượng thanh niên tiền phong những ngày khởi nghĩa ấy. Ông yêu sự hùng hồn, hào khí sục sôi yêu nước qua từng lời lẽ, giai điệu của các bài hát. Và những điều ấy đã giúp ông lạc quan, vững tinh thần hơn trong những năm tháng kháng chiến khó khăn, nguy hiểm về sau.

          Là đảng viên, bị giặc bắt tù đày sau đợt khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, bà Nguyễn Thị Liên vượt ngục trở về tham gia củng cố lực lượng, lãnh đạo thanh niên tiền phong chuẩn bị các hoạt động giành chính quyền ở xã Tam Ngãi quận Cầu Kè tỉnh Cần Thơ năm 1945.

 

          Năm nay bà Liên đã ở tuổi 90, chuyện xưa có điều nhớ điều quên. Nhưng sự tủi nhục của người dân dưới ách thống trị của thực dân phong kiến ngày ấy vẫn luôn hằn sâu trong tâm trí.  Chính sự hà khắc của chế độ thực dân phong kiến suốt thời gian dài đã làm vỡ òa cảm xúc của người dân thời khắc giành chính quyền thắng lợi.

           Bà Liên nhớ rõ hình ảnh từng đoàn người tiếp nối nhau từ làng xã lên quận lỵ giành lấy chính quyền . Từng làng Vĩnh Xuân, Thuận Thới, Trà Côn, Tích Thiện, Hựu Thành… thuộc huyện Trà On hiện nay lần lượt rợp cờ đỏ sao vàng…

          Cuộc tổng khởi nghĩa cách mạng tháng 8 năm 1945 là sự nổi dậy đồng loạt, mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, tiến hành đấu tranh chính trị phối hợp với các hoạt động vũ trang. Trong vòng 15 ngày, Cách mạng đã giành chính quyền về tay nhân dân trong toàn quốc. Thắng lợi này là sự tổng hợp từ nhiều yếu tố : những điều kiện khách quan, chuẩn bị chủ quan cho một cuộc cách mạng đã thật sự chín muồi, kế thừa kinh nghiệm quý báu từ các cao trào cách mạng trước đó, nhất là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, các chi bộ Đảng, cơ sở cách mạng được củng cố, tạo dựng vững chắc ngay trong lòng dân, nắm chắc nguyện vọng của nhân dân…

 

          Ông Hồ Văn Thính khi đó chỉ là một học sinh hơn 10 tuổi. Ông nhớ rõ cơ sở cách mạng của quận Vũng Liêm khi ấy ở ngay sát ngôi nhà của mình. Vị lãnh đạo đại diện xứ ủy Nam Kỳ chỉ đạo cách mạng tháng 8 ở Vũng Liêm trong vai một thợ mộc gần gũi, thường xuyên gặp gỡ nhiều thanh niên làng xã… Trong ngày 26 tháng 8 năm 1945, lực lượng khởi nghĩa cầm tầm vông, giáo mác, gậy gộc chiếm các trụ sở của giặc, đi đầu đoàn người là chú thợ mộc thân quen gần nhà, điều ấy làm cậu học sinh Hồ Văn Thính ngỡ ngàng, cảm phục.

          Ông Hồ Văn Thính ngày ấy là đội trưởng đội nhi đồng của xã Quới Thiện, cầm cờ đi đầu đoàn thiếu nhi nối bước sau đoàn quân khởi nghĩa. Ông chưa hiểu biết được nhiều về tầm quan trọng của cuộc cách mạng, chỉ tâm đắc và nhớ mãi lời người cán bộ Việt Minh nói với đội nhi đồng của ông vào buổi chiều thắng lợi : “…các con các cháu sau này được tư do, không sợ áp bức, bốc lột…”. Những người lãnh đạo ngày ấy nay đã không còn, người hy sinh, người mất vì già yếu, nhưng tinh thần cách mạng đó đã ảnh hưởng lớn đến ông Thính cả quãng đời theo cách mạng về sau.

          Là một trong những lãnh đạo chủ chốt của cách mạng Vĩnh Long khi tuổi mới ngoài đôi mươi, là nhà lãnh đạo xuất sắc phong trào cách mạng tỉnh nhà suốt hai thời kỳ kháng chiến, rất nhiều câu chuyện về tinh thần quả cảm và trí tuệ của ông Nguyễn Ký Ức –được nhiều người biết đến. Nhưng ít ai biết được tinh thần cách mạng trong ông đã được hun đúc từ những ngày tiếp cận với phong trào cách mạng tháng 8.

 

          Khi đó ông mới 14 tuổi, thích những nơi nhộn nhịp, đông vui. Những đêm trời có trăng, ông cùng mọi người ở xã Ngãi Tứ huyện Tam Bình nô nức đi xem thanh niên tiền phong tập võ, tập đi hàng, chào súng, bắn súng… Những đêm văn nghệ, diễn kịch, biểu dương sức mạnh của lực lượng thanh niên tiền phong, hay những buổi cán bộ Việt Minh tuyên truyền, kêu gọi nhân dân đứng lên giành chính quyền … hầu như không buổi nào ông 6 Ức bỏ qua.

          Bài học kinh nghiệm từ chiến thắng mùa thu năm 1945 là hành trang theo ông Nguyễn Ký Ức trên khắp  đường kháng chiến, giúp ông cùng quân và dân Vĩnh Long giành các thắng lợi sau này.

          Cách mạng năm 1945 đã góp phần vun đắp lý tưởng, nhiệt huyết cho những thế hệ  tiếp sau.

          Đã 86 tuổi, nhưng suốt mấy mươi năm kháng chiến cho đến thời bình, chưa khi nào ông Dương Văn Tịch nghỉ ngơi. Ra Bắc, về Nam, mãi đến năm 1974, ông được cho nghỉ hưu về gia đình, rồi lại tiếp tục tham gia công tác ở chính quyền địa phương, làm bí thư xã An Phước huyện Mang Thít đến năm 1984, làm chủ tịch Hội cựu chiến binh xã, đến năm 2000 mới về công tác ở Hội người cao tuổi của xã Chánh An huyện Mang Thít đến nay… Mỗi ngày, cứ đi đến các ấp rồi về xã , mắt còn sáng, trí nhớ còn minh mẫn, sức khỏe dẻo dai, vị lão thành cách mạng này vẫn tiếp tục cống hiến dẫu đã vào hàng cây cao bóng cả.

 

          Ông 3 Tịch yêu thương anh em, bạn bè. Gia đình không khá giả hơn ai, được hơn 10 công ruộng nhà nước cấp cho ở Đồng Tháp, không có điều kiện để làm, ông cho bạn bè canh tác. Tinh thần cách mạng từ mùa thu năm 1945 luôn nhắc nhỡ ông rằng người nông dân khi xưa bị địa chủ bốc lột hà khắc thế nào, để từ đó, ông sống hết mình với họ hơn.

          Cũng vì bị địa chủ đánh đập vào đầu năm 1945 mà ông Dương Văn Tịch quyết lòng theo cán bộ Việt Minh, trở thành toán trưởng thanh niên xung phong tiến lên giành chính quyền xã An Phước thắng lợi, được giao ở lại chịu trách nhiệm lãnh đạo thanh niên cứu quốc địa phương.

          Huân chương kháng chiến hạng I, huân chương giải phóng hạng I, huân chương vẻ vang hạng II… và nhiều chiến công khác. mang trên người không ít vết thương , cuộc đời ông Dương Văn Tịch cứ nối tiếp chiến đấu và cống hiến, bắt đầu từ cách mạng mùa thu 1945 cho đến hôm nay. Cuộc đời, sự nghiệp của ông là theo Đảng và dành cho cách mạng.

          Vũ khí thô sơ nhưng tinh thần quyết liệt, quân dân Vĩnh Long quả cảm, đoàn kết cùng với cả nước vùng lên giành thắng lợi mùa thu năm 1945. Lần đầu tiên, một Đảng của giai cấp vô sản đã làm nên chiến thắng lịch sử tự hào, kết thúc chế độ thực dân phong kiến, giải thoát đời nô lệ gần trăm năm của nhân dân Việt Nam.

          Chiến thắng ấy vẫn mãi hào hùng trong ký ức người Vĩnh Long hôm nay./. 

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *