Bên bờ hạnh phúc

Chiều 5/6, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.  

 

Thành phố Hồ Chí Minh là hạt nhân vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

 

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được xác định là vùng đi đầu phát triển trong một số ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất phần mềm, các dịch vụ thương mại, kho vận, tài chính, viễn thông, du lịch, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh quốc tế, tạo động lực cho quá trình phát triển kinh tế-xã hội của cả nước.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh sẽ là trung tâm dịch vụ tầm cỡ khu vực Đông Nam Á về tài chính, thương mại, du lịch, giao lưu quốc tế; là trung tâm giáo dục đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao cho các vùng lân cận và cả nước; là trung tâm chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ hàng đầu của cả nước.

Quy hoạch đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của vùng giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 8,5-9%/năm (giai đoạn 2011-2015 đạt 8-8,5%/năm). Đến năm 2020, các ngành công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm 95-96% tổng GDP, trong đó tỷ trọng dịch vụ khoảng 44%.

GDP bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 3.900-4.000 USD và đạt trên 5.000 USD vào năm 2020. Giá trị xuất khẩu bình quân đầu người tăng lên 3.700 USD năm 2015 và là 5.400 USD vào năm 2020. Tốc độ đổi mới công nghệ đạt bình quân khoảng 20%/năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 đạt khoảng 85%.

Giai đoạn 2021-2030, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 8,0-8,5%/năm. GDP năm 2030 gấp khoảng 2,2 lần so với năm 2020. GDP bình quân theo đầu người năm 2030 đạt khoảng 12.200 USD; tỷ trọng khu vực dịch vụ năm 2030 chiếm trên 50%; tốc độ tăng giá trị xuất khẩu thời kỳ 2021-2030 đạt 8-10%/năm.

Vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long gồm thành phố Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Kiên Giang. Theo Quy hoạch được phê duyệt, đây sẽ là Trung tâm dịch vụ, du lịch lớn của cả nước, trong đó có Khu du lịch quốc gia Năm Căn và đặc biệt đảo Phú Quốc được xác định trở thành trung tâm giao thương quốc tế, khu du lịch quốc gia với sản phẩm du lịch sinh thái chất lượng cao của cả khu vực Nam bộ và hạ lưu sông Mekong; là cầu nối trong hội nhập kinh tế khu vực và sẽ trở thành địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh và đối ngoại của cả nước.

Mục tiêu quy hoạch đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 11%/năm giai đoạn 2011-2015 và 10,5%/năm giai đoạn 2016-2020. GDP bình quân đầu người đạt khoảng 2.470 USD năm 2015, 4.400 USD năm 2020 và năm 2030 là 9.300 USD.

Tại Lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị, các địa phương trong hai vùng kinh tế trọng điểm phối hợp chặt chẽ hơn với bộ ngành, viện nghiên cứu trong lựa chọn các lĩnh vực đầu tư trọng điểm; vận dụng những cơ chế, chính sách đã ban hành để tập trung chỉ đạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu quy hoạch.

Nhằm thực hiện thành công mục tiêu quy hoạch, Thứ trưởng Đặng Huy Đông đề nghị, các bộ ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với các địa phương rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế, chính sách không còn phù hợp, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách thủ tục hành chính…

Các bộ, ngành cần chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn đã được phê duyệt, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối giữa các địa phương trong vùng và vùng lân cận, hệ thống thủy lợi và các công trình ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu nhằm ổn định sản xuất…/.

Nguồn: Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *