Bên bờ hạnh phúc

 Tận dụng được lợi thế cạnh tranh của mình, nhiều năm qua, bà con nông dân ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đã phát triển nghề nuôi cá lóc khá nhanh. Hiện nay, bà con còn tiến xa hơn là thành lập tổ hợp tác cùng nuôi cá theo tiêu chuẩn Gap, cung ứng cho Siêu thị Metro Cần Thơ. Đó là một hoạt động sản xuất đúng hướng, mang tính bền vững cho nông dân.

 

Từ tháng 10 năm 2012, 13 hộ trong Tổ hợp tác nuôi cá lóc ở ấp Mái Dầm, xã Phú Thành, huyện Trà Ôn hết sức phấn khởi vì sản phẩm của họ đã được bao tiêu thu mua ổn định. Trung bình mỗi ngày tổ hợp tác này giao cho siêu thị Metro tại TP Cần Thơ khoảng 200kg, tuy không nhiều so với sản lượng cả tổ đã nuôi được, nhưng nhờ giá cả ổn định ở mức khá, và có hợp đồng lâu dài nên bà con an tâm sản xuất.

Cũng như anh Hào vừa chia sẻ, nông dân nuôi được cá sạch thì mới có đầu ra ổn định. Thật vậy, để có được niềm phấn khởi trên, bà con nuôi cá trong Tổ hợp tác này đã phấn đấu nhiều tháng liền để nuôi cá theo đúng quy trình mà đơn vị bao tiêu đưa ra, rồi được trao chứng nhận đạt chuẩn Metro Gap, và nhận được hợp đồng giao hàng lâu dài cho đơn vị này. Vì vậy, so với cách nuôi thông thường trước đây, bà con nhận thấy có nhiều điều khác biệt hơn.

Đôi khi những điều khác biệt trong phương pháp chăn nuôi mới khiến bà con tốn công hơn, chi phí cao hơn một chút, nhưng đó lại là việc làm cần thiết và mạng lại hiệu quả rất thiết thực. Nhiều bà con khẳng định, nuôi cá cho Metro theo quy cách đàng hoàng, không lạm dụng thuốc kháng sinh trong phòng và điều trị bệnh cho cá, không sử dụng các chất cấm trong trong chăn nuôi,…nên tỷ lệ hao hụt rất thấp, năng suất và lợi nhuận đều tăng từ 10 đén 20% so với khi buôn bán cho thương lái bên ngoài.

Phú Thành là một trong 2 xã thuộc xứ Cù lao mây của huyện Trà Ôn, và cũng là địa phương có địa bàn xa xôi, cách trở với các đô thị lớn. Do đó, điều kiện để phát triển kinh tế xã hội một cách toàn diện còn gặp nhiều khó khăn. Như nhiều vũng cù lao khác, những năm qua, địa phương này cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm chỉ đạo để phát triển kinh tế vườn và hoa màu như: chôm chôm, nhãn, bưởi, cam sành, sầu riêng, củ sắn,.. đã tạo được hiệu quả nhất định cho bà con. Ngoài ra, ở những nơi nằm cặp các tuyến sông lớn thì địa phương cũng khuyến khích phát triển thêm nghề nuôi thủy sản nhằm tạo điều kiện nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Vì vậy song song với kinh tế vườn, bà con nông dân ở đây còn tích cực tìm hiểu và ứng dụng nhiều mô hình nuôi cá khác như cá tra, cá trê, cá rô, cá lóc,… đặc biệt khoảng 10 năm trở lại đây, mô hình nuôi cá lóc trong ao hồ phát triển khá mạnh.

Cá lóc là loài ăn tạp, nên mồi của chúng cũng khá dễ tìm. Tại đây, bà con thường tận dụng mua thêm các nguồn cá mồi rẻ tiền để giảm chi phí, do đó giá cả khi chào bán ra thị trường cũng mang tính cạnh tranh hơn so với nhiều nơi. Bà con cho biết, nếu chỉ nuôi cá lóc hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp thì khi giá thương lái thu mua khoảng 32.000 đồng/kg là bà con chỉ phá huề. Còn nếu như có tận dụng được các nguồn cá mồi tại chỗ thì giá thành sẽ giảm hơn vài ngàn đồng/kg. Có thể nói, nuôi cá như nhiều bà con ở ấp Mái Dầm sẽ có điều thuận lợi để giảm được giá thành sản phẩm và tăng lợi nhuận cho người nuôi.

 

Tuy nhiên, những năm qua, bà con ở đây vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Khi giá cao thì mua bán dễ dàng, giá có biến động một chút thì lập tức người nuôi sẽ bị ép giá một cách không thương tiếc. 

Thấy nghề nuôi cá lóc đang trong giai đoạn phát triển, và tay nghề nuôi cá của người dân ở đây cũng khá hoàn thiện, nên một nhóm những anh em cùng xóm trong đó gồm ông Trương Hoài Danh, anh Trần Thanh Hải, anh Hồ Thanh Dũng,… hợp tác lại cùng tìm hiểu thị trường và cuối cùng đưa ra đề nghị thành lập Tổ Hợp tác nuôi cá lóc tại ấp Mái Dầm, trước mắt là để bán cho siêu thị Metro Cần Thơ, và sau đó sẽ tìm thêm các địa chỉ tiêu thụ khác tại các tỉnh bạn.

Xác định đó là yếu tố sống còn, nên những thành viên nào vào Tổ hợp tác đều được hướng dẫn và bắt buộc làm theo quy trình sản xuất cá sạch, an toàn, để được trao chứng nhận MetroGap. Và tất nhiên là được ưu tiên bán sản phẩm cho siêu thị.

Như hộ của anh Trần Thanh Hào, vụ cá vừa qua, anh thả nuôi 10.000 con, với diện tích khoảng 100m2, sau 4 tháng thu hoạch, anh thu được 3,8 tấn cá thương phẩm, lợi nhuận trên 70 triệu đồng. Một mức lợi nhuận khá cao. Vậy là vụ này, anh tiếp tục đầu tư lên 2 ao nữa, thả nuôi 28.000 con giống, với hy vọng giá trị lợi nhuận cũng sẽ tăng theo.

 

 

Ngoài ra, tham gia vào tổ hợp tác còn giúp cho bà con có điều kiện thuận lợi để giải quyết được một số những khó khăn khác khi thành viên có yêu cầu. Chẳng hạn như vấn đề kỹ thuật hay vấn đề nguồn thức ăn.

Điều đáng nói ở đây là, mặc dù Siêu thị nhận hàng giá cao hơn bên ngoài, sản lượng cũng ổn định, nhưng kèm theo đó là những ràng buộc khác chẳng hạn: quy định về quy cách sản phẩm, bắt buộc cá đạt trọng lượng từ 700g đến dưới 1,5 kg thì mới thu mua, và mỗi ngày thu mua chỉ vài trăm kg, nên cũng gây không ít khó khăn cho bà con. Vì vậy, con số 13 hộ tham gia chưa đến 1/3 số lượng hộ nuôi trong toàn xã, cũng một phần vì lý do này.

Tuy nhiên, bằng nỗ lực của bản thân và vì sự tồn tại chung của nghề nuôi cá lóc tại xã mình, Tổ trưởng Trương Hoài Danh cũng như nhiều anh em khác đã tính được bài toán vẹn cả đôi đường, mà bài toán này những hộ nuôi cá ở nhiều địa phương khác đã không làm được, nên đành phải chịu bỏ qua cơ hội hợp tác với Metro.

Để tính được bài toán này, phải nói rằng phần lớn là nhờ sự năng động, sáng tạo của những người lãnh đạo và điều hành tổ hợp tác này. Một mặt ký kết với Metro để đảm bảo lượng hàng hằng tháng từ 3 đến 5 tấn cá. Mặt khác là tìm thêm những đầu mối khác ở các tỉnh bạn, các cơ sở sản xuất khô, mắm, chợ đầu mối, các nhà hàng ở khắp các chợ từ xã đến tỉnh … để lúc nào cũng có đầu ra ổn định cho anh em, đồng thời cũng không quá kén chọn kích cỡ,… Ngoài ra, những người điều hành phải là người có nhiều vốn, có uy tín mới có thể vựa cá lại nhiều tháng liền, để cung cấp hàng cho siêu thị,… Nhờ vậy, những hộ nuôi cá lóc bên ngoài dần dần cũng đã bán cho tổ hợp tác, việc bán buôn qua thương lái ngoài địa phương cũng được hạn chế dần, từ đó lợi nhuận của bà con cũng nhiều lên, do đã giảm được một số tầng nấc trung gian trong quá trình tiêu thụ.

Tuy rằng, mô hình nuôi cá lóc ở ấp Mái Dầm nhiều năm qua có bước phát triển khá, nhưng nhìn chung cũng chưa hết những khó khăn.

Từ mô hình Tổ hợp tác nuôi cá lóc theo tiêu chuẩn Gap cho Metro, đã tạo cho bà con nhà vườn ở ấp Mái Dầm nói riêng và toàn xã Phú Thành nói chung có điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Tính đến nay, toàn xã đã có 43 hộ nuôi, với diện tích gần 8.000 m2 mặt nước, sản lượng cung ứng trên 90 tấn mỗi năm, lợi nhuận chung cho bà con, đạt trên 2 tỷ đồng. Rõ ràng là những con số có ý nghĩa, cần được các cấp chính quyền và ngành chức năng tỉnh nhà quan tâm, đầu tư phát triển mạnh hơn nữa./.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *