Bên bờ hạnh phúc

Người nuôi cá tra đang gặp khó khăn do giá cả bấp bênh

Tại ĐBSCL, giá cá rất thất thường. Trong những tháng gần đây, giá cá tra giảm mạnh (giá cá tra nguyên liệu dao động ở mức 15.500 – 15.900 đồng/kg) trong khi giá thức ăn tăng liên tục, có tháng 4 – 5 lần điều chỉnh giá. Theo bà con, với giá thành nuôi cá từ 15.000 – 15.500/kg thì người nuôi chỉ có từ huề vốn tới lỗ. Do giá cả không ổn định, giá thức ăn cao và lượng tiêu thụ cá chậm đã làm cho người nuôi không mạnh dan đầu tư, nhiều nơi bà con đã treo ao, diện tích thả nuôi mới thì không được bao nhiêu. Điều này sẽ gây khó khăn về nguồn nguyên liệu để chế biến xuất khẩu vào những tháng cuối năm.

Bà Văn Lệ Trinh, ở ấp Thuận Thới, xã An Phước, huyện Mang Thít, có 1 ao với diện tích hơn 1.500 mét vuông. Bà cho biết, gia đình vừa thu hoạch xong ao cá với sản lượng trên 80 tấn cá thương phẩm, bán với giá 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, đợt cá nuôi lần này huề vốn. Bà cho biết, do ao cá không lớn và vốn nhà bỏ ra khá nhiều nên việc vay vốn ngân hàng ít đi , do đó không đóng lãi suất nhiều và không bị lỗ như các hộ khác. Với tình hình tiêu thụ chậm, đầu ra quá bếp bênh và giá cá tra thương phẩm tụt thấp, bà quyết định không nuôi tiếp, ao cá đành phải bỏ trống.

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh có trên 400 ha ao hầm nuôi cá tra thâm canh. Do tình nuôi cá đang tiếp tục gặp khó khăn nên đến thời điểm cuối tháng 6.2010, đã có trên 100 ha ao khi thu hoạch xong vẫn bỏ không chưa thả cá trở lại, trên 22 ha ao chuyển sang nuôi các đối tượng thủy sản khác như cá điêu hồng, rô phi, cá trê. So với cách nay hơn 1 tháng, số lượng ao bị treo tăng trên 20 ha. Các địa phương có diện tích ao nuôi cá tra bỏ trống nhiều là huyện Mang Thít (25,3 ha), Long Hồ (19,9 ha) và Vũng Liêm (19,8 ha). Nguyên nhân là do giá cá tra nguyên liệu tụt giảm, trong khi đó giá thức ăn tăng cao, nếu tính ra giá thành sản xuất thì nuôi cá tra hiện tại không có lời, thậm chí bị lỗ. Vì thế, nông dân rất ngán ngại và không đầu tư nuôi tiếp.

Giá thành nuôi cá tra hiện nay khá cao, nhưng ngược lại, giá bán cá thương phẩm tụt thấp nên không kích thích người dân đầu tư nuôi. Song, không phải là “tuyệt vọng” bởi chỉ có những hộ nuôi nhỏ lẻ do không “đủ lực” nên phải treo ao, số đông còn lại vẫn tiếp tục duy trì nuôi. Để cho nghề nuôi cá tra phát triển bền vững hơn, ngoài vấn đề thị trường và giá cả đầu ra, vấn đề cần thiết đặt ra là phải có một giải pháp đồng bộ và hiệu quả từ phía nhà nước và ngành chuyên môn. Trong đó, việc qui hoạch vùng nuôi, diện tích nuôi và sự liên kết giữa doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu với người nuôi cá là những vấn đề phải quan tâm giải quyết nhằm đảm bảo cân đối cung – cầu, hạn chế xảy ra rủi ro cho người nuôi cá.

Ngoài ra, người nuôi cá cũng nên nâng cao tính chuyên nghiệp trong sản xuất để hạ giá thành. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải đổi mới phương thức thu mua cá nguyên liệu, cân bằng giữa xuất khẩu và tiêu thụ nội địa sản phẩm cá tra và tránh tình trạng không có hợp đồng xuất khẩu. Có như thế nghề nuôi cá tra xuất khẩu mới phát triển ổn định, bền vững.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *