Bên bờ hạnh phúc

 Bệnh đạo ôn, cỏ lấn lúa, lúa bị cháy rầy … tuy chỉ xuất hiện cục bộ ở một vài địa phương nhưng cho thấy, bà con nông dân trồng lúa luôn phải đối mặt với những yếu tố bất lợi, ảnh hưởng đến hiệu quả canh tác. Để giảm thiểu những thiệt hại này, giải pháp được đưa ra không gì khác hơn là ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Muốn làm tốt, người nông dân phải được chuyển giao, hướng dẫn, từ đó vận dụng kiến thức có được vào thực tiển sản xuất. Hay nói cách khác, phải dạy nghề trồng lúa cho nông dân.

 

 

Sau khi được tham gia 02 lớp học về chương trình “1 phải 5 giảm” và “3 giảm 3 tăng” do ngành khuyến nông kết hợp với các nhà khoa học ở Trường Cao đẳng cộng đồng Vĩnh Long và Viện lúa ĐBSCL tổ chức, cánh đồng lúa trên 40 ha ở ấp Bình Quý xã Ngãi Tứ đã có nhiều đổi khác. Đó là đồng ruộng được vệ sinh, làm đất kỹ hơn trước khi xuống giống vụ mùa mới. Nông dân đồng loạt tuân thủ xuống giống tập trung theo lịch khuyến cáo của địa phương. Lượng giống, phân bón, thuốc trừ sâu được điều chỉnh ở mức hợp lý, vừa tiết kiệm chi phí vừa đảm bảo cho ruộng lúa phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh.         

Với diện tích gieo trồng 03 vụ trong năm lên đến trên 180 ngàn ha, lúa là cây trồng chủ lực ở Vĩnh Long. Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều nổ lực để chuyển giao khoa học kỹ thuật để cải thiện năng suất, chất lượng lúa gạo. Tuy nhiên, đa phần chỉ dừng lại ở các lớp tập huấn, mô hình trình diễn nên nhiều bà con nông dân vẫn còn chưa mạnh dạn áp dụng triệt để vào đồng ruộng.

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong năm 2011 công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vĩnh Long đã nhắm vào việc dạy nghề trồng lúa cho nông dân. Theo đó, tỉnh đã mở được 14 lớp thu hút gần 500 nông dân tham gia.

Lớp học được tổ chức linh hoạt, khi thì ở nhà của một nông dân nào đó, lúc ở ngoài đồng, cũng có lúc mượn tạm phòng học của trường tiểu học. Lần đầu tiên trong chương trình dạy ,cùng với việc học lý thuyết, các học viên còn được các kỹ sư nông nghiệp trực tiếp hướng dẫn cách làm mạ và chăm sóc lúa cho đến khi thu hoạch. Thời gian liên tục ba tháng, học viên vừa học lý thuyết vừa thực hành trực quan như vậy nên hiệu quả truyền thu kiến thức khá cao.

Dạy cho nông dân làm ruộng. Mới nghe có vẻ là nghịch lý, nhưng hiệu quả từ các lớp học mang lại cho thấy đây là vấn đề rất cần thiết cho nông dân trồng lúa. Bởi, trong bối cảnh đẩy mạnh thâm canh, tăng vụ như hiện nay thì áp lực dịch hại ngày càng nặng nề hơn. Thêm vào đó diễn biến bất thường của tình hình thời tiết, thủy văn luôn chứa đựng những rủi ro tiềm ẩn, có thể gây thiệt hại bất cứ lúc nào nếu không có sự chủ động đối phó.

Nhiều địa phương đang vận động xây dựng nông thôn mới với tiêu chí hàng đầu là nâng cao thu nhuận cho nông dân .Vì vậy dạy cho nông dân làm ruộng, đào tạo họ trở thành những kỹ thuật viên lành nghề trên những cánh đồng lúa đang là một giải pháp đúng đắn để cụ thể hóa mục tiêu này. Học viên tham gia lớp học không chỉ làm tốt trên mãnh ruộng của mình mà họ cũng có thể là một chuyên gia để giúp những nông hộ khác cùng canh tác lúa đạt hiệu quả cao.

 

Dạy cho nông dân làm ruộng bây giờ quả thật không lãng phí. Hiệu quả của các lớp dạy  nông dân làm ruộng đã được chứng minh. Năm 2011 Vĩnh Long được đầu tư 13 tỉ đồng cho công tác dạy nghề cho lao động nông thôn . 360 triệu đồng trong số này  đã được đầu tư cho  các lớp dạy nông dân làm ruộng . Con số này khá khiêm tốn so với hiệu quả đạt được. Thời gian tới  nguồn vốn đầu tư cho các lớp dạy cho nông dân làm ruộng  cần phải được nâng lên nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu được học nghề của nông dân .

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *