Bên bờ hạnh phúc

          Những vị lão thành cách mạng này đã trải qua biết bao năm tháng gay go của cuộc chiến chống ngoại xâm. Gian khó, hiểm nguy, mất mát, và chiến thắng… Trong những buồn, vui, được, mất – kỷ niệm về một thời lửa đạn ấy, bao giờ cũng có những câu chuyện ân tình. Đó là những người dân Nam bộ nghèo khó, hiền lành, nhưng không sợ hiểm nguy, nuôi chứa cán bộ cách mạng ngay trước mắt kẻ thù, viết nên câu chuyện nghĩa ân, tình dân với Đảng.

          Ân tình ấy luôn được khắc ghi trong trái tim người còn sống hôm nay. Và Tết nào cũng vậy, khi đất trời ấm áp vào xuân, những người con của dân của Đảng này lại tìm về chốn cũ để thăm viếng và tri ân những gia đình đã một thời đi cùng kháng chiến. 

          Cảnh cũ đã có quá nhiều thay đổi…

          Tết này, ông Trịnh Văn Lâu , nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long đã được 85 tuổi. Những người nuôi chứa ông năm xưa thì đa phần cũng ngần ấy tuổi trở lên, hầu hết đã không còn nữa. Hôm nay trở lại đây, ký ức về những ngày sống, làm việc ở từng căn hầm, góc nhà, mái che của dân, tình dân lại tràn về…

          Dù tuổi cao, sức đã yếu nhưng năm nào ông Trịnh Văn Lâu cũng ít nhất một lần về thăm lại Bình Phước – Mang Thít và An Bình – Long Hồ, thắp nén nhang tri ân những người đã khuất.

          Gia đình nào cũng nặng nghĩa nặng ơn. Mỗi nơi đều đầy ắp kỷ niệm. Những phút giây cận kề cái chết thì càng không thể quên. Như đối với gia đình này, ông Hồ Văn Bảy – là người đào đến 2 căn hầm : một trong nhà, một ngoài vườn để nuôi chứa ông Trịnh Văn Lâu trước đây. Ông Bảy đã mất hơn 10 năm, nay chỉ còn người vợ. 

          Gian khó càng làm người kháng chiến bền bỉ và linh hoạt. Trước sự truy lùng gắt gao của địch thời ấy, từng gia đình nuôi chứa đã có những cách che giấu đầy sáng tạo, bảo vệ an toàn cán bộ. Về thăm nơi ẩn náu an toàn ngày ấy, ông Trịnh Văn Lâu bồi hồi nhớ người cũ, cảnh xưa. 

          Hai người nằm dưới mộ này là vợ chồng ông bà Lê Văn Hưởng và Trần Thị An , được an táng nơi đây, trong chính huyệt mộ đã được đào sẵn từ những năm 1950 , dành làm chỗ trú ẩn cho nhiều cán bộ lúc ấy… Ông Trịnh Văn Lâu khi đó là Bí thư Thị xã ủy Vĩnh Long thường qua lại công tác khu vực này, xã An Bình huyện Long Hồ , cũng nhiều lần phải ẩn náu ngay trong huyệt mộ.

           Ngày gặp lại luôn đầy ắp những câu chuyện ngày xưa. Ở đây là câu chuyện về người chủ nhà sáng tạo , lấy trần nhà làm nơi trú ẩn  an toàn cho cán bộ.

          Người chủ nhà – ông Đỗ Văn Thọ, vẫn ấn tượng  sâu sắc về ông Trịnh Văn Lâu những ngày sống trong nhà mình, luôn nhắc đến với lòng ngưỡng mộ chân thành.

          Dường như thời gian vẫn đang dừng lại ở ngày xưa. Giữa họ, ân tình vẫn thắm thiết như những ngày “anh ẩn náu ở nhà tôi, tôi cố gắng lo cho anh”. Và những người dân đầy can đảm và giàu tình cảm này , có gì ngon cũng để dành cho cán bộ. 

          Nhiều người xưa nay đã không còn. Không bao lâu nữa, ông Trịnh Văn Lâu cũng sẽ không còn có dịp gặp lại những người đã bảo bọc mình. Nhưng dẫu người vẫn còn hay đã mất, ông vẫn nói lòng cứ dặn lòng, còn đi được thì vẫn sẽ còn tìm về nơi này để tưởng nhớ, tri ân.  

          Dáng gầy, trông đã liêu xiêu , tuổi cao sức yếu, Tết nầy người cán bộ cách mạng năm xưa vẫn tìm về chốn cũ. Ai cũng có những câu chuyện về những gia đình từng nuôi chứa cán bộ, và ông Hồ Minh Mẫn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cửu Long  cũng vậy. Ân tình sâu nặng không hề phai nhạt. 

          Gia đình này có đến 3 đời nối tiếp nhau cùng nuôi chứa cán bộ cách mạng từ thời kỳ chống Pháp đến chống Mỹ. Ông Đặng Văn Bộn – người trực tiếp che giấu ông Hồ Minh Mẫn đã mất, chỉ còn người con là ông Đặng Văn Bổn nay đã ở tuổi 83 và các cháu trong nhà cũng đã quá tuổi trung niên… Những năm 1957, 1958, khi ông Hồ Minh Mẫn ở đây, xã An Bình – Long Hồ, những người này chỉ  khoảng 5, 6 tuổi.

          Sống trong vùng địch chiếm , nhưng ông Hồ Minh Mẫn và nhiều cán bộ cách mạng thời ấy vẫn an toàn. 

          Là cơ sở an toàn cho nhiều cán bộ thị xã ủy đến tỉnh ủy qua nhiều giai đoạn, gia đình ông Đặng Văn Bộn có nhiều chổ trú ẩn khác nhau, như chiếc đi văng 2 ngăn …         

          Có người đã hy sinh để giữ an toàn cho những cán bộ cấp cao còn lại hôm nay. Người còn sống luôn nuối tiếc và nặng nghĩa ân với người đã khuất.

          Ngày gặp lại, ông Hồ Minh Mẫn và mấy chị em của bà Nguyễn Thị Trầm, ông Nguyễn Văn Thời ở xã Long An huyện Long Hồ có những tâm trạng bồi hồi , vui mừng ngày họp mặt, tiếc nhớ người đã đi xa …

          Món ăn thôn quê dân dã này luôn làm ngọt lòng và gợi nhớ những ngày xưa . Món ăn quen, câu chuyện cũng quen nhưng cứ muốn nhắc mãi, vì ân tình này là vĩnh viễn. 

          Có những tên gọi đã đi vào lòng người như tên ông 6 Miền Nam – ý nói là người tốt nhất miền Nam. Cái tên do cán bộ ta trìu mến đặt cho vì cảm kích trước chân tình của ông Nguyễn Văn Sỏi, cha của ông Nguyễn Văn Trầm, xã Tân Quới huyện Bình Tân. Và cái tên ấy cũng gắn liền với nhiều câu chuyện nuôi chứa cán bộ đầy ơn nghĩa, về một địa chỉ đỏ mà ông Nguyễn Ký Ức luôn tìm về để tri ân mỗi dịp Tết đến Xuân về .         

          Việc nuôi giấu cán bộ từ đời cha đến đời con, như một nhiệm vụ thiêng liêng mà các gia đình giáo dục và trao lại cho con cháu. Vợ chồng ông 2 Trầm- con của ông 6 Miền Nam,  cũng nối tiếp cha mẹ mình hết lòng nuôi giấu cán bộ. Cuộc sống nghèo khó túng thiếu, hay bị địch bắt bớ đánh đập tra tấn… chưa bao giờ là rào cản để họ thôi nuôi chứa cách mạng.

          Bao kỷ niệm dâng trào. Ngày hạnh ngộ có quá nhiều cảm xúc. Ân tình xưa thật lớn lao. Nếu không có họ, không biết cuộc chiến còn gian nan đến nhường nào, và biết đâu đã không còn  người đang sống hôm nay.

          Ông Huỳnh Minh Nhựt năm nay đã lên tuổi 96. Tai ông không còn nghe được những gì ông Nguyễn Ký Ức nói, nhưng từng kỷ niệm về một thời anh 9 Oanh , tức ông 6 Ức cùng tiểu đoàn Lý Thường Kiệt tá túc ở nhà mình, nay thuộc xã Thành Lợi huyện Bình Tân, ông vẫn không quên.

          Ông Huỳnh Minh Nhựt không chịu trả lời câu hỏi của chúng tôi vì sao nghèo khó, nguy hiểm mà vẫn nuôi chứa anh 9 Oanh cùng cả tiểu đoàn lúc ấy. Ông cứ kể mãi, kể mãi những chuyện xưa của anh 9 như kể về thần tượng của lòng mình. Đến khi anh  9 Oanh – Nguyễn Ký Ức ra về, ông vẫn không thôi tình cảm của ngày kháng chiến.

          Những căn nhà nối tiếp với nhà ông Nhựt trước đây như khu căn cứ an toàn, vững chắc. Nhiều người cũ lần lượt ra đi, người còn sống mãi mãi tri ân sâu sắc.

          Người cựu Bí thư Tỉnh ủy nhiều thời kỳ này thường có sự so sánh giữa xưa và nay. Ông nói , nay Tỉnh ủy là cơ quan biệt lập, nhưng ông và những người cùng thời nhớ mãi ngày xưa, cơ quan tỉnh ủy là những góc hầm, mái nhà của dân. Tỉnh ủy ăn, ở, làm việc trong nhà dân. Bất kỳ nơi đâu trên khắp các nẻo đường họ đi qua , đều có những căn nhà làm thành cơ quan tỉnh ủy an toàn và ấm áp nghĩa tình. 

          Chiến tranh đã qua đi mấy mươi năm, những cán bộ cách mạng ngày xưa nay đã bạc trắng mái đầu. Nhưng câu chuyện ân nghĩa vẫn níu chân người trở lại nơi này, trở lại những căn cứ lòng dân vững chắc.

         Những chuyến đi tìm về với cội nguồn, với những ân tình trong kháng chiến ./.

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *