Bên bờ hạnh phúc

 Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX đã xác định : Phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có tăng cường đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động là một trong các đột phá quan trọng. Thực hiện đột phá này, cuối năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”. Với mục  tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, đồng thời góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đề án này bước đầu đã mang lại hiệu quả đáng phấn khởi.

 

Đây là lớp dạy nghề sửa chữa xe gắn máy do Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm Liên đoàn Lao động tỉnh Vĩnh Long mở tại xã Nhơn Bình, huyện Trà Ôn. Lớp học có 30 học viên được học nghề miễn phí hoàn toàn.

Để tạo điều kiện cho lao động nông thôn được học nghề, đảng ủy- ủy ban nhân dân xã Nhơn Bình đã bố trí lớp học này tại một địa điểm thuận tiện, đồng thời còn tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho giáo viên dạy nghề có chất lượng.

 Về phía Trung tâm dạy nghề giới thiệu việc làm Liên đoàn Lao động tỉnh cũng bố trí một số giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, đồng thời tổ chức xây dựng và biên soạn giáo trình dạy nghề đạt chuẩn quy định của Cục dạy nghề.

 Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” tỉnh Vĩnh Long đã được triển khai thực hiện từ đầu năm 2011, đến nay đã huy động được18 cơ sở dạy nghề, với trên 240 giáo viên và các cán bộ quản lý có kinh nghiệm trong lĩnh vực dạy nghề tham gia. Trong đó có các trường trung cấp, cao đẳng nghề, các trung tâm dạy nghề công lập cấp huyện-thành phố, các trung tâm dạy nghề tư thục và các trung tâm dạy nghề của các tổ chức đoàn thể tham gia đào tạo nghề.

 Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, các đơn vị tham gia đề án đã mở được 487 lớp đào tạo nghề cho hơn 14.000 lao động. Trong đó có gần 2.000 lao động thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước, bao gồm các đối tượng là người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác. Tổng kinh phí dành cho công tác đào tạo nghề cho lao động trong năm qua là trên 8 tỷ đồng, sử dụng chủ yếu vào việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và chi phí đào tạo. Ngoài ra, ngân sách tỉnh cũng đã dành gần 3 tỷ đồng để hỗ trợ tiền ăn cho các đối tượng lao động có thu nhập thấp trong suốt thời gian tham gia học nghề.

Với phương châm đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động, thời gian qua, Ban chỉ đạo thực hiện đề án đã triển khai thí điểm mô hình đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các đơn vị sử dụng lao động. Cụ thể, là đã ký hợp đồng dạy nghề may công nghiệp, may giày da theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Một số đơn vị còn tổ chức tổ chức dạy nghề theo địa chỉ, gắn kết đào tạo nghề với giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động có hiệu quả, như Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long.

 Trường Cao đẳng cộng đồng tỉnh Vĩnh Long cũng là một trong các đơn vị  tích cực tham gia thực hiện đề án này. Trong năm 2011 vừa qua, nhà trường đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp dạy các nghề thuộc lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt, đặc biệt là tổ chức các lớp dạy kỹ thuật trồng lúa cao sản theo hình thức truyền đạt kiến thức kỹ thuật, hướng dẫn học viên là nông dân trực tiếp thực hành canh tác ngay trên ruộng lúa của mình.

 Chỉ tính riêng năm 2011, các đơn vị tham gia đề án dạy nghề đã tạo cơ hội việc làm cho hàng chục ngàn lao động nông thôn. Đối với các ngành nghề phi nông nghiệp, sau khi hoàn thành khóa đào tạo, nhiều học viên đã được gia nhập làm thành viên của các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp hoặc gia công cho các cơ sở sản xuất, các làng nghề được bao tiêu sản phẩm làm ra. 

 Đối với các nghề dịch vụ, sau khi hoàn thành khóa học, nhiều học viên đã mở cơ sở sửa chữa nhỏ tại địa phương. Qua đó đã nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. 

 Còn đối với các nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thông qua sự chuyển giao những tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các nhà khoa học đã giúp cho bà con nông dân thay đổi tập quán canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng mức thu nhập lên từ 1,5 đến 2 lần trên cùng một đơn vị diện tích canh tác.

 

 

 Có thể nói, tuy mới triển khai thực hiện hơn 1 năm nhưng đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp ủy Đảng của tỉnh Vĩnh Long trong việc chỉ đạo xây dựng, quản lý các nội dung hoạt động của đề án cho các cơ sở dạy nghề. Và cũng là kết quả từ sự tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành đoàn thể của các địa phương, đơn vị trong việc tuyên truyền, tư vấn học nghề, tổ chức nhân rộng các mô hình thí điểm, củng cố kiện toàn, thành lập thêm một số trung tâm dạy nghề, bổ sung biên chế cho các cơ sở dạy nghề công lập cũng như hỗ trợ kinh phí học nghề cho các đối tượng lao động nông thôn có thu nhập thấp.

 Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng gặp một số trở ngại. Cụ thể là công tác dạy nghề của tỉnh hiện còn bất cập. Khu vực dạy nghề công lập, dù được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị khá đầy đủ nhưng vẫn chưa thật sự thu hút nhiều lao động đến học nghề. Còn ở khu vực dạy nghề ngoài công lập, tuy có phát triển về số cơ sở đào tạo nhưng quy mô còn nhỏ, thiếu cơ sở vật chất trang thiết bị nên chất lượng đào tạo nghề chưa cao.

 Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo tăng tỷ trọng công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ diễn ra nhanh hơn, nhu cầu học các ngành nghề phi nông nghiệp của lao động nông thôn cũng sẽ tăng lên. Với mục tiêu là tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” có tổng kinh phí là trên 615 tỷ đồng. Trong đó trung ương hỗ trợ trên 435 tỷ, ngân sách tỉnh chi 155 tỷ, nguồn huy động xã hội hóa dạy nghề dự kiến là trên 24 tỷ. 

 Trong điều kiện đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, sản xuất nông nghiệp truyền thống đã đạt đến sự ổn định, thu nhập từ nông nghiệp không đủ để đáp ứng cho các nhu cầu tiêu dùng của người dân. Vì vậy, việc phát triển dạy các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, là hướng đi đúng đắn. Hiện nay, các tổ chức cơ sở Đảng của tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo các cơ sở dạy nghề công lập đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, phấn đấu đưa tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật của tỉnh đạt 55% vào năm 2015 và đạt 75% vào năm 2020 mà nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long lần thứ IX đã đề ra./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *