Bên bờ hạnh phúc

 Hiện nay các trà lúa Đông Xuân 2012-2013 ở các tỉnh ĐBSCL đang bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm. Từ những trà lúa đã thu hoạch cho thấy bà con nông dân sẽ tiếp tục có được một vụ lúa thắng lợi về năng suất.

 

Tuy vậy nếu so với cùng kỳ năm trước thì giá lúa đã sụt giảm khá mạnh. Với những diện tích đã thu hoạch thì xem ra mục tiêu đảm bảo lợi nhuận tối thiểu 30% cho người trồng lúa sẽ khó đạt được. Bà con nông dân ở ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng trúng mùa, rớt giá khi bước vào cao điểm thu hoạch vụ lúa quan trọng nhất trong năm này.

Vụ Đông Xuân 2012-2013 toàn khu vực ĐBSCL đã xuống giống được gần 1.680.000ha. Hiện đã có trên 300 ngàn ha đã thu hoạch, còn lại đang trong giai đoạn trổ chín. Một diễn biến rất đáng chú ý là do năm 2012 không có lũ và quá trình cơ giới hóa được đẩy mạnh nên toàn khu vực xuống giống rất tập trung. Theo số liệu từ Cục trồng trọt, trong khoảng thời gian nửa cuối tháng 2 đến hết tháng 3/2013 sẽ có trên 1 triệu ha lúa Đông Xuân được thu hoạch.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa Đông Xuân chính vụ. Trong khoảng 01 tháng tới đây toàn tỉnh sẽ thu hoạch trên 50 ngàn ha trong tổng số gần 65 ngàn ha lúa Đông Xuân 2012-2013. Tình hình thời tiết khô ráo, lúa ít đổ ngã, chín tập trung nên khâu thu hoạch đang diễn ra khá thuận lợi. Đáng chú ý là năng lực thu hoạch bằng máy ở Vĩnh Long đã ngày càng được nâng lên. Dù thời điểm khui đồng ở Vĩnh Long trùng với nhiều địa phương khác trong khu vực nhưng số lượng máy gặt đập liên hợp tại chỗ vẫn đảm bảo tiến độ thu hoạch cho các trà lúa trên địa bàn. Theo ghi nhận tại những diện tích đã thu hoạch cho năng suất tương đương vụ Đông Xuân 2011-2012.

Năng suất được giữ vững nhưng đa phần bà con nông dân không vui vì giá lúa vẫn duy trì ở mức thấp từ trước tết nguyên đán đến nay. Theo ghi nhận từ các địa phương đang thu hoạch trong ngày 20/2/2013 thì lúa chất lượng thấp như IR 50404 đang được thương lái thu mua lúa tươi tại ruộng dao động ở mức 4.100- 4.300 đồng/kg. Các giống lúa hạt dài  bán tại ruộng bình quân từ 4.600 – 4.700 đồng/kg, lúa thơm bán ngay sau khi thu hoạch cũng chỉ dao động ở mức 5.000 đồng/kg. Cá biệt đối với các giống lúa thơm như OM4900 nếu sản xuất với diện tích ít thì giá bán chỉ cao hơn các giống lúa thường vài trăm đồng một kg. Với mức giá này thì lợi nhuận ở những diện tích vừa thu hoạch đã sụt giảm rất mạnh so với vụ Đông Xuân 2011-2012.

Giá cả xuống thấp cộng với tình hình tiêu thụ không thuận lợi làm cho bà con nông dân đã khó càng thêm khó. Theo phản ánh của nhiều bà con thì số lượng thương lái mua lúa ở thời điểm hiện tại giảm đi rất nhiều so với các vụ mùa trước. Do đa phần bà con nông dân chuộng phương thức bán lúa tươi tại ruộng nên rơi vào tình trạng bị động. Nhiều trà lúa đã chín vàng nhưng chưa tìm được thương lái nên phải để lúa đứng trên đồng, chấp nhận năng suất sụt giảm do thất thoát trong khâu thu hoạch tăng lên. Mặt khác, ít thương lái mua lúa nên bà con nông dân không có nhiều sự lựa chọn trong việc quyết định giá bán, thua thiệt là khó tránh khỏi.

Trước tình hình trên, một số bà con nông dân đã chọn giải pháp mang lúa về phơi, trữ lại chờ giá. Tuy vậy, thực tế cho thấy đây là việc làm không phải bà con nào cũng có điều kiện thực hiện. Một mặt bà con nông dân phải bán lúa ngay sau thu hoạch để thanh toán các chi phí đầu vào và trang trải cuộc sống vì cây lúa là nguồn thu nhập chính của gia đình. Mặt khác, hiện nay rất nhiều nông hộ thiếu hụt nhân công, không có sân phơi, kho bãi bảo quản đúng quy chuẩn. Dù có điều kiện giữ lúa lại thì đến khi tiêu thụ cũng sẽ gặp nhiều khó khăn do sản lượng hạn chế. Từ những yếu tố trên nên đa phần bà con nông dân vẫn chọn phương thức bán lúa tươi tại ruộng dù giá cả rất thấp.

 

Để cải thiện giá cả và tình hình tiêu thụ, ngày 07/02/2013 Chính phủ đã ban hành quyết định về thu mua tạm trữ lúa gạo trong vụ Đông Xuân 2012-2013 ở ĐBSCL. Theo đó, Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo tương đương 2 triệu tấn lúa. Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ. Thời hạn mua tạm trữ từ ngày 20/2 đến hết ngày 31/3/2013. Các đơn vị thực hiện mua lúa gạo tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.

Tổng sản lượng lúa trong vụ Đông Xuân ở ĐBSCL ước đạt khoảng 10 triệu tấn, trong đó từ 50-60% là lúa hàng hóa. Do đó, với việc thu mua tạm trữ 2 triệu tấn lúa của Chính phủ, tương đương khoảng 30% sản lượng lúa hàng hóa, được nhiều bà con nông dân kỳ vọng sẽ cải thiện giá cả thu mua và tình hình tiêu thụ lúa Đông Xuân 2012-2013 ở ĐBSCL trong thời gian tới đây. Ngay trong ngày 21/2 thì một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu triển khai kế hoạch thu mua tạm trữ.

Việc giá lúa sụt giảm ngay vào cao điểm thu hoạch đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của bà con nông dân. Tuy vậy có thể khẳng định rằng, đây không phải là chuyện mới đối với ngành sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL. Vấn đề là phải làm thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại cho bà con nông dân một khi có sự biến động giá cả từ thị trường tiêu thụ.

Là vùng cung ứng trên 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, do đó giá cả lúa gạo ở ĐBSCL phụ thuộc rất nhiều vào thị trường xuất khẩu. Theo dự báo của Hiệp hội lương thực Việt Nam, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đầu năm 2013 sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu hợp đồng tập trung gối đầu quý 1 như các năm trước. Kèm theo đó là số lượng các hợp đồng thương mại cũng ở mức thấp nên tiến độ xuất khẩu sẽ bị chậm trong quý 1/2013.  Điều này cũng lý giải phần nào giá lúa ở ĐBSCL trong thời gian qua không như mong muốn của bà con nông dân.

 Trong phạm vi cả năm 2013 thì tình hình xuất khẩu gạo cũng được dự báo là sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Các thị trường truyền thống của nước ta như Philippines và Indonesia tăng cường sản xuất, thực hiện chính sách tực túc lương thực. Ngay cả thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của nước ta trong năm 2012 cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro khó lường.

Trong bối cảnh tình hình xuất khẩu được dự báo là sẽ gặp nhiều khó khăn, giá gạo chịu áp lực cạnh tranh mạnh mẽ cả ở những thị trường truyền thống cũng như mới nổi thì sự gia tăng giá thành sản xuất là một yếu tố đáng quan ngại. Theo số liệu từ Bộ NN&PTNT, giá thành sản xuất 01 kg lúa trong vụ Đông Xuân 2011-2012 ở ĐBSCL bình quân là 3.357 đồng. Ước tính năm nay tăng thêm từ 200-300đồng/kg lúa do giá cả các yếu tố đầu vào tăng. Giá thành trong vụ Hè Thu còn có xu hướng vượt qua mức 4.000đồng/kg. Từ thực tế này thì vấn đề nâng cao chất lượng hạt gạo, hạ giá thành sản xuất là nhu cầu bức thiết để bà con nông dân cải thiện thu nhập từ cây lúa.

Giá lúa đang có xu hướng tăng nhẹ trong những ngày gần đây đang mang lại hi vọng cho những trà lúa Đông Xuân 2012-2013 sắp thu hoạch. Tuy nhiên, với những dự báo về thị trường xuất khẩu trong năm 2013 cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn cho ngành sản xuất lúa gạo. Trong bối cảnh này thì bà con nông dân đang rất cần tiếp tục có những chủ trương, chính sách hỗ trợ sản xuất. Đồng thời việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại của các cơ quan chức năng và Hiệp hội lương thực Việt Nam sẽ có vai trò hết sức quan trọng nếu muốn đạt chỉ tiêu xuất khẩu từ 7,5 -7,6 triệu tấn gạo trong năm 2013.

Ở ĐBSCL đã và đang tồn tại một nghịch lý là dù năng suất lúa, sản lượng gạo xuất khẩu đều tăng lên hàng năm nhưng lợi nhuận cho người trồng lúa thì lại rất bấp bênh. Với những diễn biến ở thời điểm hiện tại cho thấy, bà con nông dân ở ĐBSCL đang rất cần những giải pháp mang tính bền vững hơn để không phải thường xuyên đối mặt với tình cảnh trúng mùa rớt giá như những gì đã và đang diễn ra.

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *