Bên bờ hạnh phúc

Cách nay hơn 4 năm, ấp Tân Phước xã Tân Bình, huyện Bình Tân này còn là vùng trồng lúa. Tuy là vùng đất gò cao nhưng đến mùa lũ về bà con vẫn bỏ từ 2 đến 3 tháng không canh tác được. Còn lại các vụ khác, thường bà con đều trồng lúa hoặc thỉnh thoảng xen vào một vụ mè cây, bắp,…. thu nhập bấp bênh.

Gia đình của anh Nguyễn Tấn Lộc cùng có 6 công đất ở đây, anh cũng gặp những khó khăn tương tự. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, được Nhà nước đầu tư hệ thống đê bao khép kín, mỗi năm canh tác 3 vụ ăn chắc, bà con bắt đầu chuyển đổi mô hình theo chủ trương của Nhà nước là tăng cường đưa cây màu xuống ruộng, đồng thời chọn lọc những cây có giá trị kinh tế cao canh tác để tăng dần thu nhập cho bà con.

 

 Cũng như nhiều nông dân khác, do trồng lúa không hiệu quả nên gia đình anh Lộc chuyển sang trồng khoai lang và một số rau màu khác. Mỗi năm thường anh trồng 2 vụ, một vụ từ tháng 3 đến tháng 7 âm lịch, một vụ từ tháng 10 âm lịch đến tháng 02 năm sau. Các tháng còn lại để sả lũ lấy phù sa… lợi nhuận mỗi vụ 50 đến 70 triệu đồng, cá biệt có thời điểm thu lãi gần trăm triệu đồng.

Anh Lộc cho biết, do vùng đất ở đây nằm cặp tuyến sông Hậu, lũ về sớm nhưng cũng rút sớm. Trong khi các xã khác nằm  phía trong như Tân Thành, Thành Trung còn đang mùa lũ thì ở ấp Tân Phước này lũ đã rút. Do đó, đầu tháng 10 âm lịch hàng năm bà con ở đây đều có cơ hội xuống khoai sớm và vì vậy khi bán cũng có giá khá hơn. 

Riêng năm nay, thấy tình hình cây hành có chiều hướng thuận lợi, ngay từ đầu năm, anh Lộc thuê thêm 01 công đất để trồng hành. Tuy lần đầu tiên canh tác cây màu đặc sản của xã mình, nhưng anh Lộc vẫn có sự thành công ngoài mong đợi. Vụ đầu anh thu được 40 tạ, giá bán khoảng 680 đồng/tạ, sau khi bỏ chi phí khoảng 10 triệu đồng/công, anh thu lãi 15 triệu. Đây là vụ thứ 2, anh tiếp tục trồng hành, cũng sắp đến ngày thu hoạch, với tình hình giá thuận lợi, anh dự đoán sẽ thu lãi khoảng 10 triệu đồng.

Vụ tiếp theo anh Lộc không tiếp tục trồng hành nữa mà xuống giống cải bắp de để đổi đất. Theo anh Lộc chia sẻ, nếu tiếp tục trồng hành nữa thì năng suất sẽ giảm, dễ phát sinh dịch bệnh. Đồng thời anh cũng cho biết sau vụ hành thuận lợi đầu năm, hiện nay, diện tích trồng hành trên địa bàn xã nói riêng và của cả huyện Bình Tân nói chung đã tăng hơn 300 ha, anh lo ngại giá cả sẽ bị bất lợi, vì vậy, sự lựa chọn tốt nhất của anh bây giờ là trồng cây khác, tuy lời ít hơn nhưng an tâm hơn.

 

Từ năm 2009 đến nay, diện tích cây màu của tỉnh tăng bình quân gần 10%/năm và sản lượng rau màu tăng 11,5%/năm. Cụ thể năm 2011, toàn tỉnh Vĩnh Long có trên 36.600 ha cây màu được xuống giống với sản lượng đạt trên 650 ngàn tấn, tập trung nhiều ở các huyện Bình Tân, Long Hồ, Vũng Liêm,… Trong đó, có trên 50% diện tích đất trồng lúa chuyển dịch sang trồng màu hoặc luân canh lúa màu, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con. Cụ thể các mô hình trồng mè, khoai lang, hành lá, xà lách soong, rau diếp cá,… đều có lợi nhuận từ 70 đến 1 đến 140 triệu đồng/ha/năm. đây là hướng chuyển dịch đúng theo định hướng của tỉnh, của ngành.

Đi đúng định hướng là một chuyện, nhưng làm thế nào để hạn chế những rủi ro, hạn chế những tác động bất lợi của thị trường nhằm đảm bảo luôn luôn đạt lợi nhuận cao trên đơn vị đất sản xuất của gia đình đó là điều mà mỗi người nông dân cần phải tự nghiên cứu, học hỏi. Anh Nguyễn Tấn Lộc chính là người như thế. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội Nông dân của xã, sự thành công với mô hình trồng màu trên đất lúa, anh Lộc xứng đáng là người nông dân gương mẫu thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu  cây trồng tại địa phương.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *