Bên bờ hạnh phúc
Quỹ ổn định tài chính châu Âu được thành lập hồi tháng 06/2010 sau khi xảy ra khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp. Ảnh minh họa

Cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn ra thật nghiêm trọng được xem là thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu EU phải đối mặt trong lịch sử tồn tại của mình. Nhằm khắc phục cuộc khủng hoảng và tránh sự rạn nứt trong khối, trong tuần qua, đa số các nước thành viên khu vực đồng euro, tức Eurozone, đã thông qua thỏa thuận mở rộng quy mô Quỹ ổn định tài chính châu Âu, gọi tắt là EFSF, từ 440 tỷ euro hiện nay lên 620 tỷ euro. 

Quỹ ổn định tài chính châu Âu được thành lập hồi tháng 06 năm 2010 sau khi xảy ra khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp. Đây là Cơ chế cứu trợ dài hạn phối hợp giữa Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, là một công cụ tạm thời để hỗ trợ sự ổn định tài chính ở châu Âu bằng cách giúp đỡ các nước thành viên Eurozone giải quyết những khó khăn kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu ngày càng trầm trọng, kéo theo nhiều quốc gia ở lục địa già này có nguy trượt vào vết xe đổ của Hy Lạp, các nhà lãnh đạo châu Âu buộc phải đi đến thỏa thuận mở rộng EFSF tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu hồi tháng Bảy vừa qua.

Theo đó, cho phép EFSF cung cấp các khoản vay cho các nước đang đối mặt với nguy cơ vỡ nợ để phòng ngừa khủng hoảng; mua trái phiếu chính phủ của các quốc gia mắc nợ trong Khu vực đồng euro trên thị trường thứ cấp; cấp tiền cho các quốc gia thành viên để tái cấp vốn cho các ngân hàng bị tác động nghiêm trọng bởi gánh nặng nợ nần. Để chính thức có hiệu lực, thỏa thuận cần được Quốc hội tất cả các nước thành viên Eurozone thông qua.

Đến ngày 29/9 vừa qua, Quốc hội các nước Đức, Síp và Estonia đã thông qua thỏa thuận mở rộng quy mô hiện nay của Quỹ ổn định tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỷ euro, tương đương 599 tỷ đôla Mỹ, tăng thêm quyền hạn cho quỹ này nhằm giúp các nước thành viên Eurozone thoát khỏi nguy cơ phá sản do cuộc khủng hoảng nợ công.

Trong bài phát biểu tại Thượng viện, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho rằng, tình hình thị trường tài chính quốc tế vẫn còn đáng lo ngại và Đức có nghĩa vụ làm mọi việc có thể để ngăn chặn khủng hoảng xảy ra. Cụ thể, nước có nền kinh tế lớn nhất châu Âu này sẽ nâng phần đóng góp của mình từ 123 tỷ euro lên 211 tỷ, chiếm phần lớn nhất trong số các nước eurozone trong khi vẫn đồng ý tăng cường sự linh hoạt trong hoạt động của EFSF mà không kèm theo điều kiện nào.

Một ngày sau, Cơ quan lập pháp của Áo cũng đã thông qua thỏa thuận trên. Như vậy, cho đến nay, đã có 14 trong tổng số 17 nước thành viên Eurozone đồng ý tham gia kế hoạch mở rộng EFSF. Dự kiến, ba nước thành viên còn lại của Eurozone là Malta, Hà Lan và Slovakia sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua kế hoạch mở rộng quy mô của EFSF trong tháng này.

Với động thái mới nhất trên, người ta hy vọng, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu rồi đây sẽ sớm có hồi kết. Nếu không thì thế giới sẽ phải hứng chịu một cơn suy thoái mới nữa như những gì từng xảy ra hồi những năm 2008 – 2009.

Thanh Sang
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *