Bên bờ hạnh phúc

Việc người sáng lập trang web WikiLeaks, Julian Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ vào giữa tuần qua đã trở thành một trong những sự kiện nổi bật thu hút sự chú ý của công luận quốc tế. Ngay sau khi tin tức về việc Assange bị bắt được truyền đi, chính quyền Mỹ tuyên bố đây là một tin tốt lành. Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange lại cho rằng, vụ việc đã bị chính trị hóa.

Vụ tổng biên tập WikiLeaks bị bắt có bị "chính trị hóa"?

Ngay khi Julian Assange tự nộp mình cho cảnh sát, Tòa án Westminster ở Luân Đôn, Anh đã mở phiên xét xử đầu tiên. Trong phiên xét xử, đại diện nhà chức trách Thụy Điển cho biết, ông Assange bị truy nã với 4 cáo buộc cưỡng bức và quấy rối tình dục.

Người sáng lập WikiLeaks bị tạm giam không phải do trang web của ông công bố 250.000 bức điện tín ngoại giao của Mỹ mà vì những cáo buộc tội danh hoàn toàn khác đến từ Thụy Điển. Đã có những phản ứng khác nhau ngay sau khi thông tin về vụ bắt giữ Julian Assange được đăng tải. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates tuyên bố, đây là một tin tốt lành.

Chính phủ Anh tuyên bố nhìn nhận vụ bắt giữ là "vấn đề của cảnh sát" nên sẽ không có bất cứ sự can thiệp nào từ cấp cao. Các công tố viên Thụy Điển thì nhấn mạnh, việc họ yêu cầu dẫn độ Assange chỉ là vấn đề liên quan đến bộ luật hình sự và "không chịu bất cứ sức ép chính trị hay sức ép nào khác".

Ngân hàng PostFinance của Thuỵ Sĩ đã phong toả mọi tài khoản của ông Julian Assange. Trang web PayPal của Mỹ cũng quyết định cắt tài khoản dùng để nhận tài trợ trực tuyến của WikiLeaks.

Tuy nhiên, Julian Assange không hoàn toàn đơn độc vì có rất nhiều người bày tỏ sự ủng hộ dành cho ông, trong đó có đạo diễn người Anh Ken Loach, nhà hoạt động xã hội Jemima Khan, nhà báo kiêm nhà làm phim người Australia John Pilger. Các nhà ngoại giao Australia cũng tuyên bố sẽ hỗ trợ công dân Julian Assange về mặt lãnh sự.

Vấn đề của người sáng lập WikiLeaks đã tạo nên những luồng ý kiến khác nhau ngay tại Australia, quê hương của ông. Thủ tướng nước này, bà Julia Gillard đã gọi vụ tiết lộ của WikiLeaks là “hết sức vô trách nhiệm”. Trong khi Ngoại trưởng Kevin Rudd tuyên bố, vụ rò rỉ 250.000 tài liệu ngoại giao mật trên WikiLeaks là lỗi của Mỹ, chứ không phải của người sáng lập trang web Julian Assange.

Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng đã lên tiếng chỉ trích việc bắt giữ Julian Assange. Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Pháp Francois Fillon, lãnh đạo Nga cho rằng, động thái này thể hiện các nước phương Tây đang có vấn đề về dân chủ. Ông đặt câu hỏi “Tại sao lại giam giữ Julian Assange trong khi họ luôn nói rằng, họ có nền dân chủ toàn vẹn”.

Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ người sáng lập WikiLeaks đã diễn ra tại các thành phố của Australia. Những người biểu tình lên án chính phủ của thủ tướng Julia Gillard đồng thời kêu gọi trả tự do cho Julian Assange.

Tuy nhiên, thẩm phán toà án tại London đã bác bỏ đề nghị nộp tiền tại ngoại cho người sáng lập Wikileaks. Tòa án cũng quyết định mở phiên tòa kế tiếp vào ngày 14/12 tới để kết luận có nên dẫn độ Julian Assange sang Thụy Điển hay không.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *