Bên bờ hạnh phúc

Hệ thống xã hội phúc lợi được xây dựng từ nhiều thập niên qua ở châu Âu hiện đang bị lung lay do khủng hoảng kinh tế và chính phủ các nước buộc phải thắt chặt chi tiêu để giảm thâm hụt ngân sách. Những người dân trước nay đã quen với giáo dục và y tế miễn phí, trợ cấp thất nghiệp rộng rãi ngay lập tức phải đối diện với những thách thức lớn trong cuộc sống khi kinh tế trở nên hạn hẹp, trong khi nhà nước không thể mang đến phúc lợi nữa.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên Đài truyền hình ARD sáng 24/6, Thủ tướng Đức Angela Merkel một lần nữa khẳng định, chính quyền của bà vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch kinh tế khắc khổ để giảm bớt khoản thâm hụt ngân sách liên bang đã lên tới 80 tỉ USD, bao gồm việc cắt giảm hàng ngàn việc làm trong lĩnh vực nhà nước khiến nhiều người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Dù vậy, tình hình ở Đức vẫn còn sáng sủa, khi thâm hụt ngân sách chỉ khoảng 3% tổng sản phẩm quốc nội GDP. Tại những quốc gia đã vỡ nợ như Hy Lạp hay đang đứng trên bờ vực của tình trạng này như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, cuộc sống còn khó khăn hơn. Thủ đô Athen của Hy Lạp đã thay đổi trông thấy từ vài tháng qua. Rất nhiều người không còn đi làm bằng xe hơi riêng, và Athens trở nên ít kẹt xe hơn.

Nhiều người đã đổ lỗi cho cách điều hành của chính phủ gây ra tình hình khốn khó của họ hiện nay. Tại Tây Ban Nha, hiện cứ 5 người trong lực lượng lao động thì có 1 người thất nghiệp. Những dòng người xin việc cứ xếp dài mãi bên ngoài các văn phòng việc làm tại Madrid, họ chờ đợi những khoản trợ cấp ít ỏi từ chính quyền. Dù là ít ỏi nhưng theo báo El Pais, tiền trợ cấp thất nghiệp đã tiêu tốn của ngân sách Tây Ban Nha 40 tỉ euro (tức khoảng 49 tỉ USD) mỗi năm, tương đương 3,9% GDP. Việc có tới 1/3 số lao động ở Tây Ban Nha chỉ có hợp đồng ngắn hạn càng khiến họ trở nên dễ bị sa thải khi khủng hoảng kinh tế lan rộng.

Bên cạnh đó, có người tin rằng, các ngân hàng là thủ phạm chính khiến cuộc sống của họ ngày càng trở nên bấp bênh. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, hệ thống xã hội phúc lợi ở châu Âu, với trợ cấp thất nghiệp rộng rãi, giáo dục miễn phí và y tế được nhà nước đài thọ phần lớn không thể duy trì mãi. Một nhà kinh tế châu Âu nói rằng, hiện nay, hệ thống đó cần được cải tổ để đảm bảo có thể đương đầu với các thách thức tương lai như sự lão hóa dân số, cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt và những cuộc khủng hoảng bất thường.

Anh Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *