Bên bờ hạnh phúc

Cuộc trưng cầu ý dân ngày 27/06 về sửa đổi Hiến pháp ở Kyrgyzstan đã kết thúc thành công ngoài mong đợi, bất chấp những cảnh báo trước đó về nguy cơ thất bại. Trước thềm cuộc bỏ phiếu, liên tiếp các sự kiện gồm: chính biến, xung đột sắc tộc và làn sóng di tản đã làm chao đảo đất nước. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, Hiến pháp mới chỉ là bước khởi đầu cho con đường dài hướng tới một nền dân chủ mới tại Kyrgyzstan.

Người dân Kyrgyzstan đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 27/06 về sửa đổi Hiến pháp

Hy vọng vào một sự thay đổi, một cuộc sống ổn định, không bạo lực, dưới sự điều hành của một chính quyền hợp hiến đang là ước mơ cháy bỏng và dễ hiểu của người dân Kyrgyzstan. Đất nước nhỏ bé ở Trung Á này đã chìm trong cơn khủng hoảng trầm trọng sau vụ lật đổ Tổng thống Kurmanbek Bakiyev hồi tháng 4 và làn sóng xung đột sắc tộc ở miền Nam vào đầu tháng 6 vừa qua.Tình trạng bất ổn đã khiến 283 người chết, hàng ngàn người bị thương, hàng chục ngàn người mất nhà cửa và hàng trăm ngàn người phải đi tỵ nạn.

Việc người dân Kyrgyzstan bỏ phiếu thông qua Hiến pháp mới cũng đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa chính phủ lâm thời được thành lập và tạm nắm quyền điều hành đất nước trong hơn hai tháng qua. Nhà lãnh đạo lâm thời Roza Otunbayeva sẽ làm quyền tổng thống cho tới sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2011. Hiến pháp mới sẽ đưa Kyrgyzstan từ hệ thống chính quyền tổng thống sang chế độ dân chủ nghị viện đầu tiên ở Trung Á.

Theo đó, rất nhiều quyền lực trong tay tổng thống theo quy định trước đây sẽ được chuyển sang quốc hội và thủ tướng. Bầu cử quốc hội được tổ chức 5 năm/lần và tổng thống chỉ được giữ một nhiệm kỳ kéo dài 6 năm.

Cuộc trưng cầu dân ý vừa qua được xem là thành công bởi tỷ lệ ủng hộ cao và diễn ra trong hòa bình. Song theo nhận định, đây mới chỉ là bước khởi đầu trên con đường dài và đầy gian khó để chính phủ mới khôi phục trật tự, phát triển kinh tế, cũng như đối phó với những thách thức hiện nay.

Trong khi đó, việc Tổng thống bị lật đổ Bakiyev cảnh báo Kyrgyzstan chưa sẵn sàng cho một nền dân chủ nghị viện và cơ chế tổng thống vẫn phù hợp hơn với tình hình đất nước hiện đang được một số chính đảng nhỏ tán thành. Thậm chí, những đảng này còn phản đối việc sửa đổi Hiến pháp và cho rằng Hiến pháp mới khó hiểu, còn nhiều lỗ hổng và mâu thuẫn.

Theo giới phân tích, cuộc trưng cầu dân ý vừa qua đã gợi lại những tranh cãi lâu nay về việc cơ chế nào phù hợp nhất cho Kyrgyzstan khi đất nước nhỏ bé với 5,3 triệu dân này là một thực thể khá phức tạp, gồm nhiều công quốc riêng lẻ tại các vùng núi với 80 cộng đồng dân tộc. Sau nhiều năm nỗ lực thống nhất, Kyrgyzstan vẫn còn là một trong những nước cộng hòa nghèo nhất trong khu vực Trung Á và khoảng cách phát triển giữa miền Bắc có kinh tế mạnh hơn với miền Nam vốn chủ yếu dựa vào nông nghiệp ngày càng nới rộng ra. Thực tế, những khác biệt về kinh tế đôi khi trở thành mâu thuẫn chính trị và là bài toán khó tìm lời giải đáp thỏa đáng đối với chính quyền Bishkek từ nhiều năm qua.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *