Bên bờ hạnh phúc

Theo giới phân tích quan hệ quốc tế, chuyến công du Mỹ Latinh của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nhằm nỗ lực tìm lại những gì đã mất tại khu vực từng là “sân sau” của chính quyền Washington. Đến nay, Mỹ đã đạt tới một phần mục tiêu đó khi củng cố được quan hệ liên minh với Chile và Uruguay, đồng thời tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề với Argentina. Tuy nhiên, khi đến Brazil, bà Clinton đã không thể thuyết phục Tổng thống Lula da Silva ủng hộ Mỹ trong việc tăng cường trừng phạt Iran.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton đến 6 nước Mỹ Latinh (gồm Uruguay, Argentina, Chile, Brazil, Costa Rica và Guatemala) diễn ra ngay sau khi 33 quốc gia Mỹ Latinh thống nhất thành lập Cộng đồng các nước Mỹ Latin và Caribe (CELAC), một tổ chức không bao gồm Mỹ và Canada.

Về vấn đề này, bà Clinton cho rằng, CELAC hoàn toàn không phải là mối đe dọa đối với ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Song, theo các nhà phân tích, trong bối cảnh như thế, chính quyền Washington mong muốn củng cố lại vai trò tại khu vực từng được xem là “sân sau” của Mỹ.

Chuyến công du của Ngoại trưởng Clinton đã diễn biến suôn sẻ trong chặng dừng chân đầu tiên ở Uruguay. Tại đây, bà đã tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử José Mujica và gặp gỡ với Tổng thống mãn nhiệm Tabaré Vázquez. Bà Clinton cam kết, Mỹ tiếp tục hợp tác với Uruguay và ủng hộ chính sách cải cách hiện nay của chính phủ cánh tả ở nước này. Ngoại trưởng Mỹ cũng ca ngợi nền dân chủ ở Uruguay và đánh giá cao vai trò của Chủ tịch Thượng viện Lucía Topolansky, phu nhân của tân Tổng thống Mujica.

Nhân dịp này, lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ cũng đã gởi thông điệp ủng hộ nền dân chủ tại Paraguay, nơi mà trong những tháng gần đây liên tục có những thông tin về khả năng diễn ra một cuộc đảo chính.

Rời Uruguay, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Clinton đến Argentina diễn ra ngoài dự tính vì trước đó, bà chỉ có kế hoạch gặp Tổng thống Cristina Feznadez tại thủ đô Montevideo của Uruguay. Tuy nhiên, Mỹ đã quyết định bỏ lại những bất đồng giữa hai nước trong những tháng gần đây để cải thiện quan hệ song phương với Argentina. Kết quả chuyến thăm của bà Clinton đến Buenos Aires cho thấy, hai bên đều nỗ lực xây dựng lại quan hệ và đạt được sự đồng thuận trong vấn đề chương trình hạt nhân của Iran. Chính phủ Argentina cam kết lên án việc phổ biến vũ khí hạt nhân và chủ nghĩa khủng bố, đồng thời ủng hộ việc áp dụng một lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran. Đáp lại, Ngoại trưởng Clinton cho biết, Mỹ sẵn sàng thúc đẩy đối thoại giữa Argentina và Anh nhằm giải quyết vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Malvinas (hay còn gọi là Falkland), theo đề xuất của Tổng thống Kirchner.

Mục tiêu định trước trong chuyến thăm Chile của bà Clinton là tăng cường quan hệ liên minh song phương đã không diễn ra theo như dự kiến do trận động đất khủng khiếp hôm 27/02. Thay vào đó, bà Clinton đã thể hiện sự ủng hộ về tinh thần và vật chất của Mỹ dành cho người dân và các nhà lãnh đạo Chile trong nỗ lực vượt qua thảm họa.

Chuyến thăm Brazil của Ngoại trưởng Mỹ được đánh giá là có vai trò quan trọng nhất. Có hai chủ đề nổi bật được bàn thảo ở chặng dừng chân này. Đó là quan điểm của Brazil đối với chương trình hạt nhân của Iran và việc Mỹ chào bán 36 máy bay tiêm kích cho chính quyền Brasilia. Tuy nhiên, trong buổi tiếp bà Clinton, Tổng thống Lula da Silva đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Iran trong vấn đề hạt nhân. Về việc thương vụ cung cấp máy bay chiến đấu, Brazil cho biết sẽ phản hồi với Mỹ trong vòng 3 tuần tới.

Hiện giữa hai nước còn tồn tại một loạt bất đồng về kinh tế và thương mại. Brazil đang xem xét khả năng trừng phạt thương mại đối với Mỹ. Nước này đã được Tổ chức Thương mại Thế giới WTO ủng hộ khi kết luận Mỹ bảo hộ các nhà sản xuất bông trong nước và gây thiệt hại cho nền kinh tế lớn nhất khu vực Mỹ Latinh.

Thanh Sang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *