Bên bờ hạnh phúc

Các vụ đụng độ giữa phe nổi dậy với binh lính trung thành với chính phủ của Tổng thống Muammar Gaddafi đã khiến ít nhất 300 người dân Libya thiệt mạng, và buộc khoảng 140.000 người nước ngoài phải chạy khỏi nước này. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, sáng 18/3, giờ Việt Nam, với 10 phiếu thuận và 5 phiếu trắng, Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết cho phép thiết lập vùng cấm bay ở Libya.

Tình hình tại Libya hết sức phức tạp. Ảnh minh họa

 

Nghị quyết yêu cầu cấm mọi chuyến bay trong không phận của Libya, ngoại trừ những chuyến bay chở hàng cứu trợ nhân đạo. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc cho phép các nước thành viên sử dụng mọi biện pháp cần thiết để tăng cường lệnh cấm và phối hợp với Liên hiệp quốc về cách thức thực hiện lệnh cấm này.

Nghị quyết cũng cho phép cấm vận vũ khí và trừng phạt kinh tế đối với Libya, nhưng loại bỏ khả năng chiếm đóng nước này. Mỹ, Pháp, Anh, một số nước Ả rập và châu Phi đã đi đầu trong việc thúc đẩy thiết lập vùng cấm bay ở Libya.

Áp đặt vùng cấm bay có nghĩa là các nước sẽ tấn công quân sự vào Libya, sử dụng bom để đánh phá một số mục tiêu, làm tê liệt và phá hủy hệ thống phòng không của nước này.

Libya và một số nước ngay lập tức đã có những phản ứng trước nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở thủ đô Tripoli, ngoại trưởng Libya – Moussa Koussa – cho biết, cùng với việc mở ra các kênh đối thoại với các đảng phái trong nước, Libya đã tuyên bố ngừng bắn và tạm ngừng mọi hành động quân sự – một động thái tuân thủ Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Tuy nhiên, Libya cho rằng, việc Hội đồng Bảo an cho phép can thiệp quân sự vào Libya là hành vi vi phạm chủ quyền của nước này.

Trong diễn biến khác, Tổng thư ký Liên đoàn Ả rập – Amr Moussa – phát biểu, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc về Libya cần có những giới hạn và không hậu thuẫn cho bất kỳ cuộc xâm lược nào. Liên đoàn Ả rập cũng cho rằng, cần dỡ bỏ vùng cấm bay này một khi cuộc khủng hoảng hiện nay tại Libya chấm dứt.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định, nước này phản đối sử dụng lực lượng quân sự trong các quan hệ quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du nói: "Xét đến những lo ngại cũng như lập trường của các nước Ả rập, các nước Liên minh châu Phi và tình hình đặc biệt ở Libya hiện nay, Trung Quốc và một số nước đã bỏ phiếu trắng nghị quyết. Chúng tôi ủng hộ quan điểm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Libya bằng con đường hòa bình, thông qua đối thoại. Trung Quốc hy vọng Libya sẽ tránh được một cuộc xung đột vũ trang leo thang và sớm ổn định."
 

Nga cũng khẳng định không tham gia hành động can thiệp quân sự chống Libya.

Đối với Ai Cập, nước này cho biết sẽ không liên quan tới bất cứ hành động can thiệp quân sự nào vào Libya. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng khẳng định, quân đội Đức sẽ không tham gia một chiến dịch quân sự nào ở Libya vì "rất nguy hiểm". Đức cùng với Nga, Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ là những nước đã bỏ phiếu trắng đối với nghị quyết của Hội đồng Bảo an.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *