Bên bờ hạnh phúc

Có một nghịch lý đã và đang diễn ra là trong khi các doanh nghiệp ngay tại Vĩnh Long đang khát lao động thì hàng ngày lại có nhiều lao động ở vùng đất này tìm đến làm việc tại các khu công nghiệp ở TPHCM, Bình Dương hay Đồng Nai. Chỉ tính riêng ở Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ – TB – XH của tỉnh, bình quân mỗi tuần có từ 20 đến 40 lao động đăng ký làm việc tại các doanh nghiệp ở TPHCM.

Cùng với thu nhập chưa hấp dẫn thì tình trạng các doanh nghiệp thiếu lao động còn do các yếu tố đặc thù của vùng ĐBSCL là tiềm năng kinh tế dồi dào, người lao động có nhiều cách để mưu sinh như làm ruộng, buôn bán… nên bức xúc về việc làm không cao như các nơi khác.

Mặt khác, làm việc ở các công ty, doanh nghiệp thường bị áp lực nên lao động nông thôn chưa thích nghi với tác phong công nghiệp và cảm thấy bị gò bó…

Ngoài ra, vẫn còn một số doanh nghiệp chỉ tuyển lao động theo thời vụ mà không ký hợp đồng dài hạn nhằm né tránh các khoản như BHYT, BHXH khiến người lao động lo ngại và không mặn mà với công việc.

Vậy các doanh nghiệp cần phải làm gì để thu hút và giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với công việc?

Theo ông Huỳnh Văn Thoàng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long: "Hiện nay, cái mà công nhân cần nhất để họ gắn bó lâu dài với công ty là tiền lương. Khi lương ổn định thì công nhân sẽ gắn bó với công ty.”

Ông Lữ Quang Ngời, Phó GĐ Sở LĐ – TB – XH Vĩnh Long cho biết: “Doanh nghiệp cần xây dựng mức lương, mức thưởng tương xứng đối với cống hiến của người lao động, nhằm đảm bảo mức sống cần thiết cho họ. Các doanh nghiệp cũng cần cùng với chính quyền địa phương tạo điều kiện cho công nhân có nơi ăn  ở, đi lại thuận tiện và có khu vui chơi giải trí để sau khi lao động có nơi giải trí và sinh hoạt tốt.”

Kết quả làm việc vào cuối năm 2009 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Liên đoàn Lao động các tỉnh ĐBSCL cho thấy, mức thu nhập của công nhân ở ĐBSCL bình quân từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng.

Riêng ở Vĩnh Long, theo khảo sát của Sở LĐ – TB – XH thì thu nhập hàng tháng của công nhân lại thấp hơn mức bình quân chung của khu vực. Với thu nhập như thế, họ phải tằn tiện mới có thể đủ chi tiêu, trong khi hầu hết đều có nhu cầu gửi tiền về cho gia đình ở quê. Một khi mức lương chưa tương xứng với công sức mà người lao động bỏ ra thì họ không mặn mà với doanh nghiệp là chuyện tất nhiên. Đây được xem là vấn đề mấu chốt mà các doanh nghiệp cần nghiên cứu để có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu lao động phổ thông đang có chiều hướng ngày một trở nên bức xúc hơn.

Nguyễn Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *