Bên bờ hạnh phúc

Hôm 24/02, Iran cáo buộc rằng, báo cáo của Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA Yukiya Amano là sai lệch khi đề cập đến chương trình hạt nhân của nước này mà không đưa vào các thông tin quan trọng.

Chương trình hạt nhân của Iran gây quan ngại cho nhiều nước phương Tây

Trong tài liệu trên, ông Amano cho biết, có khả năng trước đây cũng như hiện tại, Iran bí mật tiến hành các hoạt động liên quan tới việc phát triển một đầu đạn hạt nhân dùng cho tên lửa.

Tuy nhiên, theo các quan chức Iran, những lời lẽ dùng trong báo cáo của Chủ tịch Amano nhằm gia tăng quan ngại của phương Tây về khả năng nước này chế tạo bom nguyên tử là “bất bình thường” và mang tính công kích nhiều hơn.

Phát biểu với các nhà ngoại giao và quan chức IAEA tại một buổi họp báo kín, Đại sứ Iran tại cơ quan này, ông Ali Asghar Soltanieh, cho rằng, văn bản trên là vô căn cứ, giả tạo và không phản ánh đúng quan điểm của chính quyền Teheran về vấn đề hạt nhân.

Tuần trước, Iran thông báo bắt đầu tiến hành làm giàu uranium đến các cấp độ cao hơn sau khi không thỏa thuận được về kế hoạch đưa nhiên liệu hạt nhân ra nước ngoài để xử lý thêm như đề xuất của IAEA. Cho đến nay, chính quyền Teheran vẫn khẳng định, chương trình hạt nhân của mình chỉ nhằm mục đích sản xuất điện.

Sau khi IAEA công bố báo cáo trên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tỏ ý mong muốn các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này sẽ được đưa ra trong khoảng 1 đến 2 tháng tới. Phát biểu trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, bà Clinton cho rằng, việc Iran tiếp tục từ chối cung cấp thêm thông tin về chương trình hạt nhân khiến cộng đồng quốc tế “có rất ít lựa chọn” và phải áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới. Theo bà, cộng đồng quốc tế đã hết kiên nhẫn để thuyết phục Iran từ bỏ chương trình hạt nhân. Ngoại trưởng Clinton cho biết, các công việc đang diễn ra khẩn trương để chuẩn bị và thực thi những biện pháp trừng phạt mới đối với Iran.

Đầu tuần này, người phát ngôn Nhà Trắng Robert Gibbs cũng tuyên bố, Mỹ đang thúc đẩy việc đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất trong khuôn khổ Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc kể từ sau nghị quyết 1874 được thông qua hồi năm ngoái áp dụng đối với CHDCND Triều Tiên.

Vụ phó Vụ các vấn đề an ninh và giải trừ quân bị thuộc Bộ Ngoại giao Nga, ông Oleg Rozhkov tuyên bố, Nga sẽ không ủng hộ các biện pháp trừng phạt vốn có thể “làm tê liệt” Iran, kể cả bất cứ biện pháp trừng phạt nào nhằm vào lĩnh vực ngân hàng hay năng lượng của nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Vĩnh Thới

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *