Bên bờ hạnh phúc

 Từ sáng sớm bà con đã chuẩn bị cho công việc của một ngày đổ đal con đường này. Đây là con đường dẫn ra cánh đồng của ấp Trung Phú 1, xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang có chiều dài gần 600m. Trước đó chưa lâu, bà con đã thi công được hơn 1 nửa, giờ còn lại 200m cuối cùng phải hoàn thành trước mùa lũ năm nay.

 

Cũng giống như không khí của lần thi công trước, bà con trong và ngoài ấp đến rất đông. Lần này có cả lực lượng vũ trang của tỉnh, bao gồm bộ đội và công an cùng tham gia, nên tổng số nhân công được huy động lên đến hơn 300 người. Trong đó kể cả mấy chục anh em là cán bộ và lãnh đạo của Đảng ủy, ủy ban nhân dân xã Vĩnh Phú.

Vĩnh Phú cũng là một trong những địa phương có nhiều thành tích về thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng các tuyến giao thông nông thôn trong nhiều năm qua. Nay được chọn là xã điểm của tỉnh để xây dựng Nông thôn mới, mọi người tích cực phấn đấu nhiều hơn, để hy vọng đến năm 2013 sẽ đạt chuẩn xã nông thôn mới. Nhưng trước hết là sự nỗ lực phấn đấu của những người đứng đầu cấp xã.       

 Hầu hết bà con đều có suy nghĩ giống nhau là vì thấy các anh em cán bộ xã xoắn tay làm việc, nên mọi người dân không thể không tham gia. Trong khi, những con đường đều là để phục vụ cho chính người dân, chứ không phải phục vụ cho lợi ích của cá nhân các anh cán bộ hoặc ai khác. Thế là dân tin, dân làm, và dân nhiệt tình đóng góp.

Con đường này, nếu phải thuê nhà thầu thực hiện sẽ tốn trên 700 triệu đồng, mà chưa chắc chất lượng được đảm bảo. Nhưng để quân, dân và cán bộ tự tay làm như thế này thì đã tiết kiệm được 60% chi phí. Điều này làm người dân rất phấn khởi.

 

Với cách làm tương tự, thời gian qua hệ thống giao thông nông thôn của Vĩnh Phú đã được hoàn thiện, từ những con đường liên xã, liên ấp, đến những con đường giao thông kết hợp thủy lợi nội đồng đều đã được nhựa hóa, đal hóa, hoặc được đổ cát, đá phục vụ nhu cầu đi lại của người dân 2 mùa mưa nắng.

Ngoài việc làm cầu đường giao thông, Vĩnh Phú còn huy động tốt sức dân để xây dựng các công trình phúc lợi khác, như nhà ở cho người nghèo, mua xe chuyển bệnh, nạo vét kênh thủy lợi,… Trong số trên 14,3 tỷ đồng được huy động từ các cấp, qua 2 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, đã có gần 3,2 tỷ đồng chiếm 21,7% nguồn do nhân dân đóng góp.

Nhờ có phương pháp huy động tốt, đến nay Vĩnh Phú đã đạt 46/59 chỉ tiêu trong số 12 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Một kết quả rất đáng mừng và vì vậy, Vĩnh Phú được xem là 1 trong 4 xã có kết quả tốt nhất trong 4 xã điểm của tỉnh phấn đấu đến năm 2013.

Cũng cần nói thêm rằng, khi tiếp thu chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới từ Trung ương, tỉnh An Giang đã cụ thể hóa thành 20 tiêu chí, gồn 59 chỉ tiêu, nhiều hơn 01 tiêu chí và 20 chỉ tiêu so với cả nước. Tiêu chí được thêm, đứng ở vị trí số 4 là “ứng dụng Khoa học công nghệ –  thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp”. Xác định đây là chương trình vận động toàn xã hội tham gia, nên An Giang đã phát động thi đua cho tất cả 136 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện có trọng điểm, tỉnh cũng đã xác định được 34 xã điểm thực hiện đến năm 2015. Trong đó, chọn ra 4 xã phấn đấu đạt chuẩn đến năm 2013, bao gồm xã Vĩnh Phú – huyện Thoại Sơn, xã Long Điền B – huyện Chợ Mới, xã Bình Chánh của huyện Châu Phú, và xã Thới Sơn của huyện Tịnh Biên.

Đứng trong danh mục những xã điểm phấn đấu nhanh này, rõ ràng tự thân Vĩnh Phú đã có nhiều cố gắng vượt bậc từ vị lãnh đạo cao nhất đến cho đến người dân. Qua đó cũng cho thấy lời dạy của Bác Hồ “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” luôn là phương pháp tốt để huy động sức dân.  

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *