Bên bờ hạnh phúc

 Trong kí ức tuổi thơ của chúng tôi, mỗi khi tết về hạnh phúc nhất là được quây quần bên bếp lửa để  háo hức chờ đợi thưởng thức đòn bánh tét.

Nhưng thích thú hơn vẫn là được nghe câu chuyện về ý nghĩa của đòn bánh ấy, rằng đó là thành quả của một năm lao động vất vả mà con cháu kính dâng lên ông bà tổ tiên. Đó còn là niềm mong ước về một cuộc sống tốt đẹp hơn trong năm mới.

Cảm giác ấm áp đoàn viên bên gia đình ấy đã gắn chặt với hương vị bánh tét thơm lừng mùi gạo nếp, để mỗi khi xa quê, tết về, bắt gặp ở đâu đó đòn bánh tét, lòng chúng tôi lại nao nao niềm thương nhớ và ước ao về lại gia đình….

Là vựa lúa lớn nhất của cả nước nên khi tết đến những món bánh dân dã từ lúa gạo tượng trưng cho thành quả sau một năm lao động hăng say của những người nông dân.

Trong số những loại bánh này người dân ưa chuộng nhất là bánh tét. Cũng vậy lẽ đó mà mâm cúng dâng lên tổ tiên của mỗi gia đình không thể thiếu đòn bánh tét.

Có nhiều lý giải khác nhau về tên gọi của bánh tét, một số người cho rằng bánh tét có nguồn gốc từ “bánh Tết” vì loại bánh này lúc đầu xuất hiện nhiều vào ngày tết, dần dà do thói quen đọc trại của người dân nên đọc thành bánh tét.

Mặt khác,  người ta lại cho rằng tên gọi bánh tét xuất hiện từ chính hành động cắt bánh, tay cầm dây khoanh tròn đòn bánh đã lột vỏ, tét từng khoanh nên gọi là bánh tét.

Nhưng có lẽ ý nghĩa lớn nhất mà đòn bánh tét mang lại chính là cơ hội để gia đình có dịp tụ họp, quây quần bên nhau đón xuân, san sẻ những khó khăn trong năm vừa qua. Việc sum vầy, đoàn viên cùng gói bánh thường báo hiệu một năm lao động đạt hiệu quả cao.

Dân gian hay có tục cùng nhau gói bánh tét vào ngày tết, mỗi khi xuân về không chỉ những người thân trong gia đình, họ hàng thân tộc mà còn có cả hàng xóm láng giềng cùng nhau gói bánh tét.

Đây là dịp để củng cố tình yêu thương trong gia đình, nhất là thắt chặt tình đoàn kết với xóm giềng những khi “tối lữa tắt đèn”.

Người lớn có thể dạy cho trẻ con cánh gói bánh, vừa răn dạy những điều hay lẽ phải trong cuộc sống, cứ thế những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc cứ được gìn giữ và kế thừa.

 

 

Bánh tét truyền thống được gói từ nếp với hai loại nhân cơ bản, nhân mặn là đậu xanh, thịt mỡ hoặc nhân ngọt là chuối tùy theo khẩu vị của từng gia đình. Và việc lựa chọn những nguyên liệu này cũng mang nhiều ý nghĩa.

Nếp để gói bánh phải lựa loại nếp dẻo, những hạt nếp được làm ra từ sức lao động của người nông dân. Sau một năm cày cấy vất vả, nếp gói bánh càng ngon thì lại báo hiệu vụ mùa lại càng bội thu.

Chuối là loại cây gần gũi và gắn liền với cuộc sống của người dân miền tây, rất dễ tìm và hương vị lại rất ngon nên nó được ưa chuộng để làm nhân bánh tét. Bình thường chuối có màu vàng nhưng khi nấu chín lại chuyển sang màu đỏ vừa đẹp cừa ý nghĩa. Nó tượng trưng cho tấm lòng nhân nghĩa, son sắc từ bao đời của người dân Nam bộ.

Nhân mặn thường được làm từ đậu xanh và thịt mỡ.  Đậu xanh khi nấu chín có màu vàng tươi gợi nhớ đến những cánh đồng lúa bạt ngàn. Thịt mỡ thể hiện cho cuộc sống trù phú, muôn màu, đa dạng. Sự kết hợp của  những nguyên liệu thể hiện sự giao hòa của thiên nhiên của con người, thể hiện sự khéo léo, trí óc sáng tạo của con người.

Là món bánh đặc trưng của Nam bộ, bánh tét chứa đựng nhiều triết lý sâu sắc.

Những lớp lá chuối chồng lên nhau tượng trưng cho ý nghĩa đùm bọc, tương thân tương ái theo quan niệm lá lành đùm lá rách của dân tộc. Để mỗi khi xuân về người dân lại hay có tục gói bánh tét tặng nhau để nhắc nhở truyền thống đoàn kết, yêu thương quý báo ấy của dân tộc.

Những hạt nếp bao bọc bên ngoài, bên trong là phần nhân có thể là chuối, hoặc đậu xanh và thịt mỡ , sự kết hợp hài hòa ấy là thành quả lao động của những người nông dân ngày ngày cần mẫn trên những cánh đồng.

Đó là những giọt mồ hôi vất vả từ đó mà khuyên răn con cháu phải biết trân trọng sức lao động chân chính của con người dù họ chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn bởi dân giang có câu “dẽo thơm một hạt, đắng cay muôn phần”

Công đoạn quan trọng nhất của gói bánh là cột. Lực xiết vừa phải, nếu quá chặt nếp bị nính sẽ không chín, còn nếu quá lỏng bánh sẽ bị bị nhão. Điều này gợi đến việc cư xử của người với người, sự mềm dẻo linh hoạt trong cuộc sống. Cư xử chừng mực, khéo léo để tránh những điều không ưng ý.

Bánh tét thông thường gói thành đòn hình trụ đứng tượng trưng cho sự ngay thẳng, chất phác của người Nam bộ. Khi tặng bánh người ta cũng tặng thành từng cặp có ý cầu mong cho sự may mắn tốt đẹp, hạnh phúc, trọn vẹn và viên mãn, để có một năm  mới đầm ấm vui vầy.  

Tết đến ngồi quây quần bên bếp lửa, cảm giác ấm áp bên gia đình, không khí của đất trời vào xuân cùng hương vị của nồi bánh hòa quyện vào nhau, con người như tạm gác những lo toan sau một năm lao động mệt nhọc. Đó là hương vị đặc trưng không thể lẫn lộn ở đâu được.

Quả thật mỗi khi mùi hương của bánh tét đã góp phần không nhỏ để làm nên  mùi vị đậm đà của tết cổ truyền dân tộc. Và dường như bánh tét đã quen thuộc đến nỗi mỗi hộ gia đình ở nông thôn đều có thể gói bánh này. 

Mỗi khi tết về, gia đình cô Nguyễn Thị Hồng Điệp không thể đón cái tết trọn vẹn nếu thiếu đòn bánh tét. Bởi lẽ ngoài việc đây là thành quả gặt hái được sau một năm lao động kính dâng lên ông bà tổ tiên, gia đình cô còn lưu giữ nó như một phong tục gia truyền từ đời này sang đời khác.

Tết đến sum vầy bên gia đình bạn bè, nhấm nháp tách trà và cùng nhau thưởng thức hương vị của đòn bánh tét. Cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn trong suốt một năm qua, cùng động viên nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Chính đòn bánh tét đã góp phần giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, để cái tết cố truyền của dân tộc thêm phần ý nghĩa và ấm áp. Điều này đã tạo nên một vẻ đẹp rất riêng của tết Nam bộ.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm gia đình cô Phạm Thị Kim ngụ ở huyện Vũng Liêm. Là một gia đình gốc nông dân sống chủ yếu bằng trồng lúa và chăn nuôi, nên gia đình cô thường gói bánh tét để ăn tết từ những nguyên liệu sẵn có. Ngoài việc để dâng lên ông bà tổ tiên, cô còn dùng làm quà để tặng bà con hàng xóm với ý cầu chúc một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý. Gói bánh tét ở gia đình còn báo hiệu một năm sung túc với vụ mùa bội thu.

Quả thật ở nông thôn mỗi khi xuân về trong mỗi hộ gia đình luôn hiện diện sự chung vui của những đòn bánh tét. Điều đó như nhắc nhỡ người con xa quê mỗi khi tết về hãy luôn nhớ về gia đình, về ông bà, về nơi cội nguồn của mình.

Ngày nay bánh tét được bày bán suốt năm, nên ở những gia đình chuyên gói bánh để mưu sinh, việc gói bánh diễn ra hàng ngày.

Dù vậy ở gia đình của chị Biện Thị Hồng Lâm ngụ phường 3 T.P Vĩnh Long không khí gói bánh những ngày tết vẫn tất bật hơn cả.

Thường vào những ngày này nhu cầu sử dụng bánh rất cao. Khách đặt bánh từ khắp nơi trong đó cao nhất vẫn là nhu cầu của những người dân tại thành phố Vĩnh Long. Trung bình một đợt tết gia đình tiêu thụ gần 2 ngàn đòn bánh do vậy gói bánh những ngày này khá vất vả nhưng không khí cũng rộn ràng hơn hẳn.

Gia đình Cụ bà Lê Thị Dùng đã có truyền thống gói bánh tét hơn 50 năm. Ngày bình thường gia đình gói khoảng vài chục đòn để bán và giao cho các tiểu thương tại chợ Càng Long.

Tuy nhiên vào những ngày tết thì con số lên đến 200-300 đòn một ngày. Xuân về là khoảng thời gian vất vả nhất với gia đình bà vì để kịp giao bánh cho khách hàng, có khi phải thức cả đêm để  gói bánh.

Dù vậy với người phụ nữ đã hơn 50 năm nếm trải cơ cực của nghề gói bánh vẫn cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào vì chính bản thân bà và gia đình đang góp phần gìn giữ một món ăn độc đáo của Nam bộ.

Với sự phát triển hiện đại trên thị trường xuất hiện nhiều thực phẩm đa dạng để đón tết nhưng quả thật bánh tét vẫn giữ được vị trí của nó, là món bánh không thể thiếu ở nhà nhà khi xuân về.

Nhân dịp tết nguyên đán 2013 dưới sự chỉ đạo của UBND T.P Cần Thơ,Trung tâm xúc tiến đầu tư- Thương mại- Du lịch phối hợp với Sở văn hóa- thể thao du lịch, công ty cô phần Du lịch Cần Thơ và các sở ban ngành có liên quan đã tổ chức ngày hội bánh dân giang Nam Bộ lần hai tại T.P Cần Thơ.   

Đây là dịp để giới thiệu với du khách trong và ngoài tỉnh những món bánh dân giang cổ truyền đã có từ ngàn xưa. Đồng thời giới thiệu thương hiệu bánh tét nổi tiếng của Cần Thơ: bánh tét lá cẩm. Qua đó nhắc nhở mọi người cùng suy ngẫm giá trị của đòn bánh tét truyền thống. Đó là vẻ đẹp của tinh thần cần cù lao động, là thành quả của những nông dân, là vẻ đẹp của sự tài hoa khéo léo của người Nam bộ. Qua đó kêu gọi mọi người hãy cùng chung tay gìn giữ vẻ đẹp mộc mạc ấy.

Trong không khí những ngày xuân ấm áp, cùng gia đình đến tham quan hội chợ bánh, tận mắt chứng kiến sự khéo léo của những nghệ nhân gói bánh, thưởng thức món bánh tét độc đáo và sự đa dạng của các loại bánh tét, sẽ cảm nhận hương vị đặc trưng của bánh tét Nam bộ.

Tết đến, lại thấy những chiếc bánh miệt vườn bình dị đến với mọi gia đình. Dù giàu sang hay nghèo khó người ta vẫn rất ưa chuộng loại bánh này. Chính nó đã trở thành một hương vị không thể thiếu để góp phần tạo nên một cái tết đầm ấm vui vầy và trọn vẹn hơn cho mọi gia đình.

Những món bánh ngày xuân đã trở thành nếp văn hóa quen thuộc mang hương vị đặc trưng của ngày Tết Nam bộ. Đó là hương vị của tình yêu thương, của hạnh phúc đoàn viên sum họp gia đình.

Cái bánh miệt vườn dân dã với ý nghĩa chung đó là tấm lòng hiếu thảo của những người con dâng lên tổ tiên ông bà, là thành quả sau một năm lao động vất vả, đồng thời cầu mong một cuộc sống bình an, thịnh vượng, tốt đẹp hơn trong năm mới.

Mỗi khi xuân về lại thấy trẻ con xúm xít bên ông bà cha mẹ, quây quần bên mâm bánh tét. Đó sẽ là những kí ức đẹp dưỡng nuôi tâm hồn và giáo dục tình cảm yêu quý quê hương cho các em sau này.

Phong tục bánh tét xuân là một trong những biểu hiện vẻ đẹp của hồn Việt. Món ăn dân dã mộc mạc nhưng lại làm nên phong vị của người Việt, làm nên hương tết độc đáo của sông nước  miệt vườn.

Ngọc Mến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *