Bên bờ hạnh phúc

Mang tên Hồ Thiên Nga, cái tên vừa đẹp vừa sang, gợi liên tưởng đến một vở múa balê, nhưng sao đời chị lại tận cùng đau khổ.

Đường dài của mẹ, đường học cho con

Chị Nga giữa hàng người chờ xin cơm từ thiện

Vừa bệnh bướu cổ, vừa bệnh tim, đôi mắt lồi ra, thân hình tiều tuỵ, hơi thở đứt nghẹn từng cơn, không ai dám thuê chị làm việc, dù là việc nhà. Nếu không ăn xin thì lấy gì để nuôi ba đứa con ăn học. Chị chấp nhận thân phận của mình bằng một cảm giác rất lạ, cảm giác của một người sống bằng lòng từ bi của xã hội.

Tôi tạm dùng đồng hồ xe để đo đoạn đường từ nơi chị ở trọ – số 16/21 đường Phạm Văn Chiêu, phường 13, Gò Vấp – đi qua Lê Đức Thọ, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Nghi, Lê Quang Định, Nơ Trang Long đến bệnh viện Ung bướu: gần 9km, nghĩa là mỗi ngày chị đi bộ 18km đi về. Vị chi bảy năm qua, chị đã đi bộ hơn 40.000 cây số, gần bằng chu vi trái đất! Để có chén cơm từ thiện cho con, đó là cách lựa chọn cuối cùng của chị. Cứ ba giờ sáng, chị ra đi, bằng sức vóc của người đàn bà mang trong mình hai căn bệnh hiểm nghèo, chị lê từng bước chậm, mất gần ba giờ mới đến nơi. Nhận cơm xong, phải mất gần ba giờ nữa chị mới về đến nhà. Rồi để có tiền mua quần áo, sách vở cho con, để có tiền thuê nhà trọ, buổi chiều chị lại lang thang ở các giáo đường trong quận để cầu khẩn, van xin từng đồng bạc lẻ.

Có ai ngờ rằng, phía sau người đàn bà hành khất ấy là ba đứa trẻ ngoan ngoãn, thông minh và học giỏi.

Bao giờ những người dân được gọi là “lớp nghèo thành thị” mới có cơ hội đổi đời? Chị cứ hỏi và tự trả lời: đó là con đường học vấn.

Chị mang danh “lớp nghèo thành thị” ngay từ khi mới được sinh ra trong căn nhà ổ chuột giữa Sài Gòn. Cha chị là một phụ hồ, mẹ chị cùng với gánh hàng rong trên vai là tiếng rao dọc dài khắp hang cùng ngõ hẻm. Rồi bỗng một ngày, cha chị bỏ đi khi ba chị em chị còn nhỏ xíu. Rồi một ngày khác, mẹ chị ngã bệnh, căn nhà ổ chuột ra đi nhưng không mang lại đủ tiền thuốc thang. Từ đó chị mất tất cả, nhà cửa lẫn mẹ cha; ba chị em chia tay nhau đi tìm kế mưu sinh, chị với chị Phượng đi phụ bán quán cơm, thằng em út đi làm công nhân, mỗi người một căn phòng trọ.

Chị Phượng lấy chồng, sinh con. Chị cũng lấy chồng, sinh con. Chồng chị cũng làm phụ hồ, giống ba chị ngày xưa. Rồi một ngày, người chồng cũng biệt tăm như ba chị ngày xưa khi chị đã có một đứa con trai và cái bào thai năm tháng. Đã thế, cả hai vợ chồng chị Phượng qua đời, để lại đứa con trai mười tuổi. Trong cảnh làm thuê ở mướn, chị phải gồng gánh ba đứa trẻ.

Phận người giậu đổ bìm leo là thế, không ai có thể thuê mướn một người giúp việc trong tình trạng bụng mang dạ chửa, lại thêm hai chứng bệnh ngặt nghèo, đôi mắt cứ lồi ra, thân hình tiều tuỵ, hơi thở đứt nghẹn từng cơn. Ngày chuyển dạ, chị lên xe buýt, tìm đến giám đốc bệnh viện Từ Dũ, kể hết hoàn cảnh của mình. Bé Minh Quân ra đời trong sự cưu mang của những người thầy thuốc.

Trở về căn phòng trọ, nhìn ba đứa trẻ, chị luôn tự hỏi, lấy gì để nuôi chúng trong chặng đường dài sắp tới? Tương lai của chúng rồi sẽ ra sao? Nghe nói ở bệnh viện Ung bướu, hàng sáng chùa Bảo Vân có phát cơm chay cho bệnh nhân nghèo, chị lần mò đến đó, trình bày hoàn cảnh của mình, và mỗi ngày chị được nhận bốn suất cơm chay, cả sáng lẫn chiều, suốt bảy năm qua.

Không chỉ đáng thương mà còn đáng nể

Người mẹ hành khất giữa hai con

Đã có cái ăn để sống, nhưng sống để làm gì? Chị nói với các con: “Muốn thoát khỏi cái kiếp “lớp nghèo thành thị” như đời ông bà, cha mẹ, các con chỉ có sự lựa chọn duy nhất là con đường học vấn, đừng mặc cảm, đừng tủi phận vì các con là con của người mẹ ăn mày mà hãy nhìn thẳng vào đời mẹ mà quyết tâm làm người tử tế, làm người có học…” Thấu hiểu lời mẹ dạy, bé Thạch lớp 9, bé Tâm lớp 5, bé Quân lớp 2 chưa bao giờ có một ngày bỏ học dù trải qua những lúc ngặt nghèo.

Khi tôi bước vào căn phòng trọ, ba đứa trẻ lễ phép khoanh tay, cúi đầu chào khách. Nhìn chúng ngoan ngoãn, gương mặt xinh xắn, khôi ngô, dường như tôi quên đi cái phận nghèo của chúng, và cả với chị, và thật sự cảm phục thay cho lòng thương xót trước thân phận của người mẹ ăn mày.

Chị Huệ, chủ tịch hội Chữ thập đỏ phường 17 Bình Thạnh, người dẫn đường cho tôi đến đây đã kể rằng, tình cờ chị gặp chị Nga trong lần đi phát cơm từ thiện ở bệnh viện Ung bướu cách đây bảy năm; nghe chị Nga kể câu chuyện của mình, chị nửa tin nửa ngờ nên âm thầm theo dõi để rõ thực hư. Chị nói: “Tôi làm công tác từ thiện, hàng ngày tiếp cận với người nghèo, thậm chí tận cùng của cái nghèo. Nhưng phần đông là họ đáng thương, còn đáng nể như chị Nga thì quả thật hiếm hoi”.

Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *