Bên bờ hạnh phúc

Sáng 8/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.

Cùng dự Hội nghị có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, các thành viên Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và các địa phương trong cả nước.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

 

Phát biểu chỉ đạo và quán triệt Chỉ thị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, vừa qua phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, liên tục. Nhiều nơi còn mang nặng tính hình thức, chưa gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị.

Việc suy tôn, phong tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có biểu hiện tràn lan, nhiều trường hợp được khen thưởng chưa phải là tấm gương tiêu biểu; khen thưởng cho người lao động trực tiếp sản xuất, nông dân, công nhân còn ít.

Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; biện pháp tuyên truyền thiếu đồng bộ… làm hạn chế động lực phấn đấu của tập thể, cá nhân.

Trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang tập trung phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo và chủ quyền quốc gia, nên việc tổ chức phong trào thi đua để góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ này càng trở nên cần thiết và cấp bách.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh phong trào thi đua phải đảm bảo thiết thực, sâu rộng và bao quát toàn bộ các lĩnh vực đời sống xã hội.

Thi đua phải được tạo dựng từ phong trào của quần chúng và được quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia; lựa chọn tổ chức phong trào thi đua phải thiết thực, hiệu quả, tránh phô trương, hình thức.

Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ như phong trào thi đua: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới,” "Xóa đói giảm nghèo,” “Cả nước hướng về Hoàng Sa, Trường Sa thân yêu…"

Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới phương pháp tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua, bảo đảm thực hiện đồng bộ ở cả bốn khâu gồm phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến; quan tâm tạo điều kiện để các điển hình tiên tiến được tuyên truyền nêu gương, tạo sự lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương.

Đối với công tác khen thưởng, Phó Thủ tướng yêu cầu khen thưởng phải đảm bảo tính nêu gương, giáo dục, được dư luận xã hội đồng tình, tránh khen thưởng tràn lan gây phản cảm, bức xúc trong xã hội.

Chuyển trọng tâm thi đua, khen thưởng về cơ sở, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, dân quân, tự vệ, công an xã, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp; quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất.

Các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, trong đó tập trung tuyên truyền Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thực hiện phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng cho phù hợp, nhằm nâng cao giá trị khen thưởng cấp Nhà nước, hạn chế dồn khen thưởng lên cấp Nhà nước và tạo sự chủ động, trực tiếp, kịp thời trong khen thưởng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến, chú trọng khen thưởng người có công với cách mạng, đối tượng chính sách, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Thực hiện chế độ, chính sách đối với các đối tượng có công lao, thành tích, cống hiến trong các cuộc kháng chiến của dân tộc; chủ động xem xét, khen thưởng tập thể, cá nhân người nước ngoài có đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam; có nhiều thành tích trong việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương giới thiệu những nội dung mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng năm 2013 và Nghị định hướng dẫn thi hành, thông qua Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TW của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, trao đổi, thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng./.

Nguồn: Chu Thanh Vân (TTXVN/Vietnam+)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *