Bên bờ hạnh phúc

Theo tờ Người Australia, trong ngày đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, bà Julia Gillard đã trấn an người dân không nên quá lo ngại về tương lai đất nước. Bà cho biết sẽ tập trung triển khai chính sách tăng dân số theo hướng mới, đồng thời bác bỏ kế hoạch biến quốc gia này thành một “Đại Australia” như mục tiêu dưới thời người tiền nhiệm Kevin Rudd.

Tân Thủ tướng Australia Julia Gillard

Tân Thủ tướng Australia Julia Gillard tuyên bố sẽ không để dân số đi theo lộ trình hướng tới mốc 36 đến 40 triệu người trong thời gian tới. Bởi vì theo bà, một chính sách dân số “có trách nhiệm” đòi hỏi sự phụ thuộc vào một kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở và việc làm phù hợp. Thủ tướng Gillard thừa nhận mình là người nhập cư, tuy nhiên, bà hiểu sâu sắc rằng, đây không thể là nền tảng cho một “Đại Australia” trong tương lai, nhất là khi hệ thống cầu đường còn thiếu, nguồn nước cung cấp chưa đủ và tình trạng nhà ở đang chịu nhiều áp lực.

Tân Thủ tướng Gillard cam kết sẽ kiểm soát gắt gao hơn đối với vấn đề người tỵ nạn tìm đường tới Australia bởi bà không có nhiều lựa chọn. Mạng khảo sát trực tuyến Newspoll vừa công bố kết quả thăm dò dư luận cho thấy, sự ủng hộ đối với bà Gillard đang tăng, tuy nhiên, chính phủ Công đảng hiện đang đứng giữa ngã ba đường trong vấn đề người tỵ nạn bởi Australia cần phải cân bằng một cách có trách nhiệm giữa đối xử nhân đạo và áp lực lớn trong việc ngăn chặn làn sóng tỵ nạn.

Lúc cầm quyền, Thủ tướng tiền nhiệm Kevin Rudd từng cho rằng, thật không dễ kiểm soát vấn đề tỵ nạn bởi chính phủ cần phải tuân theo quy tắc về đối xử nhân đạo. Chính vì thế, có ý kiến nhận định rằng, bà Gillard cũng khó có thể thực thi nhiệm vụ này một cách hiệu quả và chu toàn. Do đó, tân Thủ tướng Gillard sẽ phải đối diện với bài toán khó đầu tiên khi quyết định về tương lai của lệnh cấm cấp thị thực cho những người tỵ nạn đến từ Sri Lanka. Thực tế, bà buộc phải cân đối giữa trách nhiệm quốc gia và dư luận phản đối trong nước đối với làn sóng tỵ nạn.

Người dân Australia luôn tỏ ra sẵn sàng chấp nhận những người nhập cư và tỵ nạn, nhưng với điều kiện là vấn đề an ninh biên giới phải được đảm bảo. Chắc hẳn, tân Thủ tướng Gillard không hề muốn đưa ra sự so sánh này trong những ngày đầu tiên lãnh đạo chính quyền Canberra, dù rằng bà được đanh giá là có những động thái mạnh mẽ và cương quyết giống như cựu Thủ tướng John Howard đã từng làm trước đây, đặc biệt là trong phát biểu của bà.

Theo giới phân tích, nếu người dân Australia nhận thấy một tương lai không ẩn chứa bất kỳ lo ngại nào, đúng như lời hứa của bà Gillard, thì nước này có thể duy trì cách tiếp cận cởi mở đối với người nhập cư, kể cả người tỵ nạn, Trong lịch sử, bộ phận người nhập cư và người tỵ nạn là những nhân tố đóng góp then chốt và tạo dựng nên sự phồn thịnh của quốc gia Australia.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *