Bên bờ hạnh phúc

Hội thảo do Tỉnh ủy Vĩnh Long phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học- Công nghệ Việt Nam và Học viện Chính trị- Hành chính Quốc gia tổ chức vào ngày 10/9/2013 nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, nhằm tôn vinh công lao đóng góp của ông đối với quê hương đất nước, góp phần vinh danh một nhà khoa học lớn của cách mạng Việt Nam.

 

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long với các đại biểu Trung ương tham dự hội thảo 

 

Ngổn ngang một gánh tình riêng

Kể lại những câu chuyện bằng tình cảm chân thành, với sự thấu hiểu sâu sắc về cuộc đời Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, ông Trần Văn Đức- thư ký riêng của giáo sư đã giúp cho chúng ta hình dung được ý chí của một chàng trai yêu nước Phạm Quang Lễ, mới 17 tuổi đã mang những hoài bão, ước mơ to lớn: Giúp dân mình thoát khỏi cảnh lầm than. Rồi những ngày đầu sang Pháp học tập, những biến cố gia đình… đã thật sự làm xúc động mọi người.

Ông Trần Văn Đức kể lại: Người mẹ ngạc nhiên, khi thi đậu 2 bằng tú tài, tại sao Phạm Quang Lễ không ra Hà Nội học tiếp, mà lại xin đi làm? Ông mới trình bày: “Muốn chờ thời cơ ra nước ngoài để có điều kiện học chuyên sâu về vũ khí. Có thể giúp dân, giúp nước nhiều hơn. Ý đồ của con là như vậy”.

Khi có được học bổng sang Pháp, ông đã học về ngành cầu đường. Bởi người dân nước thuộc địa làm sao có thể học về vũ khí được. Nhưng ngành cầu đường thì có thể học được về mìn, chất nổ, để xuyên phá núi. Trong khi học được lãnh mỗi tháng 800 franc, thì ông gởi về cho mẹ 300 franc.  

 

Ông Trần Văn Đức 

 

Bỗng nhiên, mấy tháng trời Phạm Quang Lễ không nhận được thư chị, sau đó người cậu viết thư sang thì mới biết, người chị gái đã bị nước cuốn trôi trên dòng sông Măng Thít, trong khi bơi xuồng đi mua thức ăn cho heo.

Vội vã quay về nước, đến trước nấm mồ chị, Phạm Quang Lễ khóc mà nói rằng: “Chị ơi, em thương chị lắm chị ơi! Gần 30 tuổi đầu, chị chưa có gì riêng tư, chưa có được hạnh phúc gia đình”. Phạm Quang Lễ muốn tạm dừng việc học, để ở bên cạnh lo cho mẹ già, nhưng nghe lời mẹ, Lễ đành bấm bụng ra đi.

Và quay sang Paris lần này, chàng sinh viên Phạm Quang Lễ đã học bằng một ý chí ghê gớm, cùng một lúc đăng ký vào nhiều trường đại học. Cho đến ngày được gặp Bác Hồ, đó là bước ngoặt lớn, đã làm thay đổi hoàn toàn, từ thanh niên Phạm Quang Lễ, để trở thành nhà khoa học lớn Trần Đại Nghĩa. Người đặt nền móng cho khoa học Việt Nam.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), không giấu được cảm xúc, ngưỡng vọng và sự hào hứng khi nhắc về người thầy của mình: Tôi được biết về bác Nghĩa lúc còn học cấp 2 (năm 1952), trong kháng chiến chống Pháp.

Lúc đó, bác Nghĩa là nhân vật huyền thoại mà tôi không nghĩ là mình có cơ hội được gặp. Số phận tôi có may mắn là được bác gọi đến và giao việc năm 1967. Và từ đó suốt 20 năm- cho đến năm 1987, tôi làm việc và được sự chỉ bảo tận tình của bác Nghĩa- người thầy vĩ đại của tôi.

Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu 

 

Ngay giữa lúc Mỹ ném bom miền Bắc dữ dội, trong suốt 8 năm trời, bác Trần Đại Nghĩa đã lập ra quy hoạch, tập hợp lực lượng khoa học để chuẩn bị phục vụ cho một đất nước thống nhất, nhằm phát triển đất nước nhanh chóng ngay sau khi chiến tranh kết thúc. Và hồi đó đã hình thành rất nhiều nhóm khoa học nghiên cứu: toán học, sinh học, cơ học, vật lý, hóa học…

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của “vị tổng chỉ huy” Trần Đại Nghĩa, các nhóm nghiên cứu đã phủ kín tất cả các ngành khoa học ở Việt Nam. Có thể nói công lao của bác Nghĩa trong 8 năm trời ấy là hết sức to lớn và quan trọng. Mà tôi hết sức sung sướng đã được làm việc cùng với bác trong những tháng năm đầu tiên đó và cho đến tận mãi sau này.

Cơ duyên được gặp Bác Hồ

Tổng kết hội thảo khoa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý- Phó Giám đốc Học viện Hành chính Quốc gia TP Hồ Chí Minh khái quát: Sinh ra trong gia đình nhà nho nghèo, Phạm Quang Lễ đã tiếp thu sự giáo dục, tinh hoa của đạo lý, truyền thống gia đình, quê hương. Lớn lên trong hoàn cảnh gia đình liên tiếp xảy ra cảnh đau lòng mất mát, nhưng vẫn nuôi trong lòng ý chí học tập, hoài bão, ước mơ cao đẹp. 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Quốc Lý 

 

Bên cạnh nhân cách, tư chất bẩm sinh, được thừa hưởng từ gia đình, dòng họ, quê hương; bên cạnh ý chí quyết tâm, sự khổ luyện, nỗ lực vươn lên của bản thân, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa có cơ may lớn là gặp được Chủ tịch Hồ Chí Minh- một hiện thân của tinh hoa dân tộc, được Người trực tiếp giác ngộ và hướng tài năng lớn vào con đường cách mạng, cống hiến, phục vụ Tổ quốc.

Chàng thanh niên Phạm Quang Lễ năm xưa và Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa sau này đã phấn đấu vượt khó vươn lên bằng ý chí, nghị lực phi thường, trở thành một vị tướng, một nhà khoa học lớn, làm vinh danh rạng rỡ cho khoa học Việt Nam.

 



Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Đặng Thị Ngọc Thịnh chụp hình lưu niệm với Đại tá Trần Dũng Trí- con trai cả Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa 

 

Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long khẳng định: Buổi hội thảo không chỉ tôn vinh một con người xuất chúng về cuộc đời, sự nghiệp, tài năng, nhân cách, những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa mà còn góp phần ôn lại những chặng đường cách mạng, kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẻ vang của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.  

Theo Ngọc Trảng – Thúy Quyên ( Vĩnh Long Online )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *