Bên bờ hạnh phúc

Hôm 10/05, Bộ trưởng Tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thống nhất về gói trợ giúp khẩn cấp, trị giá 1.000 tỷ đôla có sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhằm bảo vệ khu vực đồng euro trước nguy cơ khủng hoảng nợ nhà nước lan rộng. 

EU đang nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng nợ công lan rộng

Trong cuộc họp gồm đại diện Ủy ban châu Âu (EC) và Bộ trưởng Tài chính 27 nước thành viên, các bên đã nhất trí về việc thành lập một “cơ chế bình ổn châu Âu” trị giá khoảng 500 tỷ euro. IMF dự kiến sẽ đóng góp thêm khoảng 250 tỷ euro. Tổng cộng, gói ứng ứng cứu dành cho các nước thuộc eurozone có đến 750 tỷ euro, tương đương 1.000 tỷ đôla Mỹ.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã tuyên bố các biện pháp nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp, bao gồm việc mua các khoản nợ nhà nước và tư nhân trong khu vực đồng euro và ủng hộ việc mua trái phiếu chính phủ.

Bộ trưởng tài chính các nước EU cũng kêu gọi củng cố ngân sách, có các hoạt động tài chính bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phối hợp kinh tế chặt chẽ hơn. Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nguyên tắc tài chính và thiết lập cơ cấu giải quyết tình trạng khủng hoảng về lâu dài. Đại diện các nước nước thành viên khu vực đồng euro còn nhắc lại sự ủng hộ đối với ECB trong chương trình hành động nhằm đảm bảo sự ổn định của khu vực.

Theo cơ chế ổn định hóa, 60 tỷ euro sẽ được dành sẵn sàng hỗ trợ cho các nước khu vực đồng euro đang đối mặt với “những tình huống đặc biệt,” cũng như khoản quỹ cho vay trị giá 50 tỷ euro dành cho các nước thành viên EU bên ngoài khu vực đồng euro. Các khoản cho vay này có cùng mức lãi suất là 5%, giống như các khoản trợ giúp mà EU và IMF cho Hy Lạp. Theo thỏa thuận, các bên sẽ phối hợp hỗ trợ cho các nước gặp khó khăn và cơ chế này còn tồn tại cho tới khi nào nó còn cần thiết nhằm bảo vệ sự ổn định tài chính.

Thêm vào đó, các bộ trưởng tài chính EU cũng tuyên bố thành lập một quỹ đặc biệt, qua đó các nước khu vực đồng euro sẽ được “bảo lãnh” lên tới 440 tỷ euro. Quỹ này sẽ được duy trì trong 3 năm và có thể huy động thêm vốn từ các thị trường tài chính để mua nợ của những nước gặp khó khăn trong khu vực đồng euro. Việc “kích hoạt” chương trình này là có điều kiện, với các điều khoản quy định giống như của IMF.

Cho đến nay, các bước trên là những nỗ lực lớn nhất của EU và ECB nhằm tránh một cuộc khủng hoảng nợ công lan rộng ra khắp khu vực, nhưng dường như các bước này chỉ có thể làm yên lòng thị trường trong ngắn hạn.

Nhiều người vẫn nghi ngờ việc những nhà hoạch định chính sách có thực sự muốn tích cực thực thi các biện pháp trên và những nguyên nhân gây bất ổn tại khu vực đồng euro có được giải quyết hay không. Do vậy, thị trường dường như vẫn quan ngại về triển vọng lâu dài của khu vực đồng euro.

Một số nhà kinh tế tính toán rằng, nếu Bồ Đào Nha, Ireland và Tây Ban Nha, những quân cờ domino tiếp theo có khả năng sụp đổ sau Hy Lạp, không thể tiếp cận được thị trường nợ quốc gia, họ sẽ cần hỗ trợ khoảng 444 tỷ euro từ nay đến cuối năm 2012.

Bằng việc thành lập ra mạng lưới an sinh tài chính trên, các nhà hoạch định chính sách châu Âu dường như đã rút được kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, khi các thị trường đã ổn định sau khi IMF can thiệp vào cả 3 điểm yếu trong khu vực là Thái Lan, Indonesia và Hàn Quốc. Song khi đó, việc sử dụng mạng lưới an sinh tài chính vẫn không giải quyết được những vấn đề cơ bản của các nước này mà chỉ có thể giúp họ có thêm 3 năm để nỗ lực cải thiện hệ thống tài chính và nền kinh tế của họ.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *