Bên bờ hạnh phúc

Trong các cuộc họp mới đây của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ Ảrập OAPEC, các nước sản xuất dầu mỏ đã quyết định giữ nguyên sản lượng khai thác của hai năm qua ở mức 24,8 triệu thùng/ngày mặc dù giá dầu thô có lúc vượt qua ngưỡng 90 USD/thùng.

Chính tâm lý thận trọng của OPEC có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng. Ảnh minh họa

Giá dầu thô 70 USD – 80 USD/thùng là mức mà nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới Ảrập Xêút mong muốn nhưng Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn chưa muốn chặn lại đà tăng của giá dầu. Theo họ, ngay cả khi giá dầu tăng lên 100 USD/thùng thì nó cũng không thể tác động mạnh đến nền kinh tế và OPEC sẽ không tăng sản lượng nếu giá dầu tăng do đầu cơ nhiều hơn là thiếu cung. Theo giới chuyên môn, chính tâm lý thận trọng của OPEC có thể đẩy giá dầu lên 100 USD/thùng.

Các nhà phân tích đang chia ra hai trường phái. Một số cho rằng, kinh tế thế giới phục hồi sẽ làm tăng lượng dầu tiêu thụ. Số khác lại cho biết, nguồn cung cho thị trường hiện nay khá dồi dào, khác hẳn với năm 2008, khi giá dầu tăng lên mức kỷ lục gần 150 USD/thùng. Nhà phân tích dầu mỏ Sadad al-Husseini cho rằng, hiện chưa rõ giá dầu đang chịu tác động của điều kiện thời tiết ngắn hạn, của nhu cầu dài hạn, hay vấn đề tiền tệ. Với nguồn dầu dự trữ trong kho khá dồi dào, OPEC sẽ không phản ứng thái quá với những hiện tượng tạm thời. Lý do là vì khi lượng dầu tăng thêm đến tay người tiêu dùng, nhu cầu có thể giảm, sau khi lên đến đỉnh điểm trong mùa Đông ở Bắc Bán cầu, nó sẽ gây ra tình trạng dư cung.

Giá dầu hiện đã tăng 35% so với mức thấp hồi tháng 5 và tăng khoảng 15% so với cuối năm ngoái. Đợt tăng giá lần này diễn ra từ tháng 9, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED bắt đầu gia tăng lượng dầu dự trữ, châm ngòi cho làn sóng mua dầu trên khắp các thị trường tài chính, trong chừng mực nào đó, động thái của FED đã dẫn đến đầu cơ và OPEC hoàn toàn có lý khi nói rằng, họ không có nghĩa vụ phải tăng sản lượng dầu.

Thực ra, giá dầu chỉ tăng ở mức khiêm tốn, nếu so với các loại hàng hóa khác có nguy cơ khan hiếm như đồng, kim loại liên tục phá kỷ lục trong năm nay. Khi giá dầu bắt đầu tăng hồi tháng 9, các nhà kinh doanh dầu mỏ suy luận rằng, lượng dầu dự trữ của Mỹ – nước tiêu thụ dầu nhiều nhất thế giới có thể đã lên mức kỷ lục. Sau đó, lượng dầu dự trữ bắt đầu giảm và càng giảm mạnh vào dịp cuối năm do tác động của chính sách thuế.

Ngoài lượng dầu dự trữ, OPEC còn có công suất dự phòng ở mức 6 triệu thùng/ngày. Iraq hiện có khả năng nâng công suất dự phòng khá lớn khi kinh tế phục hồi sau chiến tranh. Cho dù giới phân tích vẫn còn tranh luận liệu Iraq có đạt được mục tiêu tăng sản lượng lên 12 triệu thùng/ngày trong 7 năm tới hay không, song mức tăng sản lượng có thấp hơn cũng đủ để bù đắp bất cứ sự tăng cầu nào. Mục tiêu của nước này là nâng sản lượng ở mức 2,6 triệu thùng/ngày hiện nay lên 3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2011.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cũng cho rằng, nhu cầu dầu mỏ có thể tăng lên mức cao mới, nhưng tốc độ tăng cầu sẽ thấp hơn mức kỷ lục 3 triệu thùng/ngày hồi năm 2004.

Minh Thanh
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *