Bên bờ hạnh phúc

Chúng tôi về Hòa Hiệp giữa những ngày Đảng bộ và nhân dân nơi đây đang chào mừng kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người con ưu tú của quê hương Hòa Hiệp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh – một con người mà Đảng và nhân dân Việt Nam luôn lấy làm niềm tự hào, vinh dự lớn lao.

Một trong số những hoạt động chào mừng ấy là đêm giao lưu văn nghệ gây quỹ ủng hộ học sinh nghèo và xây dựng Nhà tình bạn, do Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Đoàn ủy xã Hòa Hiệp cùng phối hợp tổ chức. Đến dự đêm giao lưu có lực lượng đoàn viên thanh niên một số ban – ngành tỉnh, huyện Tam Bình và Đoàn ủy xã Hậu Lộc.

 

Được biết, do kinh tế thuần nông, đến nay, ở Hòa Hiệp vẫn còn hơn 300 gia đình cuộc sống vẫn còn gặp khó khăn . Chính vì vậy, tổ chức gây quỹ ủng hộ là cách thức mà chính quyền và các đoàn thể tại địa phương thể hiện sự quan tâm, giúp đỡ cho các em học sinh nghèo, để các em có thêm điều kiện đến trường, giúp các em an tâm theo đuổi việc học hành cho tới nơi tới chốn. Trong điều kiện kinh phí đầu tư cho cơ sở hạ tầng từ nhà nước còn hạn chế, một phần nguồn quỹ khuyến học được sử dụng để sửa chữa trường học, làm sân chơi cho các em. Phần còn lại được tập trung sử dụng làm phần thưởng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi. 

Ở Hòa Hiệp, công tác giáo dục được đặc biệt quan tâm. Năm học qua, số trẻ trong độ tuổi được huy động đến trường , số học sinh lên lớp, hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, số học sinh giỏi đều đạt tỉ lệ cao. 

Để động viên tinh thần, đặc biệt là đối với các em học sinh nghèo, hàng năm, phối hợp với các ban – ngành, đoàn thể,  chính quyền địa phương  tích cực vận động các nguồn quỹ, làm học bổng tặng cho các em. 6 tháng đầu năm nay, Hội Khuyến học Hòa Hiệp đã vận động được hơn 52 triệu đồng, trong đó đã hỗ trợ trên 34 triệu cho 152 em học sinh nghèo. Ngoài ra , còn vận động tập vở, dụng cụ học tập, đồng phục để tặng cho các em, giúp bản thân các em cũng như gia đình cùng phấn đấu bước lên những bậc học cao hơn. Thời gian qua, Hòa Hiệp cũng đã vận động được 180 hộ gia đình đăng ký Gia đình hiếu học.
Một trong những thành tựu cơ bản của Hòa Hiệp là giao thông nông thôn. Những năm qua, giao thông nông thôn ở Hòa Hiệp đã thông thương xã liền xã, ấp liền ấp. Xe hai bánh giao lưu thuận lợi cả hai mùa mưa nắng. 

Sau khi hoàn thành các tuyến đường chính trên địa bàn, Hòa Hiệp tập trung vào đường liên xóm. Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, Hòa Hiệp đã vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, kết hợp với nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản để lót đan hoặc rải đá cấp phối trên những đoạn đường phân nhánh, bắt đầu từ các khu vực đông dân cư, trường học. 

Không chỉ thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, cái lợi lớn nhất của giao thông ở Hòa Hiệp hiện nay chính là việc thương lái đến tận các ruộng rẫy, nhà vườn để

thu mua nông sản, trái cây cho người nông dân, giúp họ giảm chí phí sản xuất và tăng giá thành sản phẩm. 

Bên cạnh đó, Hòa Hiệp tiếp tục hoàn thiện việc cung cấp điện và nước sạch cho người dân ở những khu tập trung đông dân cư, đồng thời phát động việc bảo vệ, gìn giữ môi trường. Hòa Hiệp đã vận động nhân dân hình thành ý thức và biết cách phân loại, thu gom, xử lý rác thải, đặc biệt là đối với những chất thải nguy hại sử dụng trong nông nghiệp. 

Năm 2012, Hòa Hiệp đã được huyện Tam Bình công nhận là Xã Văn hóa hạng Nhất và được tỉnh tái công nhận Xã Văn hóa theo tiêu chí Nông thôn mới.

Kinh tế Hòa Hiệp chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó quan trọng nhất là làm lúa, làm vườn, chăn nuôi gia súc gia cầm. Bên cạnh đó, phát triển thêm cây màu và nuôi trồng thủy sản. 

Chúng tôi đã ghé lại ấp 9 thăm mô hình trồng bắp của chú Lê Văn Nào. Chú Nào vừa là nông dân, vừa là một cựu chiến binh. 

Chú cho chúng tôi biết, trước đây, rẫy bắp 5 công này vốn là đất trồng lúa. Qua nhiều năm, vì giá lúa thấp, hiệu quả kinh tế không cao nên chú quyết định đầu tư làm bờ bao cho vuông đất của mình để chuyển sang trồng màu. Lúc đầu, chú thử nghiệm mô hình trồng xen canh lúa – bắp – khoai. Về sau, do khoai lang cũng bị rớt giá, chú chuyển hẳn sang việc trồng bắp. Giống bắp chú trồng là giống WAR 48 – loại bắp nếp, dẻo, hạt dày, trắng trong và rất ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Kết quả, việc trồng bắp đã cho chú Nào nguồn thu nhập cao gấp hai, gấp ba lần so việc trồng lúa. 

Nhìn thấy hiệu quả của việc trồng màu, nhiều nông dân trồng lúa cũng muốn chuyển đổi sang việc làm rẫy, nhưng trở ngại lớn nhất của họ là thiếu vốn đầu tư. Nếu được hỗ trợ 3 yêu cầu bức thiết, thứ nhất là cây giống, thứ hai là khép kín bờ vùng và thứ ba là bao tiêu sản phẩm, chắc chắn, việc trồng màu ở Hòa Hiệp sẽ được nhân rộng hơn.                                                         

Hiện nay, ở Hòa Hiệp đã có khoảng 35% diện tích đất trồng lúa – tập trung ở ba ấp là Hòa Phong, ấp 7 và ấp 10 – được thực hiện mô hình cánh đồng mẫu. Thực tế qua 3 vụ đông xuân , hè thu và thu đông 2013 cho thấy, năng suất trên các cánh đồng mẫu luôn cao hơn năng suất của những cánh đồng khác hơn 1 tấn trên mỗi héc-ta. 

 

Đạt được kết quả đó là nhờ mô hình cánh đồng mẫu có được những ưu thế vượt trội như: Sử dụng đồng bộ giống lúa xác nhận, quy trình sản xuất được quản lý sát sao dưới sự theo dõi, chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật. Thực hiện chủ trương Nhà khoa học kịp thời cùng nông dân ra đồng, mỗi tuần, cán bộ kỹ thuật  Phòng Nông nghiệp huyện Tam Bình đều tổ chức họp bà con nông dân để triển khai, hướng dẫn và giám sát các công việc thời vụ.

Bên cạnh những thuận lợi rất cơ bản như đã nêu, người nông dân trên cánh đồng mẫu cũng còn băn khoăn về giá lúa bấp bênh, không ổn định trong khi giá vật tư luôn có xu hướng tăng lên. Chính người nông dân Hòa Hiệp tự nhận thấy họ cũng có những hạn chế, như chưa thật sự tập trung vào việc tập huấn các kỹ thuật nông nghiệp, chưa cập nhật kịp thời lịch thời vụ, còn để xảy ra tình trạng tranh chấp nguồn nước, vân vân. 

Nhìn rõ các mặt mạnh, yếu trong thực hiện mô hình cánh đồng mẫu, Hòa Phong – lá cờ đầu trong sản xuất nông nghiệp của Hòa Hiệp – đã có những định hướng, chủ trương thiết thực.

Tại ấp 7, chúng tôi vào thăm gia đình anh Nguyễn Văn Còi và chị Nguyễn Thị Bạch Huệ – một trong số 180 gia đình hiếu học ở nơi đây. Cả anh và chị đều là cán bộ huyện đã nghỉ hưu, có ba con thì trong đó, hai em đã tốt nghiệp đại học và một em tốt nghiệp trung cấp điện. 

Rất tình cờ, chúng tôi được anh chị giới thiệu về anh Nguyễn Văn Tửng – một người nông dân sống cùng xóm. Tuy bản thân là người ít học, nhưng trong số 4 người con của anh Tửng có tới 3 em đã tốt nghiệp đại học, ra trường và tìm được công ăn việc làm ổn định, em còn lại cũng đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Nông nghiệp TP.HCM. Gia đình anh chỉ có 4 công ruộng và một công rưỡi vườn. Lo no cơm ấm áo cho 6 con người đã là điều khó, vậy làm thế nào để anh chị nuôi được đàn con ăn học đến nơi đến chốn, không phải vay mượn nợ nần ai là một câu chuyện thực sự hấp dẫn và nhiều ý nghĩa.

Trước đây, ở Hòa Hiệp đã tổ chức được 27 tổ hợp tác sản xuất lúa, thời gian qua đã tổ chức thêm 4 tổ hợp tác lao động khác. Đó là tổ trồng màu, tổ cơ giới, tổ đan thảm tre và tổ đan lục bình. 

Những tổ hợp tác sản xuất tiểu thủ công nghiệp như thế này là một hình thức tận dụng thời gian nhàn rỗi, giải quyết công ăn việc làm khá hiệu quả cho lao động tại địa phương. Ở tổ đan thảm lục bình tại ấp Hòa Phong, chúng tôi được biết thu nhập bình quân của các chị khá ổn định. Thời gian qua, Hòa Hiệp đã giải quyết công ăn việc làm cho gần 600 lao động nhàn rỗi tại địa phương. 

Trên lĩnh vực hợp tác sản xuất, Hòa Hiệp còn có dự định thành lập và phát triển mô hình kinh tế trang trại, chăn nuôi.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của chính quyền xã Hòa Hiệp là công tác xóa đói giảm nghèo. Xã  phấn đấu đến năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 4%. 

Bên cạnh vấn đề giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, Hòa Hiệp còn tập trung vào 5 chương trình khác là phát triển và nâng cao nguồn nhân lực, phát triển đô thị và nhà ở, phát triển hạ tầng kỹ thuật, thu hút vốn đầu tư , phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Tất cả hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng bộ mặt nông thôn mới ổn định, văn minh.

Trước khi chia tay Hòa Hiệp, cùng với các đoàn viên thanh niên, chúng tôi đã ghé viếng phần mộ song thân Giáo sư – Viện sĩ Trần Đại Nghĩa. Phần mộ này vừa được đầu tư xây mới nhân kỷ niệm một trăm năm ngày sinh của ông.

Sắp tới đây, với Hòa Hiệp cũng như với Tam Bình, khu mộ này chắc chắn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ, là nơi giúp các thế hệ thanh thiếu niên tìm thấy những giá trị truyền thống của cha ông. Đối với tuổi trẻ Hòa Hiệp, chúng tôi nghĩ, ý nghĩa lớn nhất mà họ có thể tìm thấy ở nơi đây, trên mảnh đất này, chính là tinh thần hiếu học giúp nước của cậu bé Phạm Quang Lễ năm nào. Tinh thần ấy đang được nhân dân Hòa Hiệp xây dựng và vun đắp , với niềm tin vào các thế hệ tiếp nối sẽ tiếp bước tri thức, chung tay góp sức để xây dựng Hòa Hiệp trở thành một mảnh đất xứng đáng là quê hương của  Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa, người con yêu quý của Hòa Hiệp – Tam Bình, một con người ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Thu Hà 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *