Bên bờ hạnh phúc

Sau 18 ngày đối mặt với làn sóng biểu tình lan rộng ở trong nước cùng những lời chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, cuối cùng, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, người nắm quyền Ai Cập từ năm 1981, cũng đã quyết định rời khỏi chức vụ tổng thống và trao quyền quản lý công việc đất nước cho Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang dù trước đó, ông luôn khẳng định sẽ tại vị hết nhiệm kỳ để đảm bảo một cuộc chuyển giao quyền lực hòa bình, trật tự.

Tổng thống Hosni Mubarak, người nắm quyền Ai Cập từ năm 1981, cũng đã quyết định rời khỏi chức vụ tổng thống

 

Sự ra đi của Tổng thống Mubarak đã làm nhiều người vui mừng nhưng cũng khiến không ít người nuối tiếc vì những đóng góp và nỗ lực to lớn của ông đối với nước nhà và tiến trình hòa bình trên thế giới.

Tổng thống Muhammad Hosni Sayyid Mubarak thường được gọi là Hosni Mubarak, sinh ngày 4/5/1928 tại một làng nhỏ ở đồng bằng sông Nile. Mặc dù xuất thân nghèo khó, nhưng ông đã tốt nghiệp Học viện quân sự Ai Cập năm 1949 trước khi chuyển sang không quân.

Là một tín đồ Hồi giáo dòng Sunni, gia nhập Đảng Dân chủ Dân tộc Ai Cập, ông Mubarak được bổ nhiệm làm Phó Tổng thống Ai Cập sau khi giữ chức vụ cấp cao trong Không lực Ai Cập. Ông được bầu làm Tổng thống trong một cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 11/1981 – một tháng sau khi Tổng Thống Anwar Al-Sadad bị ám sát. Khi đó, ít người kỳ vọng vị Phó Tổng thống ít được biết đến này lại đưa Ai Cập lên vị trí dẫn đầu về kinh tế trong thế giới Ả rập suốt một thời gian dài đến vậy. Ông cũng có công hàn gắn mối quan hệ với Mỹ – nước cung cấp cho Ai Cập hàng tỷ đô la hỗ trợ quân sự.

Đối với phương Tây, Ai Cập là một đồng minh lớn, là tiếng nói trung gian trong cuộc xung đột giữa Israel – Palestine. Tuy nhiên, việc trở thành đồng minh của phương Tây đã khiến ông trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ Hồi giáo cực đoan. Ông đã thoát nạn trong 6 vụ ám sát và vụ thoát chết trong gang tấc là vào năm 1995 ở thủ đô Addis Ababa của Ethiopia.

Trong những năm tại vị gần đây, ông Mubarak chịu nhiều áp lực từ cả bên trong lẫn bên ngoài nước, đặc biệt là từ phía Mỹ, kêu gọi ông cải cách dân chủ hơn nữa. Đỉnh điểm là các cuộc biểu tình quy mô lớn nổ ra vào ngày 25/1/2011 với sự tham dự của hàng ngàn người. Giới phân tích cho rằng, kinh tế là một trong những vấn đề gây ra các cuộc biểu tình được xem là lớn nhất Ai Cập trong những năm qua. Dù những cải tổ của ông Mubarak đã dẫn tới sự nở rộ của nền kinh tế Ai Cập nhưng lại bị chỉ trích là đã làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Sự tức giận của công chúng tăng cao vì tỷ lệ thất nghiệp cao, giá cả sinh hoạt leo thang và tình trạng nghèo khó kéo dài. Ngoài ra, Luật Tình trạng khẩn cấp mà ông áp dụng trong nước suốt 30 năm qua cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của mình.

Dù sao thì cũng không thể phủ nhận rằng, ông Hosni Mubarak có công rất lớn trong việc giữ cho Ai Cập được ổn định trong gần 30 năm ông cầm quyền. Không ít người dân Ai Cập đã không giấu giếm tình cảm của mình đối với viên cựu tướng không quân 82 tuổi này. Theo họ, ông Mubarak đã làm lợi nhiều cho Ai Cập và chính các nhóm cực đoan đang gây ra bất ổn cho đất nước. Đối với nhiều người khác, ông Mubarak là một nhà lãnh đạo tốt, vấn đề không phải từ ông, mà từ chính phủ là chính.

Mặc dù những người biểu tình đang trong niềm vui sướng trước tuyên bố từ chức của ông Mubarak mà theo nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, động thái này của ông là “đáp ứng nguyện vọng cũng như lợi ích của đông đảo người dân Ai Cập" và là "một sự thay đổi lịch sử", nhưng giới phân tích cho rằng, đây chỉ là một khởi đầu cho một chặng đường mới của Ai Cập.

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *